+
Aa
-
like
comment

Hai năm tổng lực giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành

05/01/2021 12:07

Tỉnh Đồng Nai đã chi khoảng 2.000 tỷ đồng đền bù hơn 1.800 ha đất và bàn giao cho chủ đầu tư, trước khi dự án sân bay Long Thành khởi công hôm nay.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm, tổng đầu tư hơn 4,6 tỷ USD (hơn 109.000 tỷ đồng) được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khởi công sáng 5/1, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Để đủ điều kiện pháp lý cho chủ đầu tư, tháng trước, UBND Đồng Nai đã có quyết định bàn giao 1.280 ha đất tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho Cảng vụ hàng không miền Nam quản lý về mặt hàng không dân dụng. Toàn bộ diện tích đất có mục đích sử dụng là đất giao thông. Số diện tích còn lại trong giai đoạn một tiếp tục được hoàn tất thủ tục, bàn giao trong thời gian tới.

Đồng Nai chuẩn bị gì trước ngày khởi công sân bay Long Thành - 2
Dự án giai đoạn 1 đã được giải phóng mặt bằng sạch, nằm bên cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Ảnh: Phước Tuấn

Sân bay Long Thành được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tròn một thập kỷ với hơn 5.000 ha, nằm trên địa bàn năm xã của huyện Long Thành. Mười năm qua, hàng loạt các thủ tục cũng như một khối lượng công việc lớn trong công tác giải phóng mặt bằng đã được các bộ, ngành và tỉnh Đồng Nai phối hợp triển khai, nhằm hiện thực hóa xây dựng sân bay lớn nhất nước.

Tháng 6/2019, Quốc hội đồng ý xóa sổ xã Suối Trầu và điều chỉnh địa giới hành chính nhiều xã huyện Long Thành nhằm phục vụ giải phóng mặt bằng. Xã Suối Trầu rộng khoảng 1.400 hecta, với hơn 2.000 hộ dân nằm trọn trong dự án. Những hộ này sẽ nhập vào xã Bình Sơn, được UBND huyện Long Thành tạo điều kiện thay đổi giấy tờ hành chính. Cán bộ xã đã được luân chuyển, điều động qua một số xã lân cận.

Ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND Đồng Nai cho biết, ngay khi được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng cho dự án sân bay Long Thành vào năm 2018, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để bắt tay ngay vào thực hiện, vạch ra tất cả vấn đề vướng mắc để giải quyết. “Tỉnh đã tăng cường hơn 100 cán bộ từ các sở, ban ngành về huyện Long Thành, đặc biệt là xã Bình Sơn nhằm giải quyết thủ tục hành chính cũng như đo đạc, kiểm đếm, áp giá đền bù”, ông Dũng cho biết.

Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn một cơ bản đã hoàn tất. Trong hơn 1.800 ha giai đoạn 1, tỉnh thu hồi, thanh lý 1.180 ha cây cao su của Tổng Công ty cao su Đồng Nai, 630 ha là nơi sinh sống, làm nông nghiệp của hơn 1.000 hộ dân (ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng).

Cách nơi giải tỏa chừng 10 km, tỉnh Đồng Nai đã xây khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn (thuộc 2 xã Lộc An và Bình Sơn) rộng 280 ha nằm trên trục Tỉnh lộ 769. Đây là khu tái định cư duy nhất với hơn 5.000 lô đất (khoảng 29.000 nhân khẩu) để phục vụ cho hơn 5.300 hộ dân trong vùng dự án bị di dời.

Ngoài đất ở, khu tái định cư còn có ba cơ sở tôn giáo, trung tâm văn hóa, trường học, chợ… để phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Các hạng mục hạ tầng kỹ thuật như đường, cống thoát nước, đèn chiếu sáng, hồ xử lý nước thải… đã được xây dựng đồng bộ, nhằm tạo ra một khu đô thị hiện đại nằm cạnh sân bay.

Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn có diện tích hơn 280 ha, có thể bố trí chỗ ở cho gần 30.000 người. Ảnh: Phước Tuấn.
Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn có diện tích hơn 280 ha, có thể bố trí chỗ ở cho gần 30.000 người. Ảnh: Phước Tuấn.

Hồi đầu tháng 12/2020, UBND huyện Long Thành cho hơn 200 hộ dân đầu tiên bốc thăm vị trí đất, hoàn thiện thủ tục để xây nhà, ổn định cuộc sống. “Để người dân có công việc tại nơi ở mới, tỉnh cũng tiến hành thống kê danh sách những ai có nhu cầu học nghề để tổ chức đào tạo”, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai nói.

Trước ngày dự án khởi công, nhiều người ở xã Suối Trầu cũ đã thanh lý rẫy điều, đập nhà, chặt hạ cao su… để nhường đất cho chủ đầu tư. Ông Nguyễn Văn Chính (65 tuổi, ấp 11) phấn khởi khi chuẩn bị di dời đến chỗ ở mới, sau nhiều năm sống tạm bợ vì vướng quy hoạch. Để bàn giao mặt bằng, ông đã chặt bỏ gần một mẫu cây điều, bán làm củi được hơn 17 triệu đồng.

“Nhà tôi được bồi thường hơn 7 tỷ đồng cho hơn hai mẫu đất, cùng với nhà cửa. Tôi dự định chi một ít vào việc xây nhà ở khu tái định cư, số tiền còn lại để dành làm ăn”, ông Chính nói.

Đối với hơn 4.300 hộ dân nằm trên hơn 3.000 ha giai đoạn hai dự án, đến nay công tác đo đạc, kiểm đếm tài sản đã hoàn tất, chờ áp giá đền bù. Ông Nguyễn Đình Nghĩa (42 tuổi, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn) cho biết gia đình nằm trong diện bồi thường giai đoạn hai. Tuy nhiên vấn đề ông lo lắng nhất là việc học của hai con (lớp một và lớp tám). “Tôi thấy khu tái định cư vẫn chưa xây trường nên lo việc học của con mình sẽ gặp khó khăn”, ông Nghĩa nói.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Long Thành, trong thời gian chờ giải tỏa, ba trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Suối Trầu với 780 học sinh vẫn hoạt động dạy và học bình thường tại xã Suối Trầu cũ.

Trong khi các trường học tại khu tái định cư chưa được xây dựng, cơ quan chức năng đã lên phương án sử dụng một số trường học tại trung tâm xã Bình Sơn làm nơi học tạm cho học sinh. Theo đó, 139 trẻ mầm non sẽ học tại phân hiệu của trường Mầm non Bình Sơn cũ (ấp 10, xã Bình Sơn); 400 học sinh tiểu học sẽ học tại điểm trường Tiểu học Bình Sơn cũ (ấp 10, xã Bình Sơn) và 241 học sinh THCS sẽ học tại trường Tiểu học Bình Sơn mới (ấp 1, xã Bình Sơn).

“Nếu trường hợp trường học phải bàn giao mặt bằng mà nhà dân vẫn chưa di dời thì chúng tôi sẽ dùng xe đưa đón học sinh để đảm bảo an toàn cho các em khi ra nơi học mới”, ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành nói và cho biết, việc bố trí nơi dạy cho các giáo viên cũng thực hiện song song.

Trường tiểu học Suối Trầu nằm trong khu vực xây sân bay Long Thành sẽ phải di dời trong thời gian tới. Ảnh:Phước Tuấn.
Trường tiểu học Suối Trầu nằm trong khu vực xây sân bay Long Thành sẽ phải di dời trong thời gian tới. Ảnh: Phước Tuấn.

Trong khi đó, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên vùng dự án rộng lớn, Công an Đồng Nai đã thành lập tổ công tác đặc biệt hồi tháng 11/2020. Tổ có 45 cán bộ, chiến sĩ chia làm 3 tiểu đội trang bị các loại vũ khí, phương tiện, đóng quân tại huyện Long Thành. Tổ sẽ tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự tại các tuyến đường, địa bàn ở khu vực dự án sân bay; ngăn chặn, trấn áp kịp thời các vụ gây rối, biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn chính trị, vũ trang và truy bắt tội phạm hình sự.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, dự án sân bay Long Thành có vị trí rất quan trọng để giúp tỉnh tăng tốc và có thể là “cất cánh” trong tương lai. Vì vậy, ngoài di dời và ổn định cuộc sống người dân, tỉnh cũng đã quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, các tuyến đường kết nối sân bay.

“Chúng tôi dự tính không làm những đô thị xung quanh sân bay vì sau này có thể sẽ gây khó khăn trong cất, hạ cánh. Tỉnh sẽ có những đô thị vệ tinh, mang tính kết nối cao. Đây là cơ hội vàng để Đồng Nai phát triển, nhất là phát triển đô thị hóa, gồm các khu đô thị, khu du lịch, đô thị thông minh”, ông Cường cho biết.

Sân bay Long Thành giai đoạn một được chia thành 4 dự án thành phần gồm: các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; công trình phục vụ quản lý bay; công trình thiết yếu trong cảng hàng không và các công trình khác. Trong đó, các công trình thiết yếu như công trình khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Các hạng mục xây dựng chính của sân bay gồm: đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ; nhà ga hành khách có tổng diện tích sàn 373.000 m2.

5 tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành. Đồ hoạ: Thanh Huyền.
5 tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành. Đồ họa: Thanh Huyền.

Phước Tuấn/VNE

Bài mới
Đọc nhiều