+
Aa
-
like
comment

Hà Nội xét nghiệm Realtime-PCR cho 65.000 người từ Đà Nẵng về, xong trong 12 ngày

07/08/2020 06:44

Sau khi thống nhất với Bộ Y tế và nhận định khoảng thời gian nguy hiểm là từ 14 – 15.7 đến 29.7, Hà Nội sẽ test Realtime-PCR cho khoảng 60.000 – 65.000 người từ Đà Nẵng trở về trong thời gian này.

Toàn bộ người từ Đà Nẵng về Hà Nội sẽ được xét nghiệm Realtime-PCR

Lấy mẫu trong vòng 9 ngày, test trong vòng 12 ngày

Chiều 6.8, tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP đã đề cập đến một trong những vấn đề đang gây tranh cãi gần đây là việc xét nghiệm, vì sao bệnh nhân 714 test nhanh âm tính nhưng vẫn mắc Covid-19.

Theo ông Chung, hồi tháng 3, tháng 4, Hà Nội đã làm test nhanh cho người có yếu tố liên quan đến ổ dịch Bạch Mai để đánh giá mức độ dịch trong cộng đồng và cho “kết quả rất tốt”. Tuy nhiên, lần này, xuất hiện trường hợp bệnh nhân 714, do “xét nghiệm kháng thể có độ nhạy tương đối chứ không phải tuyệt đối, theo hướng dẫn của đơn vị cung cấp và Bộ Y tế”.

“Test nhanh là giải pháp để khoanh vùng, đánh giá nguy cơ để có biện pháp chặt chẽ hơn, chứ không phải biện pháp duy nhất. Những người từ Đà Nẵng ra có yêu cầu, chúng ta đều làm test Realtime-PCR”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói thêm.

Theo đó, bắt đầu từ ngày mai, 7.8, Hà Nội sẽ tiến hành xét nghiệm Realtime-PCR cho người trở về từ Đà Nẵng, trước hết là khoảng 60.000 – 65.000 người trở về từ thời điểm 14 – 15.7 đến 29.7, được TP.Hà Nội và Bộ Y tế thống nhất đánh giá là có nguy cơ cao.

“Giai đoạn này, bệnh nhân không có triệu chứng, chỉ có qua xét nghiệm mới xác định được dương tính hay âm tính, nên xét nghiệm hiện là quan trọng nhất trong các khâu”, theo ông Chung.

Chủ tịch Hà Nội cho rằng nếu xuất hiện thêm ca bệnh mới, dịch ở Hà Nội sẽ rất khó lường và cần nâng mức cảnh báo

Các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ và 4 quận lõi nội đô sẽ được xét nghiệm trước, do có nguy cơ cao hơn. Cơ quan y tế địa phương sẽ liên hệ và mời những người thuộc diện xét nghiệm ra lấy mẫu.

Hà Nội lấy sinh phẩm ở đâu để test?

Theo ông Chung, hôm qua, 5.8, ông đã họp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các bệnh viện trên địa bàn để rà soát lại năng lực xét nghiệm.

Đến nay, CDC Hà Nội mượn được 1 máy tách chiết tự động với công suất 3.500 mẫu/ngày, có 7 máy Realtime-PCR với công suất 7.000 mẫu/ngày. Năng lực tối đa của CDC Hà Nội là chạy được khoảng 5.000 – 5.500 mẫu/ngày với điều kiện có đủ sinh phẩm, kit test.

4 cơ sở của Bộ Y tế là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Nhi T.Ư và Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư có thể xét nghiệm 9.000 – 10.000 mẫu/ngày.

11 bệnh viện cả công và tư của Hà Nội có khả năng xét nghiệm, nhưng với công suất rất nhỏ. Do đó, Hà Nội đã thống nhất đưa tất cả nhân viên biết làm tách chiết tự động, chạy mẫu Realtime-PCR của cả 11 bệnh viện này về CDC để tập trung làm 1 đầu mối xét nghiệm trong những ngày tới.

Kit xét nghiệm Hà Nội không còn nhiều (còn khoảng 3.000 kit), nhưng Bệnh viện Tâm Anh vừa đồng ý tặng cho Hà Nội 10.000 bộ kit test, tối nay sẽ bàn giao và ngày mai Hà Nội sẽ chia về các quận, huyện để lấy mẫu.

Nhân lực lấy mẫu của Hà Nội, từ cấp xã đến CDC, là khoảng 6.000 – 8.000 mẫu/ngày, nên Hà Nội phấn đấu lấy mẫu số người trở về từ Đà Nẵng trong 9 ngày và chạy hết mẫu trong vòng 12 ngày.

Do đó, với số kit test hiện nay, Hà Nội sẽ chỉ đủ để chạy trong 2 ngày.

Sáng mai xin Thủ tướng cho chỉ định thầu mua sinh phẩm

Trước tình hình này, Chủ tịch Hà Nội cho biết “sáng mai, giao ban với Chính phủ, Hà Nội sẽ đề nghị cho Thủ tướng cho mua chỉ định thầu, thì ngày kia mới có được kit test”.

Một cách khác mà ông Chung xin ý kiến Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Thường trực Thành ủy, là vận động các doanh nghiệp tài trợ máy móc và sinh phẩm cho Hà Nội.

Bí thư Hà Nội: Nếu doanh nghiệp hỗ trợ, hãy hỗ trợ bằng hiện vật

“Nếu để CDC mua thì cũng phải gần giữa tuần sau chúng ta mới có test, xin ý kiến Bí thư và Thường trực Thành ủy giao cho Sở Y tế vận động một số “mạnh thường quân” ủng hộ kit test. Chúng ta cũng có ý kiến với Chính phủ và Thủ tướng giải quyết về cơ chế. Không chỉ Hà Nội vướng, mà các tỉnh khác cũng vướng. Phải giao cho Sở Y tế và CDC chủ động mua mới có thể chạy đua với thời gian”, ông Chung nói và nhận định, nếu Hà Nội xét nghiệm khẩn trương, không để xảy ra ca nhiễm mới trong 10 ngày nữa, đén 15 – 18.8 là tương đối an toàn.

“Còn nếu có ca mới thì rất khó lường. Chúng tôi đề xuất nếu có thêm 1 ca nhiễm mới trong thời gian tới thì phải có biện pháp mạnh hơn, tăng mức cảnh báo cao hơn”, Chủ tịch Hà Nội nêu.

“Tiền thì có nhưng vật tư chưa mua được”

Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất này, cho rằng thời điểm này dịch dự báo khó khăn hơn, nhưng vật tư, thiết bị lại đang thiếu, nhất là xét nghiệm PCR.

“Chúng ta thiếu cả máy móc, thiếu cả bộ kit. Tiền thì có nhưng vật tư chưa mua được. Đề nghị rà soát lại để xem xét nhu cầu và khả năng cung ứng thiết bị, phương tiện cho phòng, chống dịch thế nào. Đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan rà soát cân đối cung cầu, thiếu gì để có thể mua sắm công khai, minh bạch, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ Y tế như kết luận của Thủ tướng”.

“Trong khi phải làm thủ tục mua sắm cho công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng như đã từng xảy ra, tôi đồng ý với ý kiến đồng chí Chủ tịch, đề nghị Mặt trận Tổ quốc kêu gọi nhà tài trợ, nhà hảo tâm giúp TP và các địa phương khác, nên giúp bằng hiện vật. Doanh nghiệp người ta mua máy thì thủ tục rất nhanh, không như chúng ta phải thẩm định, đấu thầu. Chúng ta đang thiếu máy xét nghiệm. Mà giờ ưu tiên là xét nghiệm PCR. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc kêu gọi, tiền còn có thể có được, nhưng vật tư thiết bị rất cần, nếu đầy đủ thì không phải đi mua sắm nữa”, ông Huệ chỉ đạo.

Ông Huệ còn đặt mục tiêu Hà Nội sẽ xét nghiệm hết cho 94.000 – 100.000 người trở về từ Đà Nẵng, tức đạt tỷ lệ 100%.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều