+
Aa
-
like
comment

Hai cha con làm nghề móc cống ở Sài Gòn

15/08/2020 13:02

Không kể mưa nắng, hai cha con ông Nguyễn Phú Hộ, 53 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM, dầm mình hàng giờ dưới cống để vớt rác, bùn đất.

Những ngày mưa gió, ông Nguyễn Phú Hộ cùng con trai Nguyễn Thanh Sơn (31 tuổi) thường phải trầm mình dưới cống, vớt rác thải và bùn đất để nước mau thoát. Ông Hộ làm nghề hơn 30 năm nay, còn con trai đã 12 năm tại Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM.

Sáng 14/8, tại một cống hộp trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), hai cha con tất bật làm việc, sau khi mang đầy đủ đồ nghề gồm mũ, đèn pin, ki và thùng đựng.

Tổ của ông Hộ được phân công làm ở khu vực quận 12, Gò Vấp, huyện Hóc Môn và Củ Chi. Theo định kỳ một tháng phải vớt rác một lần, nhưng vào mùa mưa phải làm liên tục để đảm bảo cống luôn thông thoáng, không gây ngập đường.

Trong miệng cống hộp đen ngòm, sâu gần 3 mét, cha con ông Hộ phải chờ hết mưa, nước thoát bớt còn khoảng một mét mới có thể chui xuống làm việc. Hai cha con phải cúi sát mặt nước, xúc từng xô sình lẫn trong nước thải đen ngòm, nồng nặc mùi hôi.
“Rác thải hay bùn vẫn chưa phải là kinh khủng nhất. Sợ nhất là móc cống ở gần những công ty, nhà xưởng, nước thải ra toàn hoá chất vừa rất hôi lại cực kỳ độc hại. Tay chân dính vô thứ nước đó thì ngứa ngáy, phồng rộp cả ngày”, anh Sơn nói, vừa cố kéo xô bùn đen nặng cả chục kg khỏi mặt nước.
Dưới cống luôn nóng hầm hập và thiếu khí nên chỉ chưa đầy nửa tiếng làm việc, khuôn mặt hai cha con đã đẫm mồ hôi. Cả hai đều không đeo khẩu trang vì ngột ngạt.

Nói về lý do theo nghề của cha, anh Sơn cho biết: “Học xong cấp 3, tôi không thi đại học mà cũng chưa biết làm gì. Thấy cha gợi ý đi làm công nhân thoát nước nên theo thử cho biết rồi gắn bó đến bây giờ. Công việc tuy vất vả, dơ bẩn thật nhưng thu nhập khá ổn định (khoảng 10 triệu đồng một tháng), cha con làm cũng nhau cũng tiện nữa”.

Ông Hộ cầm trên tay một thanh sắt nhặt được dưới cống. Ông cho biết, ớn nhất vẫn là những kim tiêm không có nắp. Hơn 30 năm theo nghề, có vài lần ông bị đâm trúng, phải đi chích ngừa.
Từng xô bùn đen được hai cha con ông Hộ đưa ra ngoài miệng cống để chờ kéo lên mặt đất. “Bùn còn đỡ chứ cống nào gần chợ là đủ loại rác thực phẩm thối rữa hôi hám, toàn dòi bọ kinh khủng lắm mà vẫn phải nín thở để vớt lên. Hồi đầu mới đi làm, chúng tôi ám ảnh đến nỗi không nuốt nổi cơm luôn”, hai cha con cho biết.
Bên dưới miếng cống, khoảng chục phút, anh Sơn lại đẩy những xô rác nặng gần 100 kg ra miệng cống để kéo lên trên. Anh nhẩm tính, trung bình mỗi lần làm, công nhân phải dầm mình khoảng 5 tiếng dưới nước thải.
Rời khỏi cống, ông Hộ lại leo lên nóc xe phụ kéo những thùng bùn đen để đổ vào thùng chứa. Mỗi ngày làm việc, họ gom được gần 4 tấn rác thải, bùn đất.

Mỗi tổ công nhân thoát nước có 8 người, với công việc nặng nhọc nhất là móc cống, từng thành viên sẽ thay phiên nhau làm. Những người khác phụ kéo và đổ rác, điều tiết giao thông.

Trời đổ mưa, thấy nước xối xuống vỉa hè trước một nhà dân trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, anh Sơn tranh thủ chạy lại rửa sơ người. Với công nhân thoát nước như anh Sơn, việc tắm rửa diễn ra ngay ngoài đường, mỗi ngày từ 3 đến 5 lần sau mỗi phiên làm việc.
Sau khi tắm rửa, ông Hộ phơi lại giày dép, quần áo ở hàng rào trên đường để chiều làm tiếp. “Ngày nào cũng vậy, chúng phải mang theo dầu gội, xà bông và mấy bộ đồ để mặc. Nghề này một ngày phải tắm giặt mấy lần nếu không thì ngứa không chịu nổi”, ông Hộ chia sẻ.
Hai cha con ăn uống, nghỉ trưa cùng với đồng nghiệp tại một quán cà phê võng ven đường.
Cha con ông Hộ hiện sống trong căn nhà rộng khoảng 30 m2 trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp). Sau giờ làm việc, họ chủ yếu ở nhà nghỉ ngơi, xem tivi, chơi với con cái…

“Có lẽ không còn công việc nào dơ hơn móc cống nhưng nghề chọn người rồi nên cố sức làm để nuôi gia đình. Dù sao chúng tôi cũng sẽ làm hết mình để giữ thành phố sạch đẹp, chỉ mong mọi người bớt xả rác bừa bãi là được”, anh Sơn nói, trong lúc ngồi chơi với hai con gái nhỏ.

Quỳnh Trần/VNE

Bài mới
Đọc nhiều