+
Aa
-
like
comment

Hai Bộ hợp tác ứng dụng công nghệ cao nâng giá trị nông sản Việt

25/06/2021 22:54

Trong giai đoạn 2021-2030 Việt Nam sẽ phát triển, chuyển giao nhiều công nghệ tiên tiến, nâng giá trị các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cafe, tôm…

Chiều 25/6, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã ký chương trình phối hợp hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2021 – 2030.

Theo chương trình này, hai bên sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm. Trong đó tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn toàn, hữu cơ, công nghệ sinh học…

Các công nghệ hướng tới tối ưu hóa quá trình sản xuất quản trị, chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn… Mục đích đưa nông nghiệp nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sống người dân. Các công nghệ tập trung vào chế biến sâu, công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Hai Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (trái) và Lê Minh Hoan (phải) ký chương trình phối hợp. Ảnh: T. Hồng.
Hai Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (trái) và Lê Minh Hoan (phải) ký chương trình phối hợp. Ảnh: T. Hồng.

Hai bên phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ các công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Một số sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ đưa vào chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Các danh mục 5 sản phẩm quốc gia hiện nay (lúa gạo, nấm, cafe, cá da trơn và tôm nước lợ) đã phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2020 sẽ được rà soát, đánh giá lại để tiếp tục trong giai đoạn 2021-2030.

Mô hình trồng dưa lưới nhà màng được triển khai ở nhiều địa phương. Ảnh: ST.
Mô hình trồng dưa lưới nhà màng được triển khai ở nhiều địa phương. Ảnh: ST.

Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ đề xuất Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn cải tạo, nâng cấp các phòng thí nghiệm của các viện, trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng Vườn thực vật quốc gia; nâng cấp hệ thống ngân hàng gene quốc gia, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Ở giai đoạn 2016-2020 hai bên cũng ký chương trình phối hợp. Đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện. Thông qua hợp tác, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động, ứng dụng BigData, IoT, Ai trong quản lý và chăm sóc cây trồng, tưới tiết kiệm nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị tạo ra từ ứng dụng khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng ngàng nông nghiệp. Năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,75% so với năm 2019, GDP toàn ngành tăng 2,68%.

Bảo Chi

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều