Hạ tầng băng thông rộng sẽ phủ trên 95% hộ gia đình TP.HCM năm 2025
Đó là một trong nhiều mục tiêu được lãnh đạo UBND TP.HCM đưa ra tại Hội nghị công bố Chương trình chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của TP.HCM sáng 22-7.
Hội nghị có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều lãnh đạo các sở ngành, doanh nghiệp.
Tại đây, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm thúc đẩy tốc độ số hóa cho thành phố.
Kinh tế số chiếm 40% GRDP năm 2030
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận định: chuyển đổi số ngoài là xu thế công nghệ toàn cầu còn để lại tác động sâu rộng trên nhiều mặt về kinh tế, xã hội. Với vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước, TP.HCM không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số trên.
TP.HCM đặt tầm nhìn đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của xã hội số.
Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, tỉ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố.
Kinh tế số chiếm 25% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%. Tỉ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.
Sẽ lập trung tâm giới thiệu sản phẩm số hóa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trước đây TP.HCM là địa phương đầu tiên công bố đề án xây dựng đô thị thông minh, thì giờ cũng là địa phương đầu tiên công bố đề án chuyển đổi số.
Theo ông Nhân, mục tiêu của thành phố trong thời gian tới là tăng năng suất lao động để duy trì đà phát triển. Muốn tăng năng suất phải ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính và sản xuất kinh doanh.
Ông Nhân kiến nghị UBND TP.HCM phối hợp cùng tập đoàn Viettel thành lập một trung tâm giới thiệu sản phẩm số hóa. Đây sẽ là nơi trưng bày các ứng dụng công nghệ mới trên nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục, giao thông, hạ tầng… của các đơn vị và doanh nghiệp có sản phẩm mới.
Trung tâm cũng hỗ trợ tư vấn các ý tưởng số hóa cho TP.HCM, kết nối những đơn vị có nhu cầu về công nghệ với những doanh nghiệp đang sở hữu các giải pháp mới.
Ông Nhân đề xuất hình thành bộ chỉ số phản ánh trình độ số hóa của cơ sở cũng như trong toàn ngành. Bộ chỉ số sẽ giúp dễ đo lường và tạo động lực cho các đơn vị đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.
Hiện tại TP.HCM đang chi 0,4% ngân sách cho công nghệ thông tin truyền thông. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, con số này còn khiêm tốn.
Ông Nhân cho rằng cần sơ kết xem mức chi này hiệu quả đến đâu, vì sao chưa chi nhiều hơn, có những vướng mắc gì không. “Tôi thấy nên đặt mục tiêu tăng chi ngân sách cho lĩnh vực này”, ông Nhân nói.
Trọng Nhân/ TTO