+
Aa
-
like
comment

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau Covid-19

15/05/2020 10:42

Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết điều này khi trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 tại phiên họp 45 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/5.

Nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bước vào năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng toàn cầu, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội và hành vi, thói quen sinh hoạt của người dân trên toàn thế giới.

Trước diễn biến và tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để phát triển nhanh, bền vững.

covid-19 dan den xu huong gia tang canh tranh giua viet nam-trung quoc hinh 1
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế có một số điểm sáng là kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD…

Về quan hệ đối ngoại của Việt Nam được tăng cường nhờ các nỗ lực hợp tác quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 và đã được đánh giá cao; quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia dự báo có một số điểm sáng như: nhiều mặt hàng của Việt Nam gồm trang thiết bị y tế, gạo, nông sản… đã tìm được cơ hội để thâm nhập vào các thị trường mới; Việt Nam có cơ hội trở thành thị trường thay thế trong bối cảnh nguồn cung từ thị trường Trung Quốc bị gián đoạn.

Tuy vậy, đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam – Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông.

Dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ dự kiến 2 kịch bản về tăng trưởng kinh tế.

Với kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý III/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2 đặt ra thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong Quý IV/2020, theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

“Cuộc khủng hoảng dịch tễ Covid-19 hiện nay không xuất phát từ khó khăn, yếu kém trong hệ thống tài chính, tiền tệ khu vực và thế giới mà từ yếu tố khách quan, nhưng tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đây” – ông Nguyễn Chi Dũng nói.

Do đó, Chính phủ cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là: GDP tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn; trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Bên cạnh đó tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%);  tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

covid-19 dan den xu huong gia tang canh tranh giua viet nam-trung quoc hinh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Uỷ ban này cũng đề nghị trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế của nước ta và trên thế giới, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế – xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi NSNN, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ, trả nợ Chính phủ.

“Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân” – báo cáo thẩm tra nhấn mạnh và đề nghị triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Ngọc Thành/VOV

Bài mới
Đọc nhiều