“Hai chấm nhỏ” trên bản đồ thôi nhưng đó là niềm tự hào rất đỗi thiêng liêng của dân tộc!
Gần đây, Bộ Thông tin – truyền thông (TT-TT) vừa ban hành văn bản gửi các bộ: Công an, Công thương, TN-MT, GT-VT về việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia. Công văn nêu rõ, qua theo dõi nắm tình hình, Bộ TT-TT nhận thấy hiện nay có tình trạng nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của cá nhân, tổ chức có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện đầy đủ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một chỉ thị được đông đảo người dân ủng hộ. Kỳ thực, dù chỉ là 2 chấm nhỏ trên bản đồ nhưng đó là câu chuyện rất đỗi tự hào, là một phần khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến Trường Sa, Hoàng sa, mỗi người con Việt Nam luôn dậy lên một nỗi tự hào và cảm xúc, bởi mảnh đất máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió đang ngày đêm can trường trước mọi thách thức.
Ở những nơi xa xôi ấy, hàng trăm con người đang đầu sóng ngọn gió để bảo vệ từng tấc đất của biển đảo quê hương, khẳng định chủ quyền dân tộc. Nếu vẽ bản đồ Việt Nam là dải đất dọc hình chữ S, chúng ta đừng bao giờ quên Trường Sa, Hoàng Sa cạnh bên. Dù đó chỉ là “2 chấm nhỏ” trên bản đồ thôi, nhưng đó là điều rất đỗi thiêng liêng, tự hào. Bởi Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam.
Trong lúc cả thế giới cùng chung khó khăn, rất cần đoàn kết quốc tế để chống lại đại dịch, Trung Quốc đã một mình hành động ngang ngược và sai trái khi tuyên bố về việc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Ngay lập tức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ trong lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng chính nghĩa. Những cuộc chiến tranh mà người Việt Nam đã trải qua đều là những cuộc chiến tranh chúng ta không hề mong muốn. Chúng ta mong muốn hòa bình nhưng chúng ta đều đã buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ tự do độc lập. Không phải ngẫu nhiên khi các nhà nghiên cứu Việt Nam nói về Biển Đông đều đồng lòng tin lẽ phải thuộc về chúng ta. Rằng chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền biển đảo bằng sức mạnh Việt Nam.
Với riêng 2 quần đảo ở ngoài khơi xa bão tố, những thế hệ người Việt Nam có niềm tin chính nghĩa: Trường Sa – Hoàng Sa là đất đai hương hỏa ông cha người Việt Nam để lại, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để chứng minh Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam. Hơn nữa, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đã được thế giới và cả người Trung Quốc từ xưa khẳng định qua các đồ bản từ hàng trăm năm trước. Và mọi thế hệ người Việt sẵn sàng hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mình.
Hiện nay, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam là hết sức thiêng liêng, nhưng cũng hết sức khó khăn, phức tạp và lâu dài. Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, cả ở thực địa và trên mặt trận ngoại giao, qua nhiều kênh và ở nhiều cấp khác nhau để giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo luật pháp quốc tế.
Tôi cũng chưa một lần ra Trường Sa, nhưng tôi biết nơi ấy có những người lính đang dành trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, để chúng tôi có một cuộc sống bình yên ở đất liền, đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ Quốc trước những âm mưu thôn tính của thế lực ngoại xâm. Là một người con của dân tộc Việt Nam anh hùng, tôi luôn xem vấn đề chủ quyền quốc gia không chỉ là quyền lợi của người Việt mà còn là lương tri của người Việt, là niềm tự hào của người Việt, và là danh dự của người Việt.
Thiết nghĩ, việc xử lý hiện tượng lưu hành sản phẩm bản đồ thể hiện sai lệch chủ quyền, biên giới quốc gia là một việc làm hết sức cần thiết. Bởi các phương tiện lưu thông rộng nên tác động lớn đến thị giác của người dân và du khách quốc tế từ đó có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo, gây bất lợi trong đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông trong dài hạn. Vậy nên mỗi người dân Việt Nam cần có ý thức gìn giữ bảo vệ chủ quyền quốc gia, dù chỉ là “2 chấm nhỏ” trên bản đồ nhưng đằng sau đó là câu chuyện rất đỗi tự hào, là một phần thiêng liêng khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả