Sau 5 năm, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 của TP.HCM cơ bản phủ kín, các dự án được đầu tư hàng nghìn tỷ được hình thành.
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, UBND TP.HCM đã tham mưu, trình HĐND thành phố ban hành 176 nghị quyết về kinh tế – tài chính, đầu tư công, quản lý và phát triển đô thị, cải cách hành chính, thu hút nhân tài. Việc thực hiện các nghị quyết trên đã giúp thành phố đông dân nhất cả nước hình thành nhiều đồ án quy hoạch, cải thiện hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận những tồn tại, hạn chế vẫn tồn tại trên từng lĩnh vực.
“Mục tiêu nâng cao chỉ số cạnh tranh của thành phố còn chưa đạt. Chất lượng đào tạo nhân lực, công tác quản lý quy hoạch, hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của TP.HCM”, ông Nguyễn Thành Phong nhận định tại buổi tổng kết các hoạt động của HĐND TP.HCM ngày 22/4.
Quy hoạch được phủ kín nhưng chưa hiệu quả
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong giai đoạn 5 năm (2016-2021), việc thực hiện các nghị quyết của HĐND TP.HCM đã giúp bản đồ quy hoạch chi tiết 1/2.000 của thành phố cơ bản được phủ kín. Các phương án khai thác quỹ đất dọc tuyến metro số 1, số 2 được nghiêm túc nghiên cứu, thu hút các dự án đầu tư.
“Việc chỉnh trang đô thị có chuyển biến tích cực. Công tác giảm ngập nước bước đầu có hiệu quả, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông được kéo giảm”, ông Nguyễn Thành Phong cho hay.
Đặc biệt, những khu vực quan trọng như Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị phía Nam, huyện Cần Giờ, không gian ngầm thành phố được tập trung rà soát quy hoạch, điều chỉnh nâng tỷ lệ đất giao thông.
Đối với lĩnh vực giao thông – vận tải, việc thanh toán tự động cho phương tiện công cộng được thí điểm, một số tuyến buýt dùng năng lượng sạch được ngiên cứu. Đặc biệt, nhiều tuyến buýt hoạt động 24 giờ mỗi ngày đã hình thành tại khu vực trung tâm thành phố.
Dù đạt được nhiều thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ, lãnh đạo UBND TP.HCM nhận định công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số trường hợp gây bức xúc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Một trong những tồn tại, hạn chế được UBND TP nhấn mạnh trong lĩnh vực giao thông là trang thiết bị nâng hạ, hỗ trợ cho người khuyết tật chưa được bố trí trên tất cả tuyến xe buýt.
Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ rà soát toàn bộ công trình hạ tầng phục vụ vận tải công cộng. Từ nay đến năm 2023, TP.HCM đặt mục tiêu cải tạo, thay thế trang, thiết bị giúp người cao tuổi, người khuyết tật tăng khả năng tiếp cận với các phương tiện công cộng.
Ngân sách thành phố chỉ bằng một nửa nhu cầu
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND TP.HCM khóa IX đã ban hành 10 nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A, nhóm B, nhóm C. Cụ thể, 1.949 dự án với tổng mức đầu tư hơn 300.000 tỷ đồng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP giai đoạn 2016-2020 chỉ đáp ứng được 150.000 tỷ. Ngân sách hạn hẹp khiến địa bàn gặp khó trong việc cân đối vốn giữa các dự án đã có chủ trương và các dự án cấp bách, cần triển khai theo chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP.
Lãnh đạo UBND TP.HCM nhấn mạnh để tạo tiền đề phát triển nhanh, bền vững, Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2026-2030 cần sớm được Trung ương chấp thuận.
“Việc tăng tỷ lệ ngân sách điều tiết cho thành phố không làm giảm, mà lại làm tăng ngân sách cho Trung ương trong một kỳ ngân sách. Ngân sách của thành phố được hưởng sẽ gia tăng, từ đó tăng chi cho phát triển mà không ảnh hưởng bất lợi cho ngân sách Trung ương”, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định.
Trước khi bản đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách được Trung ương thông qua, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ chủ động rà soát, đề xuất chuyển đổi các chương trình, dự án sang hình thức đầu tư không dùng ngân sách, huy động thêm nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ mới, kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố sẽ thực hiện theo hướng tập trung, không dàn trải. Cụ thể, các dự án chỉ thực hiện lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư khi đảm bảo khả năng cấn đối, bố trí vốn để hoàn thành.
Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 sẽ ưu tiên hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Số vốn còn lại sẽ được bố trí theo thứ tự các dự án trọng điểm, nhiệm vụ lập quy hoạch và các dự án được thông qua chủ trương đầu tư mới.
Về phương hướng, mục tiêu phát triển giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại với GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD vào năm 2025.
Đến năm 2030, thành phố trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Đến năm 2045, TP.HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Quang Huy – Thu Hằng/ ZF