+
Aa
-
like
comment

Hai năm ròng xin thoát nghèo của cụ bà 83 tuổi: Cái tát vào những kẻ muốn gắn mác… không giàu

30/09/2019 16:45

Gần đây, việc cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi ở xã Lương Sơn, Thường Xuân, Thanh Hóa đạp xe lên UBND xã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, với lý do mình đã không còn nghèo đã nhận được rất nhiều bình luận. Ai cũng tấm tắc khen. Hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ thật giống hình ảnh mẹ già của chúng ta, bà của chúng ta – những người ta hằng yêu kính.

5

“Bà già ở một mình thoải mái, thích ăn gì thì ăn, thích tiêu gì thì tiêu, đất rộng mấy sào, nghèo là nghèo răng? Tôi có 11 người con, mà nói không nơi nương tựa, nói thế không khác gì bêu con. Tôi có rất nhiều chỗ nương tựa, nhưng tôi chưa phải nương tựa đến. Tôi xin phép ủy ban cho tôi trả lại sổ hộ nghèo. Tôi xin thoát nghèo”. Lời nói của cụ Mơ khiến cho không ít người phải suy ngẫm.

Cụ bà Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi xin thoát nghèo vì “đủ ăn, đủ mặc”

Hình ảnh cụ bà hơn 80 tuổi với ngôi nhà cấp 4 đã cũ, vật dụng trong nhà khá đơn sơ, nhưng cụ Mơ vẫn khẳng khái khẳng định mình không nghèo và vẫn có khả năng giúp đỡ người khác khó khăn hơn mình. Cụ đã cho chúng ta cái nhìn về vật chất rất đỗi bình dị. Cái nghèo về vật chất có thể khó định nghĩa, bởi với người này thế này là nghèo, với người kia thế kia mới là nghèo. Giàu – nghèo về vật chất là tùy thuộc vào các tiêu chí của xã hội và góc nhìn của mỗi cá nhân mà thôi.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách đối với những hộ nghèo, người nghèo, địa phương nghèo. Đó chính là sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã dày công xây dựng. Sáng 4/9, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua cổng nhắn tin Vì người nghèo 1408 và phát động nhân rộng phong trào này trong cả nước.

Mới đây, ngày 20/9, phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và Hành động”, Thủ tướng đã chia sẻ về “một Việt Nam không ngừng mơ ước”, trong đó mơ ước sâu xa của chúng ta là ai cũng có bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả- như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn. Kể từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới đất nước bắt đầu, thì cũng là năm công cuộc xóa đói, giảm nghèo được triển khai rộng khắp.

Vào thời điểm năm 1992, tỉ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53% (tính theo mức 1,9 USD/ngày). Cho tới năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo, người nghèo giảm 10 lần, còn 5,23% theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử.

Xóa đói, giảm nghèo, không để ai tụt lại phía sau, không để ai bị “lỡ con tàu phát triển”, đó vừa là mong ước vừa là mục tiêu phấn đấu của đất nước. Nhưng, câu chuyện tự lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo vẫn còn nhiều việc đáng bàn. Đó đây, người ta vẫn thấy có nơi đã thoát nghèo rồi lại tái nghèo, lại có nơi còn “xin” vào lại danh sách nghèo- chỉ nhằm được hưởng những ưu đãi về chế độ chính sách. Đó chính là sự ỷ lại. Mà phàm là bất cứ ỷ lại thứ gì thì cũng đều không thể “lớn” được, cũng đều đáng chê. Người ta hay tranh luận với nhau chuyện giúp người nghèo “con cá hay cần câu” cũng không nằm ngoài việc mong muốn người được nhận sự giúp đỡ phải tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại.

Tục ngữ có câu: Giấu giàu, không ai giấu được nghèo. Thường thì người ta hay bắt gặp những câu than cửa miệng về cái nghèo chứ chả mấy ai lại than rằng tôi giàu lắm bao giờ. Không nói mình giàu, nhưng khẳng định mình không nghèo thì cũng không nhiều người làm được như cụ Mơ. Trả lại sổ hộ nghèo, mong muốn chính quyền nhường cho người khác khó khăn hơn, đúng là cụ sống không chỉ biết nghĩ cho riêng mình. Phẩm chất đáng kính của cụ là tấm gương sáng nói lên nhiều điều đáng để suy ngẫm đối với tất cả chúng ta.

Ở đời, không ít người sức vóc khỏe mạnh, tuổi vẫn còn ít nhưng lười, ỷ lại, trông chờ sự giúp đỡ của người khác. Họ nghĩ gì khi nhìn vào sự đàng hoàng và hành động rõ ràng của cụ Đỗ Thị Mơ, một bà cụ sống một mình trong căn nhà hẹp? Một bà cụ 83 tuổi chắc chắn sức vóc đã vơi cạn mà quyết không chịu nhờ vả vào sự ưu đãi, không muốn làm phiền ai quả là một người đàng hoàng.

Lời nói và việc làm của cụ bà là bài học cho tất cả mọi người không trừ ai. Có nhiều người tìm cách để được là hộ nghèo, ai không được hay bị cắt thì thưa kiện. Còn nữa, cán bộ nhiều nơi tìm cách đưa người thân vào danh sách hộ nghèo để hưởng chính sách. Rồi nhiều người ăn bớt ăn xén các phần quà, tiền hỗ trợ cho hộ nghèo, mới có chuyện cả đàn dê, bò, nhím đi lạc vào nhà quan.

Những khi xảy ra thiên tai, tiền và vật chất trợ cấp bị ăn chặn, cán bộ tham nhũng vặt về vật chất, nhưng số vật chất khi cứu trợ thiên tai lại không tính bằng thước đo thông thường. Ăn cắp đó không chỉ là hành vi phạm tội mà là tội ác.

Cũng câu chuyện về cái nghèo, hộ nghèo, trong năm 2018 vừa qua tại Quảng Bình đã xảy ra câu chuyện khá hôi hài. Khi có những “ông quan xã” lại cố tình gán ghép người thân, người nhà vào vị trí là hộ nghèo để được hưởng các chính sách của nhà nước.

Thanh tra huyện Bố Trạch (Quảng Bình) năm 2018 đã đề nghị Ban thường vụ Huyện ủy huyện này kỷ luật và kiểm điểm nghiêm túc hàng loạt lãnh đạo xã Hoàn Trạch vì “vô tình” để mẹ, vợ, con… nằm trong danh sách hộ nghèo.

Theo kết luận thanh tra, giai đoạn 2011-2013, toàn xã Hoàn Trạch có 153 khẩu không nghèo được “ghép nhầm” vào hộ nghèo để được hưởng các chính sách từ sự hỗ trợ của nhà nước. Thanh tra huyện cũng phát hiện nhiều đối tượng là người thân, bà con của lãnh đạo, cán bộ UBND xã, cán bộ các thôn ở xã Hoàn Trạch “đi lạc” vào hộ nghèo để hưởng chính sách.

Sau khi phát hiện sai phạm, Ban thường vụ Huyện ủy Bố Trạch đã chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc vai trò lãnh đạo của Đảng ủy xã Hoàn Trạch giai đoạn 2011-2015 và có hình thức kỷ luật đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo xã này vì thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.

Hộ nghèo không muốn thoát nghèo, hộ đã thoát cảnh nghèo lại làm đơn xin được là hộ nghèo, câu chuyện nghịch lý này đã và đang diễn ra ở không ít địa phương khi nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Đảng, nhà nước

Đành rằng, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau, trong đó có cả những biến cố bất ngờ ập đến khiến họ chưa thể thực hiện ước mơ thoát nghèo, mặc dù chính quyền địa phương các cấp, các nhà hảo tâm và mạnh thường quân luôn quan tâm giúp đỡ. Song, đa phần những hộ gia đình nghèo được tiếp xúc trên đều có người trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe, thì ý thức “tự cứu mình, trước khi chờ người khác cứu” là điều họ hết sức nên làm. Bài học về cụ bà xin thoát nghèo ở trên là một ví dụ điển hình.

Phạm Minh Hà

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều