Hai chiến sĩ vừa nằm xuống, một người nữa lại bị cưa chân: căm phẫn thay chỉ vì những ‘xác sống’ man rợ…
23 giờ đêm ngày 11/4, tại km14 QL51 hướng TP Biên Hòa đi Long Thành, tổ tuần tra Công an tỉnh Đồng Nai đang làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông phối hợp kiểm soát phòng, chống dịch thì phát hiệm một nhóm ‘quái xế’ gần 100 thanh niên trên 60 xe máy đang chạy với tốc độ ‘bàn thờ’, nẹt bô, đánh võng, dàn hàng ngang hò hét gây nào loạn trên đường.
Để ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho người đang lưu thông và của chính đương sự, tổ tuần tra đã ra hiệu lệnh dừng, tuy nhiêm nhóm đua xe manh động đã không chấp hành, thậm chí bất ngờ một quái xế tên Nguyễn Hoàng Khánh (21 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) đã tăng ga lao thẳng vào chiến sĩ cảnh sát cơ động là Phan Đức Mạnh (21 tuổi) khiến anh bị thương nặng, cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến trưa 12/4, do vết thương quá nặng, người chiến sĩ trẻ ấy phải cắt 1/3 đùi chân phải.
Vụ việc hẳn nhiên không phải là lần đầu, cũng chẳng thể là lần cuối, nhưng cứ mỗi lần xảy ra, trong nỗi bàng hoàng, tiếc thương lẫn phẫn nộ ấy, ai nấy đều quay quắt tự hỏi, làm sao để không còn thảm cảnh đến từ các nạn nhân; làm thế nào để triệt bỏ hành vi của những kẻ “quái thú” kia. Chừng nào luân lý – của những bậc làm cha làm mẹ có công sinh mà không dạy hay sự bất lực của giáo dục xã hội – và luật pháp còn nương nhẹ thì chừng đó, những cú ngã xuống bên vệ đường hay sự hy sinh trên từng cây số vẫn sẽ còn tái diễn, đầy phẫn uất và đau xót như vậy.
Chỉ mới 10 ngày trước, vào tối ngày 2/4, 2 chiến sĩ cảnh sát trẻ của thành phố Đà Nẵng, trong lúc thực thi nhiệm vụ truy bắt các đối tượng tổ chức đua xe trái phép, cướp giật tài sản người đi đường tại quận Sơn Trà cũng đã hy sinh. Có lẽ rồi bất cứ ai trong chúng ta cũng đều cảm thấy đau xót khi nhìn vào giọt nước mắt dường như đã cạn khô hay chính nỗi đau làm mẹ đã gần như hóa đá của Mẹ đại úy Đặng Thanh Tuấn.
Lại thêm một lần chúng ta chứng kiến những sự hy sinh giữa thời bình. Sự ngã xuống của những chiến sĩ công an trong khi thực thi nhiệm vụ truy cản đối tượng đua xe trái phép, theo đúng nghĩa đen, luôn phản ánh một thảm trạng xã hội qua bộ mặt “trẻ trâu” của những kẻ ngáo đá, độc ác, bất lương.
Vẫn nhớ, cách đây tròn 2 tháng, ngày 3/1, cũng một người trẻ nằm xuống, một chiến sĩ công an đã hy sinh trong khi truy cản nhóm đua xe trái phép trên Quốc lộ 22, TPHCM để lại một người vợ đầu xanh và một mầm sống vừa tượng hình đã phải… mồ côi. Và nay, một người mẹ khóc lặng, một người mẹ chẳng hay rằng con trai mình từ đây sẽ không còn về nhà được nữa. Giữa những ngày cuồng quay của đại dịch, chỉ mong ai nấy cứ “ở yên” hay giãn cách là đã phần nào mang lại sự an toàn cho bản thân, cộng đồng. Để rồi, trong sự cầu mong an toàn ấy, lại có những con người, với phận sự xã hội của mình đã đối diện sự an nguy, đối đầu với sự man rợ của những kẻ đội lốt người.
Các anh người thì ngã xuống và ra đi giữa con đường vắng, người may mắn sống sót nhưng sống đời tàn tật. Để rồi trên mỗi chặng đường ta qua, những góc phố ta dừng, hay bên ngoài ngôi nhà bình yên ta trú ngụ, sẽ tự nhủ rằng, ngoài kia, ngay đây, ở đó luôn có những hy sinh thầm lặng, những giọt nước mắt khô và cả những “xác sống” man rợ…
Liệu rồi, mọi điều có dừng lại…
Ái Dân