+
Aa
-
like
comment

Hai mặt của vấn đề giảm thuế giá trị gia tăng

LS Lê - 12/09/2022 17:40

Vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế suất thuế Giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đến hết tháng 8 ước đạt khoảng 25.685 tỷ đồng. Thông tin này có lẽ là tin vui với doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng nó cũng đem lại những tổn thất đáng kể cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Chính sách giảm 2% thuế VAT được áp dụng từ tháng 2/2022.

Bàn về việc thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế Giá trị gia tăng (VAT) có mức thực hiện lớn nhất với khoảng 25.685 tỷ đồng tiền thuế đã được giảm. Đây là chính sách giảm thuế suất thuế VAT áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ nhằm ổn định an sinh xã hội cho người dân và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, hầu hết các hàng hóa, dịch vụ tại siêu thị đều chịu VAT là 10%, nên xuống 8% thì chính sách này sẽ có độ bao phủ, tác động rất rộng. Do đó, chính sách này sẽ có ý nghĩa kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn.

Bên cạnh đó, những tác động tích cực của việc giảm thuế GTGT còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó, có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Theo tính toán, việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này của Chính phủ sẽ kích thích tiêu dùng và gia tăng sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất và mở rộng kinh doanh. Đây cũng chính là tiền đề để đảm bảo nguồn và phát triển nguồn thu cho ngân sách Nhà nước trong tương lai.

Việc giảm thuế GTGT giúp kích thích nhu cầu mua sắm của người dân

Tuy nhiên, vấn đề này cũng có mặt trái của nó, đó chính làm giảm đáng kể nguồn thu của ngân sách nhà nước. Nếu dòng tiền bị thất thu thì lúc Nhà nước cần chi các khoản hỗ trợ doanh nghiệp hay người dân cũng sẽ gặp khó khăn. Chưa kể đến nguồn ngân sách này còn góp phần bình ổn giá thị trường để hạn chế hết mức có thể nguy cơ lạm phát. Chính vì vậy, nguồn thu này bị ảnh hưởng cũng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội. Do đó, chỉ nên giảm thuế vào những lúc tình hình kinh tế biến động mạnh, khả năng lạm phát và giá các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng cao để ổn định cuộc sống cho người dân. Không nên giảm thuế tràn lan để giảm thiểu tối đa mức thất thu của ngân sách Nhà nước.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, đề xuất cần cân đối việc giảm thuế giá trị gia tăng bởi không phải cứ giảm nhiều là tốt, là có lợi cho người dân. Cụ thể, có thể tăng các nguồn thu nội địa, trong đó có việc khẩn trương đưa vào thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân để bù đắp sự hụt đi của thuế xuất nhập khẩu. Hoặc song song với việc giảm thuế thì quy mô ngoại thương cần phải tăng mạnh, đồng thời các doanh nghiệp, mặt hàng của nước ta đều phải đứng vững về mặt chất lượng nhằm đảm bảo số lượng hàng xuất khẩu.

LS Lê

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều