+
Aa
-
like
comment

Hai cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ lý giải lá phiếu trắng về Ukraine

26/03/2022 18:48

Hai nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường và Phạm Quang Vinh cho rằng Việt Nam khi bỏ phiếu trắng các nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Ukraine vừa qua là sự cân nhắc kỹ càng, thể hiện lợi ích quốc gia và sự độc lập tự chủ.

Lợi ích của Việt Nam

“Tôi nghĩ các lá phiếu đã thể hiện quá rõ quan điểm, lợi ích của Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng” – Đại sứ Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại cuộc nói chuyện của Câu lạc bộ Cafe số với chủ đề “Xung đột Nga – Ukraine: Nước nhỏ trong vòng xoáy chính trị cường quyền” sáng 25/3 tại Hà Nội.

Sau các phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine ngày 1/3 và 24/3 đã diễn ra các cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Đại hội đồng yêu cầu Nga dừng chiến sự và rút quân khỏi Ukraine.

Nghị quyết được thông qua với số phiếu 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng ở lần bỏ phiếu đầu tiên. Lần thứ hai, nghị quyết được thông qua với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng.

Trong số các phiếu trắng, cả hai lần đều có lá phiếu của Việt Nam.

Theo dõi trên các diễn đàn và mạng xã hội, có rất nhiều người ủng hộ lá phiếu của Việt Nam, nhưng cũng không ít người không đồng tình khi cho rằng thái độ trung lập của Việt Nam là mơ hồ, thậm chí không đứng về phía hoà bình.

Tuy nhiên, là người từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Châu Âu, vị trí Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Nhật Bản, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng lá phiếu đó là “hợp lý”.

Ông nói: Quan điểm của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trong phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại LHQ Đặng Hoàng Giang hôm 1/3 và 24/3.

Các cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ lý giải lá phiếu trắng về Ukraine - Ảnh 1.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp đặc biệt của LHQ hôm 24/3 về Ukraine. Ảnh: BNG.

Ông Cường hoàn toàn đồng ý với Đại sứ Đặng Hoàng Giang rằng chiến tranh và xung đột và việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp thường xuất xuất phát từ các học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền.

Đại sứ Giang cũng đã khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực, ủng hộ chấm dứt chiến sự và các nỗ lực nhân đạo ở Ukraine, sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực nhân đạo.

Chính sách độc lập tự chủ

Diễn giải thêm về góc nhìn của mình, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết:  “Cá nhân tôi ủng hộ lá phiếu của Việt Nam. Xét về quan hệ Việt – Nga, tôi muốn viện dẫn lập trường của Tổng thống Serbia: Việc Nga đưa quân vào Ukraine là sai, nhưng Serbia không tham gia cấm vận Nga, vì khi Serbia bị bao vây cấm vận, duy nhất có một nước trong HĐBA không tán thành là Nga”.

Theo Đại sứ, nhìn lại lịch sử, Việt – Nga và trước đây là Liên Xô có quan hệ chặt chẽ. Trong các nước lớn có quyền phủ quyết ở HĐBA, nước duy nhất Việt Nam chưa có chiến tranh là Nga. Những lúc Việt Nam bị Mỹ và phương Tây bao vây cấm vận, duy nhất trong các nước lớn ở HĐBA, Nga cũng không tham gia.

“Người Việt Nam ân nghĩa rõ ràng” – ông nói. Ngoài ra hai bên còn hợp tác khác về kinh tế, và nhất là hợp tác chặt chẽ về quân sự. “Vì thế việc bỏ phiếu này là xuất phát từ lợi ích Việt Nam”.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói thêm: Vừa qua Việt Nam đã có nhiệm kỳ 2 năm tham gia Hội đồng Bảo an. “Việt Nam bỏ phiếu trong từng vấn đề, từng lá phiếu là xuất phát từ lợi ích của Việt Nam, không phải do Mỹ hay Trung Quốc vận động, không phải theo dư luận trong nước cũng như quốc tế”.

Ông cho rằng, lá phiếu đó “có thể khiến Mỹ và phương Tây không hài lòng, có thể Nga cũng không hài lòng”. Nhưng ông khẳng định: “Lá phiếu đó thể hiện chính sách ngoại giao độc lập tự chủ, xuất phát từ lợi ích quốc gia của Việt Nam”.

Lá phiếu là thể hiện quan điểm của Việt Nam, nhưng việc giải thích thêm rõ ràng là rất quan trọng – Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận xét. Thời gian qua, Việt Nam đã có tiếp xúc với Mỹ, Ukraine, Nga và các nước khác để thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam.

Nhấn mạnh chính sách ngoại giao độc lập tự chủ của Việt Nam, ông nói: “Hiện tại nước này nước kia có thể không hài lòng, nhưng biết đâu sẽ đến lúc có nước muốn Việt Nam đứng ra làm trung gian hoà giải chính vì những lá phiếu như vậy. Ví dụ để giải quyết vấn đề Triều Tiên, cả 2 bên Mỹ và Triều Tiên đều muốn Việt Nam đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Đó là vì chính thái độ của Việt Nam trong cả một quá trình, Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai bên. Về lâu về dài, rất có thể các bên đều mong muốn Việt Nam có vai trò nào đó”.

“Trắng nhiều chiều”

Thảo luận về lá phiếu trắng, Đại sứ Phạm Quang Vinh – nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Phó Đại diện thường trực phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng, “rất nhiều người có ý kiến về việc bỏ phiếu nhưng lại không hiểu nội dung nghị quyết là gì”.

Trong 38 năm năm công tác tại Bộ Ngoại giao, Đại sứ Phạm Quang Vinh có 27 năm làm về LHQ, trong đó có 2 nhiệm kỳ công tác tại Phái đoàn Việt Nam tại LHQ ở New York.

Các cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ lý giải lá phiếu trắng về Ukraine - Ảnh 3.
Đại sứ Phạm Quang Vinh (trái): Cần phải hiểu rõ nội dung các nghị quyết.

Ông nói: “Việc xử lý quan hệ với các nước cũng như việc bỏ phiếu phải dựa trên 3 yếu tố: (1) Cuộc khủng hoảng xảy ra có cả một lịch sử lâu dài với nhiều nhân tố thuận nghịch đan xen, bên nào cũng có lợi ích chính đáng; (2) Nguyên tắc của Việt Nam là tôn trọng độc lập tự chủ, chủ quyền các nước, tôn trọng luật pháp quốc tế; (3) Tình bạn, việc duy trì quan hệ, lợi ích, chia sẻ quá khứ, tương lai.

Trong việc bỏ phiếu về Ukraine, lá phiếu của Việt Nam “trăn trở nhiều yếu tố”: Câu chuyện dùng vũ lực, vấn đề độc lập chủ quyền, chiến tranh hoà bình, quan hệ với các nước. Việt Nam độc lập tự chủ nhưng không đứng một mình mà làm bạn với rất nhiều nước với những đan xen lợi ích nhiều chiều. Những điều đó Việt Nam rất rõ những xử lý không dễ – Đại sứ Vinh phân tích.

Vì vậy, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc lại, cần phải đọc kỹ nội dung các nghị quyết. Trong sự kiện ngày 24/2, có những nguyên tắc đã bị vi phạm, điều đó không thể biện minh, song nhiều yếu tố khác không được đưa vào nghị quyết.

Ông phân tích: Việc NATO mở rộng sang phía Đông khiến không gian hậu Xô Viết của Nga bị thu hẹp. Nga đã cảnh báo lằn ranh đỏ. Trước chiến sự Nga đã tập trung quân ở biên giới, đã có nhiều nỗ lực nhưng các bên không lắng nghe nhau.

Cuộc chiến kéo dài đã 1 tháng mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Tức là giải pháp quân sự chưa giúp Nga đạt được mục tiêu mà cần phải có giải pháp chính trị. Các vấn đề Ukraine không gia nhập NATO còn liên quan nhiều điều như thay đổi Hiến pháp, trưng cầu dân ý, các điều kiện về Crimea và các nước cộng hoà ly khai vùng Donbass đang được đàm phán… đó là những vấn đề cần phải có giải pháp chính trị mới giải quyết được.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhận xét: “Nội dung các nghị quyết của Đại hội đồng đã không bao quát hết tất cả mà áp đặt nhận thức một phía, vì nếu có cơ hội tạo giải pháp chính trị và không gian thuận lợi cho giải pháp chính trị thì cần phải vun vào, điều đó đã không được thể hiện trong nghị quyết”.

Để giải thích rõ hơn, nguyên Phó Đại diện thường trực Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng mỗi nước có lý do khác nhau khi bỏ phiếu trắng, và ông gọi các lá phiếu trắng trong hai cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ là “trắng nhiều chiều”.

“Lần  trước 35 phiếu trắng, lần này 38 phiếu trắng, không phải trắng nào cũng giống nhau. Ngoài Việt Nam ra thì  trắng của Ấn Độ khác trắng của Trung Quốc”.

Những so sánh với Việt Nam

Đã xuất hiện những so sánh quan hệ Nga – Ukraine với quan hệ Việt – Trung, hay so sánh cuộc chiến Ukraine với việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot trước đây. Những so sánh này đã được đưa ra trong các đánh giá về lá phiếu và thái độ của Việt Nam với những gì diễn ra ở Ukraine.

 

Đề cập những vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng. “Đầu tiên là về thời gian. Thế giới 30 năm trước khác thế giới bây giờ” – ông nói. “Ngoài ra nguyên nhân mỗi cuộc chiến khác nhau”.

Đại sứ nhắc lại: Vì việc đưa quân vào Campuchia, Việt Nam phải đối mặt với 10 năm cấm vận của Mỹ và phương Tây. Nhưng thế giới cũng  đã thấy nếu Việt Nam không đưa quân vào thì không loại bỏ được chế độ diệt chủng. Chính Campuchia đã cảm ơn Việt nam về điều này. Ngoài ra Campuchia cũng không phụ thuộc Việt Nam mà trở thành quốc gia rất độc lập.

Quay lại vấn đề Nga – Ukraine, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường nói rằng, nhiều người không đồng tình với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, nhưng những quan tâm lo ngại của Nga về không gian hậu Xô Viết, về an ninh là có cơ sở.

Giải đáp về tác động của chiến sự Nga – Ukraine với tình hình Biển Đông sắp tới, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng sẽ có cả sự phức tạp rủi ro, cả cơ hội.

“Phức tạp ở chỗ, cuộc chiến Ukraine đã tạo tiền lệ là về sau cũng có thể có sự viện đến biện pháp quân sự, đến các chiến dịch quân sự đặc biệt gì chăng? Hay những quan ngại rằng Mỹ lo đối phó với Nga thì sự quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ trở nên  lỏng lẻo? Mỹ sẽ cần Trung Quốc hơn để đối phó với Nga thì Mỹ có thể làm ngơ nếu Trung Quốc có động thái gì đó?” – ông nói.

“Về cơ hội, Trung Quốc phải nhìn vào gương của Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế để thấy rằng mình có dám hành động không, hành động mạnh đến đâu”. “Đó là những vấn đề các nhà hoạch định chính sách phải tính đến” – Đại sứ Nguyễn Quốc Cường lưu ý.

Đại sứ Nguyễn Quốc Cường lưu ý thêm rằng  quan hệ Mỹ – Trung – Nga vốn rất phức tạp. Đại sứ cho biết: Năm 2022 kỷ niệm 50 năm Tổng thống Mỹ Nixon thăm Trung Quốc năm 1972, ký Thông cáo chung Thượng Hải, đưa Trung Quốc từ thế bị bao vây cấm vận vào dòng chảy chung của thế giới, cộng với việc sau này Trung Quốc mở cửa để phát triển thành quốc gia hàng đầu thế giới hiện nay.  Lúc đó kẻ thù chung của 2 bên là Liên Xô, nhân tố quan trọng  khiến Mỹ – Trung xích lại gần nhau. Đến năm 2022, Nga lại là nhân tố gây phức tạp thêm quan hệ Mỹ – Trung.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều