+
Aa
-
like
comment

Hai hợp đồng “khủng” giúp Không quân Việt Nam lên thẳng hiện đại

13/01/2022 11:37

Nhờ 2 hợp đồng “khủng” hoàn toàn mới, Không quân Việt Nam đang có bước ngoặt lớn, tiến thẳng lên hiện đại, mở đường cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Không quân Việt Nam đặt hàng 2 hợp đồng “khủng”

Có thể nói năm 2021 vừa qua Không quân Việt Nam liên tiếp đón tin vui bằng 2 hợp đồng “khủng” khiến người yêu quân sự trong nước náo nức còn truyền thông quốc tế ngỡ ngàng.

Bộ đôi máy bay mới theo 2 đơn hàng này được đánh giá là một bước ngoặt rất lớn, giúp Không quân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại và mở ra một trang hoàn toàn mới cho những bước phát triển đột phá trong tương lai.

Cụ thể, theo hợp đồng trị giá ước tính khoảng 350 triệu USD, Không quân Việt Nam mua từ Nga 12 chiếc máy bay huấn luyện phản lực kiêm tiêm kích-bom hạng nhẹ Yak-130 và ít nhất 6 chiếc đầu tiên đã được bàn giao cho Việt Nam hồi tháng 12/2021.

Theo tiến độ mà ông Dmitry Shugaev – Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga, nói với các phóng viên hôm thứ Bảy tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông rằng trong năm 2021 hợp đồng sẽ được hoàn tất thì đến giờ này (giữa tháng 1/2022) có lẽ 6 chiếc Yak-130 còn lại đã được máy bay vận tải quân sự An-124 chở tới Việt Nam lắp ráp, bay thử nghiệm thu và bàn giao.

Nếu như Không quân Việt Nam mua Yak-130 là tất yếu bởi lẽ nó đáp ứng được tất cả các yêu cầu phục vụ nhu cầu đào tạo phi công chiến đấu phản lực và thậm chí còn làm được một số nhiệm vụ khác như tiêm kích, cường kích hạng nhẹ, đúng là một loại máy bay đa năng thực sự, thì hợp đồng mua L-39NG của Cộng hòa Séc khiến nhiều người bất ngờ lớn.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Không quân Việt Nam lại mua cùng lúc cả Yak-130 và L-39NG bởi 2 loại máy bay có khá nhiều điểm tương đồng về tính năng kỹ chiến thuật và nhiệm vụ?

Để trả lời câu hỏi này, xin trích ý kiến rất xác đáng của chuyên gia vũ khí Séc Petr Markvart nói với hãng tin Sputnik rằng:

“Máy bay Yak-130 hai động cơ công suất mạnh của Nga được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến có thể đóng vai trò quan trọng trong huấn luyện và đủ khả năng thực hiện hàng loạt kịch bản nhiệm vụ chiến đấu.

Máy bay huấn luyện phản lực Yak-130 do Nga chế tạo

Tuy nhiên, theo cái nhìn của tôi, đối với một học viên trẻ là phi công tương lai thì Yak-130 quá phức tạp và đòi hỏi cao. Còn L-39NG là phương tiện lý tưởng để phi công trẻ làm quen với kỹ thuật lái máy bay phản lực.

Nhưng cũng phải thấy Yak-130 còn là máy bay chuyển tiếp lý tưởng để tiến tới điều khiển các tổ hợp chiến đấu cơ đa năng ‘đích thực’ như Su-27 và Su-30. Như vậy, cả hai loại máy bay này được Việt Nam mua song song.

Cùng với việc cung cấp bản thân các máy bay, cũng sẽ cung cấp các thiết bị mặt đất tương ứng để bảo dưỡng kỹ thuật, đào tạo tổ lái và nhân viên mặt đất, sẽ thực thi hàng loạt điểm quan trọng khác, cần thiết để đảm bảo hoạt động chức năng trơn tru của các kỹ thuật thiết bị mới”.

Chuyên gia Séc khẳng định rằng L-39NG và Yak-130 không phải là mẫu máy bay tương tự nhau mà cũng không là đối thủ của nhau, cả hai hoàn toàn có thể ‘cùng đứng chung trong một đội hình’.

Hẳn là Bộ Tư lệnh Không quân Việt Nam cho rằng sẽ quá mạo hiểm nếu đưa các học viên phi công từ máy bay Yak-52 huấn luyện sơ cấp chuyển ngay sang máy bay phản lực Yak-130 hai động cơ.

Vì thế cần một kiều ‘cây cầu nối’ giữa hai loại phương tiện. Và máy bay của Séc có thể đảm trách tốt vai trò ‘cầu nối’ như vậy.

Trên cơ sở ý kiến của chuyên gia Petr Markvart, có thể thấy việc Không quân Việt Nam chọn mua và sử dụng đồng thời 2 loại máy bay huấn luyện phản lực hiện đại Yak-130 (Nga) và L-39NG (Séc) là hoàn toàn hợp lý và khôn ngoan.

Máy bay huấn luyện phản lực L-39NG do Cộng hòa Séc chế tạo.

Mở đường đón Su-57, Su-75 và F-35?

Là một trong những lực lượng mũi nhọn được đầu tư lớn để tiến thẳng lên hiện đại, Không quân Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục có thêm những vũ khí trang bị thế hệ mới.

Trong tương lai không xa, khi các máy bay tiêm kích bom Su-22 hiện có đi đến cuối vòng đời, chắc chắn Không quân Việt Nam cần phải được bổ sung máy bay mới, hiện đại vừa để thay thế, vừa để nâng cao sức chiến đấu nhằm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Xu hướng chung của Không quân các nước trên thế giới là bắt đầu chuyển dịch dần từ mua sắm tiêm kích thế hệ 4, 4+ hoặc 4++ sang mua tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Đây là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược, ngay ở Đông Nam Á, ngoài Singapore đã chính thức ký hợp đồng mua F-35 từ Mỹ thì mới đây Thái Lan cũng đang có ý định đặt mua ít nhất 8 chiếc F-35.

Một quốc gia khác trong khu vực là Indonesia cũng sẽ sớm tiếp cận với tiêm kích thế hệ 5. Cụ thể, hồi tháng 3/2020, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước này Sakti Wahyu Trenggono tuyên bố Chính phủ Indonesia có thể sẽ tính tới việc mua F-35 của Mỹ. Hiện Malaysia chưa có kế hoạch nhưng có lẽ họ sẽ không đứng ngoài cuộc.

Vì vậy, Không quân Việt Nam cũng nên tính tới việc mua tiêm kích tàng hình thế hệ 5 để bắt kịp xu hướng chung của thế giới và khu vực.

Hiện lựa chọn tiêm kích tàng hình thế hệ 5 dành cho Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới không nhiều.

Nếu như F-22 thì Mỹ không xuất khẩu, Su-57 thì Nga mới hoàn thiện, bắt đầu bàn giao cho Không quân Nga còn Su-75 Checkmate thì vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa có sản phẩm, còn mỗi F-35 của Mỹ là đang bán rầm rầm dù còn nhiều lỗi.

Xét trong 4 loại tiêm kích thế hệ 5 nói trên thì dường như Su-57 và Su-75 của Nga là có tiêm năng nhất để trở thành ứng viên tương lai cho Không quân Việt Nam, đặc biệt là Checkmate.

Su-75 Checkmate của Nga dù chưa xuất xưởng nhưng như những thông tin đã công bố, có lẽ đây là ứng viên sáng giá nhất dành cho Việt Nam bởi lẽ giá cả phải chăng, phù hợp với những quốc gia có ngân sách hạn chế, trong khi các tính năng kỹ – chiến thuật tương đối ổn, dù còn phải chờ bay thử và hoàn thiện thì mới đánh giá toàn diện được.

Dù ứng viên nào đi chăng nữa, F-35 của Mỹ hay Su-57 hoặc Su-75 Checkmate của Nga, thì muốn sở hữu chúng thì ngay từ bây giờ cần có những nghiên cứu cụ thể để có những bước đi phù hợp, không phải “nước đến chân mới nhảy”.

Hy vọng vào một ngày đẹp trời nào đó trong vài năm tới đây, tin vui về “Không quân Việt Nam mua tiêm kích tàng hình” sẽ chính thức được loan tin, không chỉ giúp tăng cường sức mạnh để bảo vệ bầu trời mà còn giúp thỏa khát khao của người yêu quân sự nước nhà.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều