+
Aa
-
like
comment

Hai cái tên cộm cán, sao lại thiếu?

Phạm Khoa - 27/04/2023 15:30

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ ra hai sai phạm rất lớn có liên quan là “Chuyến bay giải cứu” và Việt Á lại không có hoặc chỉ có vài dòng sơ sài trong báo cáo.

Hình ảnh trong những chuyến bay giải cứu

Nội dung báo cáo kết quả giám sát nêu rõ trong 3 năm, từ 2020 đến 2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch là hơn 236.452 tỉ đồng. Trong đó có 189.404 tỷ đồng huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, và hơn 47.000 tỷ đồng là từ các nguồn khác.

Theo dõi sự kiện, dư luận đặc biệt chú ý đến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đối với phần vi phạm được nêu trong báo cáo: “Báo cáo không nhắc gì đến hai việc này. Dự thảo nghị quyết về giám sát cũng không nói gì. Là đại biểu Quốc hội tôi đọc thế này không biết là thế nào”.

“Hai việc” được đề cập trong phát biểu trên chính là Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”. Chia sẻ thắc mắc này với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng báo cáo giám sát đang thiếu vắng 2 vụ việc nổi cộm kể trên. Ông Thanh không lý giải được tại sao dù đọc cả hơn 110 trang báo cáo giám sát đầy đủ với hơn 400 chú thích, nhưng chỉ thấy vỏn vẹn 3 dòng nói về vụ kit test Việt Á, còn “Chuyến bay giải cứu” thì hoàn toàn vắng bóng.

Đây cũng là thắc mắc của nhiều đại biểu quốc hội. Vì cho đến lúc này, theo số liệu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, chỉ sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test (từ tháng 04/2020 đến hết năm 2021), Công ty Việt Á đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng từ việc bán kit test cho các CDC và cơ sở y tế ở nhiều địa phương trong cả nước. Con số 1670 tỷ đồng bị kê biên, 3 Ủy viên Trung ương Đảng và 14 giám đốc CDC bị khởi tố, bắt tạm giam… sẽ trở nên khó hiểu khi chỉ được tóm gọn trong 3 dòng báo cáo.

Bên cạnh đó, vụ “Chuyến bay giải cứu” được giải thích là do không sử dụng ngân sách nhà nước, nên không được đề cập trong báo cáo kết quả giám sát lần này.

Chưa đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy một góc nhìn khác, thực tế, và toàn diện hơn, khi ông nhận định rằng “Chuyến bay giải cứu” cũng đã huy động nguồn lực phòng chống dịch, chứ không hề nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát.

Ngay chuyên đề của đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề cập đến “nguồn lực khác”, ngoài nguồn lực ngân sách. Đây có thể được hiểu còn bao gồm cả nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực từ nhân dân. Như vậy, theo góc nhìn này, “Chuyến bay giải cứu” hoàn toàn có quyền được đề cập chi tiết trong báo cáo kết quả giám sát. Hơn nữa, vì đây là chuyên đề giám sát tối cao, nên không thể bỏ sót những tồn tại, yếu kém, không thể không chỉ rõ được nguyên nhân chủ quan, khách quan, và phải có trách nhiệm khi tiến hành hoạt động giám sát.

Sau khi nêu thắc mắc, và có ý kiến đối với vụ Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu bổ sung vào báo cáo kết quả giám sát.

Ai cũng biết Quốc hội là cơ quan đại biểu quan trọng nhất của nhân dân cả nước, nên những phản biện thẳng thắn như trên rất cần được phát huy. Qua đó, vừa đảm bảo được quyền lợi của người dân; lại vừa củng cố các tiền đề cần thiết để xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, và hoàn thiện trong tương lai.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều