Hai lần trở về thăm Đền Hùng của Bác Hồ
“Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”. Một quốc gia, một dân tộc cũng vậy, trong dòng chảy 4.000 năm lịch sử, cội nguồn dựng nước của dân tộc Việt Nam từ các vua Hùng. Nhân giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 Âm lịch năm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với Quốc tổ Hùng Vương và cội nguồn dân tộc:
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về thăm đền Hùng – nơi thờ tự các vua Hùng, tổ tiên chung của dân tộc ta tại thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, Tp.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Lần thứ nhất về Đền Hùng, Người đi từ Đại Từ (Thái Nguyên) vào ngày 18/9/1954. Bác đã ngủ đêm tại Đền Giếng ở chân núi Hùng. Sáng hôm sau (ngày 19/9/1954), sau khi đi thăm các Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, hành lễ kính cáo tổ tiên, người trở lại Đền Giếng nói chuyện với bộ đội Đại đoàn quân Tiên Phong – Sư đoàn 308 về nhiệm vụ tiếp quản thủ đô. Tại nơi đây, Bác đã nói câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong một câu nói như là một sự tổng kết quy luật tồn tại và phát triển: Dựng nước gắn liền với giữ nước. Câu nói của Người vừa thể hiện lòng biết ơn với các vua Hùng “đã có công dựng nước”, đồng thời đề ra nhiệm vụ kế tục, tiếp nối sứ mệnh lịch sử cao cả của lớp cháu con “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tinh thần đại đoàn kết, mà còn là sự tôn vinh tổ tiên, tôn vinh Quốc tổ Hùng Vương. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, Người đã đặt cội nguồn dân tộc lên một tầm cao mới. Nhắc đến công lao của các vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức và trong đời thường là Đền Hùng, Bác đã khơi gợi lên ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn. Nhất là trong lúc sự nghiệp cách mạng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những hy sinh to lớn. Niềm tự hào vững chắc về Tổ tiên dựng nước chắc chắn sẽ là nguồn động lực lớn lao cổ vũ tinh thần đoàn kết đối với nhân dân cả nước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Lần thứ hai, Bác về thăm Đền Hùng, dâng hương Đền Thượng, thăm mộ Tổ vào ngày 19/8/1962, khi đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc, cả nước biến thành chiến trường chống Mỹ. Khoảng 9h sáng, Bác đến Đền Hạ, các đồng chí bảo vệ sợ Bác mệt, xin Bác nghỉ lại, mời xuống núi. Bác nói “Leo núi phải leo đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng. Đã đi phải tới đích”. Đến Đền Trung, lên Đền Thượng khoảng 11h trưa, Bác cùng đoàn nghỉ trưa, ăn cơm nắm với dưa cà ở ngách cửa đông nam Đền Thượng. Trước khi ra về, Bác dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan”. Lời dạy của Bác có tính định hướng phát triển, tôn tạo đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc.
Cả 2 lần Người về Đền Hùng thì cả 2 lần Người đều lên đến đỉnh cao – nơi mà ngày xưa Tổ tiên ta từng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lịch sử đã chứng minh, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt đã đương đầu và đánh bại rất nhiều kẻ xâm lược hùng mạnh bằng sức mạnh đại đoàn kết tuôn chảy từ cội nguồn. Đất nước ta lúc thịnh lúc suy, nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ. Con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không xâm lược nước nào, nhưng cũng không kẻ thù nào khuất phục được. Lòng biết ơn, thờ cúng Tổ tiên là nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh cơ bản của người Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng không phải vì lo sợ trước những khó khăn của lịch sử phải mượn tới vong linh Tổ tiên, mà vì, nhân dân ta vốn coi trọng nguồn gốc, có tình cảm thiết tha với cội nguồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng đã gợi lên sức mạnh cội nguồn, khơi dậy tình cảm thiêng liêng cổ vũ toàn dân quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược cho đến ngày non sông liền một dải.
Tháng 3 âm lịch đã đến, “dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3”. Câu ca đó như một lời nhắc nhở con dân nước Việt luôn luôn nhớ rằng: chúng ta cùng chung một Tổ tiên, cùng chung một cội nguồn; nhắc ta nhớ đến lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” .
Biết ơn các bậc tiền nhân, chúng ta hãy cùng nhau biến lòng biết ơn thành hành động cách mạng, phát huy sức mạnh từ cội nguồn, sức mạnh của lòng yêu nước, đoàn kết ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước ta giàu mạnh.
Đức Trọng