Hà Nội xin trồng 600.000 cây không đấu thầu: Chưa thuyết phục
Theo chuyên gia, đối với việc trồng 600.000 cây xanh của Hà Nội, đấu thầu vẫn là giải pháp tốt nhất.
UBND TP Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng cho áp dụng cơ chế đặc thù trồng bổ sung 600.000 cây xanh trên các tuyến đường, phố có vỉa hè rộng, các dải phân cách, và các khu vực trang trí phục vụ các sự kiện lớn của Trung ương và Thủ đô, không qua đấu thầu.
Theo quy định của Chính phủ, việc trồng cây xanh phải áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Tuy nhiên, theo lý giải của Hà Nội, khi tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước, Hà Nội thường được Trung ương Đảng, Chính phủ giao thực hiện nhiều nội dung công việc đột xuất, trong đó có trang trí cây hoa, trồng bổ dung cây xanh với khối lượng lớn trong thời gian ngắn. Công tác trang trí thường phải hoàn thành gấp nên rất khó xác định kinh phí tổ chức đấu thầu.
Hơn nữa, việc trồng bổ sung cây xanh trên các tuyến phố, phố cũ, phố cũ, khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao lại có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị.
Vì vậy, TP Hà Nội cho rằng việc lựa chọn đơn vị thực hiện trồng cây xanh, cây cảnh trang trí phải có sự cân nhắc và theo dõi phản ứng của nhân dân, các chuyên gia trong việc lựa chọn chủng loại cây, thời điểm trồng. Việc lựa chọn đơn vị thực hiện thông qua đấu thầu không phù hợp.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng ở góc độ nào đó, những lý do mà Hà Nội đưa ra có thể có tính hợp lý nhất định, đặc biệt khi Hà Nội thực hiện các công việc đột xuất phục vụ cho các sự kiện quan trọng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, 600.000 cây xanh là một con số lớn và được trồng rải ra ở nhiều đường phố (trồng bổ sung), không phải thực hiện trong một thời gian ngắn hay chỉ ở một số địa điểm nhạy cảm.
Bởi vậy, ông khẳng định, lý do Hà Nội đưa ra chưa đủ thuyết phục để bắt buộc phải thực hiện việc chỉ định thầu.
“Cây xanh ở Hà Nội là một câu chuyện dài, từng có chuyện chặt cây khiến người dân phản ứng, trồng cây không phù hợp… Giữa giao thầu và đầu thầu, đôi khi giao thầu cũng có cái hay của nó, còn đấu thầu mất thời gian mà chi phí, nhưng xét cho cùng đấu thầu vẫn là biện pháp tốt nhất để đảm bảo sự minh bạch, hạn chế những tiêu cực không đáng có”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông chỉ ra một số điểm cho thấy việc đấu thầu trồng cây xanh không hề khó khăn đối với Hà Nội.
Theo đó, các đơn vị có thể cung cấp và trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố không quá nhiều, Hà Nội có thể xem xét đấu thầu trong diện hẹp, chỉ gồm những đơn vị cung cấp cây xanh của Hà Nội mà thôi. Khi ấy, thủ tục sẽ đơn giản và nhanh, vừa đảm bảo tính cạnh tranh, thị trường, đồng thời đảm bảo tính hợp lý.
Chi phí trồng bổ sung khác với trồng đại trà và đương nhiên Thành phố đã có tính toán hết, nhưng cần thống nhất nguyên tắc rằng: dù đấu thầu hẹp cũng phải quy định cho rõ ràng, cụ thể: giá mỗi cây xanh bao nhiêu, trồng cây gì, ở đâu, như thế nào; thời gian trồng ra sao, yêu cầu kỹ thuật thế nào…
“Kinh nghiệm cho thấy, vốn ngân sách bị thất thoát, thâm thủng thường là vì hợp đồng không quy định cụ thể, chi tiết nên các bên mới “ù xọe” với nhau được”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong trường hợp địa điểm trồng cây xanh là khuôn viên các trụ sở thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, cơ quan ngoại giao – nơi có yêu cầu rất cao về bảo đảm an ninh, chính trị, theo vị chuyên gia, có thể xem xét chỉ định thầu.
“Trồng bổ sung khác với trồng đại trà bởi khi trồng bổ sung người ta sẽ phải tìm cây có kích thước tương ứng với cây đã trồng sẵn trước đó. Với kích thước như vậy, tùy loại cây xanh, chi phí trồng không hề nhỏ, nhất là khi số cây xanh cần trồng bổ sung lên tới 600.000 cây.
Chính vì thế, Hà Nội cần phân chia, xem xét một cách cụ thể: nơi nào cần giao thầu, nơi nào phải đấu thầu và có thể đấu thầu trong diện hẹp”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chốt lại.
Thành Luân/Đất Việt