+
Aa
-
like
comment

Hai chuyến bay “định mệnh” khiến Châu Âu lao đao, khủng hoảng

Bảo Trâm - 02/12/2021 08:21

Sau cảnh báo về “siêu biến thể Covid mới” Omicron, nhiều quốc gia lập tức siết chặt di chuyển với châu Phi. Nhưng 2 chuyến bay hôm 26/11 đến Hà Lan cho thấy nỗ lực này dường như đã muộn, trang Guardian đưa tin.

Theo Guardian, với hàng trăm hành khách trở về Amsterdam (Hà Lan) từ Nam Phi vào đêm hôm 26/11, chuyến bay mang số hiệu KL592 khiến họ rơi vào toàn bộ những cạm bẫy có thể xảy ra khi di chuyển quốc tế trong thời đại Covid.

Họ mang theo toàn bộ những giấy tờ chứng minh bản thân đủ điều kiện để lên máy bay. Nhân viên sân bay xem xét, sàng lọc qua đủ mọi yêu cầu rắc rối từ cả 2 đất nước. Rắc rối là ở chỗ, như Mỹ sẽ cần hành khách có chứng nhận âm tính để nhập cảnh, trong khi một số nước khác thì không. Và suốt chuyến bay dài, cũng chỉ một số người đeo khẩu trang.

Nhưng trong lúc họ bay trên bầu trời, thì dưới mặt đất mọi chuyện thay đổi một cách chóng mặt xoay quanh cái tên cái tên: Omicron.

Việc biến thể Covid mới mang theo số lượng đột biến nhiều bất thường được phát hiện tại Nam Phi đã gây ra hoảng loạn trên phạm vi toàn cầu, kéo theo những quyết định đóng cửa biên giới đầy chóng vánh. Các hành khách  trên chuyến bay KL592lúc đến nơi lập tức phải đối mặt với một thực tại mới đầy đau khổ, khi phải chờ đợi hàng giờ trong bầu không khí mệt mỏi tại sân bay để rồi nhận ra nhiều người trên chuyến bay của mình dương tính, với biến thể Covid được xem là “tồi tệ nhất từ trước đến nay”.

“Chúng tôi đã ở cùng một chỗ, theo nghĩa đen,” – Jan Mezek, hành khách 39 tuổi cho biết. Mezek là một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm, vừa trở về sau chuyến công tác 2 tuần tại tỉnh Prague của Nam Phi. “Cảm giác thực sự tồi tệ.”

Trong số hơn 60 người trên KL592 và một chuyến bay khác từ Nam Phi dương tính với Covid-19, ít nhất 14 người được xác định đã nhiễm biến thể Omicron. Nhà chức trách phải lập tức cách ly họ, thậm chí bắt giữ một cặp đôi tìm cách thoát ra để kịp bay đến Tây Ban Nha. Hàng trăm người khác buộc phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính tại sân bay mới được phép trở về nhà, hoặc lên máy bay đến địa điểm kế tiếp, theo Guardian.

Khách sạn gần sân bay Amsterdam được sử dụng để cách ly những người mắc Covid-19 trở về từ Nam Phi. Ảnh: New York Times.

“Họ đi khắp thế giới, ai mà biết họ tới những đâu”, ông Fabrizio Pregliasco, chuyên gia virus học người Ý tại ĐH Milan nhận xét. Ông cho rằng toàn bộ hành khách cần phải bị cách ly hoặc giám sát trong ít nhất 10 ngày, đặc biệt là khi họ kết quả xét nghiệm âm tính hoàn toàn có thể vì virus đang trong thời kỳ ủ bệnh.

“Nếu biến thể Omicron lây lan mạnh, chuyến bay đó đúng nghĩa là một quả bom”, ông nói thêm.

Theo Guardian, 2 chuyến bay từ Nam Phi cũng giống như những chiếc du thuyền thời kỳ đầu đại dịch, đang mang đến nỗi sợ về những ca siêu lây nhiễm. Nhưng chúng cũng là minh chứng cho thấy sự thiếu nhất quán của thế giới, giữa các tiêu chuẩn cách ly, khẩu trang và lần vết ca nhiễm, cùng sự lỏng lẻo về quy định có thể làm trầm trọng hơn khả năng virus lây nhiễm trong đại dịch.

Italy có lẽ là quốc gia hiểu rõ nhất về nguy cơ kể trên. Hôm 27/11, giới chức Italy công bố ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên của nước này là một doanh nhân trở về từ Mozambique từ ngày 11/11.

Tuân thủ quy định về nhập cảnh của Italy, người đàn ông này có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi lên máy bay. Do di chuyển vì lý do công việc, ông không phải tự cách ly khi trở về. Chỉ khi đi xét nghiệm để quay trở lại Mozambique, ông mới phát hiện bản thân mắc Covid-19. Giờ đây, cả gia đình ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính, và là biến thể Omicron. Hiện tại, ông cùng vợ và các con (tất cả đều đã nhiễm virus) đều phải cách ly. May mắn là tất cả chỉ có triệu chứng nhẹ.

Biến thể Omicron, dù được đánh giá là có “rủi ro rất cao” bởi Tổ chức Y tế Thế giới WHO, vẫn đang là một biến thể chưa rõ ràng. Sẽ mất vài tuần để nhân loại biết được sự sợ hãi đang lây lan chỉ là phản ứng thái quá, hay đây thực sự là một biến thể lây lan mạnh, né tránh được vaccine và đưa thế giới quay trở về thời kỳ phong tỏa, với những bệnh viện chật kín người hay những đám tang chẳng ai được đến dự.

Giờ đây, rất có thể biến thể Omicron như một “đòn giáng” mới vào nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, theo Guardian.

Bảo Trâm (Theo Guardian, New York Times)

Bài mới
Đọc nhiều