+
Aa
-
like
comment

Hà Nội từ chối mở đường bay: Để địa phương tự quyết đến bao giờ?

08/10/2021 11:35

Có nhiều ý kiến cho rằng việc mở lại sân bay Hà Nội là thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không và Bộ GTVT chứ không phải TP Hà Nội. Chuyên gia cho rằng Chính phủ cần nhất quán nhận thức chống dịch theo hướng chấp nhận chuyện có ca nhiễm, từ bỏ mục tiêu “Zero Covid” và tránh việc cứ phát sinh ca nhiễm mới là lại đổ trách nhiệm về địa phương.

Bên trong sân bay Nội Bài lúc dịch chưa bùng phát

Tính đến chiều 7/10, gần 20 địa phương đã gửi phản hồi cho Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch mở lại đường bay nội địa. Trong đó, vẫn chỉ có 3 địa phương từ chối mở lại đường bay là Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Các địa phương từ chối mở đường bay chỉ chiếm thiểu số, nhưng trong đó có Hà Nội, thủ đô của cả nước đồng thời là đầu mối huyết mạch của mạng bay nội địa. Theo Luật Hàng không dân dụng, TP Hà Nội không có thẩm quyền đóng cửa cảng hàng không Nội Bài. Nhưng bằng những chính sách nhằm ngăn F0 xâm nhập, chính quyền thủ đô đang gián tiếp kéo dài chuỗi ngày “ế khách” của sân bay lớn thứ 2 cả nước.

Hà Nội muốn thêm thời gian

Trao đổi với PV ngày 7/10, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết quyết định mở lại đường bay phụ thuộc vào lãnh đạo TP.

Tuy nhiên, ở góc độ người phụ trách chuyên ngành, ông Tuấn nhận thấy vấn đề mấu chốt khi mở đường bay là khó phân biệt được ai ở đâu. Như hành khách ở các tỉnh miền Nam, việc xác định đối tượng thuộc khu vực nào là rất khó.

khoi phuc duong bay Ha Noi anh 2
Người dân Hà Nội đi cắm trại sau khi TP cho phép một số hoạt động ngoài trời. Ảnh: Nhật Sinh.

“TP sẽ phải cân nhắc, sẽ mở nhưng không phải ngay thời điểm này. Khi nào tình hình ở phía nam tương đối ổn, tỷ lệ dương tính xuống mức thấp thì mới có thể mở được”, ông Tuấn chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận thấy TP Hà Nội đang muốn có thêm thời gian tiêm vaccine cho người dân trước khi mở lại giao thông với các tỉnh.

PGS Trần Đắc Phu cho rằng một cá nhân tiêm đủ vaccine mới chỉ đáp ứng một phần điều kiện đi lại liên tỉnh. Điều kiện còn lại là địa phương nơi đến cũng phải đạt độ phủ vaccine ở mức cao (trên 70%).

Như ví dụ của TP Phú Quốc, sau khi tiêm đủ vaccine cho người dân trên đảo, TP có thể sẵn sàng đón khách du lịch có giấy chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”.

Đối với Hà Nội, ông Phu nhận định phần lớn người dân mới được tiêm một mũi, tỷ lệ tiêm mũi 2 còn thấp. Đặc biệt, khi mở cửa thì sẽ có nhiều người như học sinh, lao động nhập cư trở lại. TP cũng cần phải tiêm vaccine cho các đối tượng này do chưa được tiêm tại các địa phương.

“Vì vậy cần có những biện pháp thích hợp khi nối lại đường bay với các địa phương, đặc biệt các địa phương đang có tỷ lệ lây nhiễm cao”, ông Phu chia sẻ.

PGS Trần Đắc Phu lưu ý người tiêm đủ vaccine Covid-19 vẫn có thể mắc bệnh và lây lan cho người khác. Vaccine chỉ giúp người được tiêm giảm nguy cơ lây nhiễm và đặc biệt khi có bị nhiễm thì triệu chứng thường nhẹ, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

“Trường hợp người tiêm bị nhiễm mà đi đến một tỉnh, thành tiêm tỷ lệ thấp có thể lây lan dịch và dịch có thể bùng phát tại nơi này, đặc biệt lây cho người già, người có bệnh nền, gây quá tải hệ thống điều trị, hoặc lây cho trẻ em là đối tượng chưa tiêm vaccine”. ông Phu chia sẻ.

Để địa phương tự quyết đến bao giờ?Trong số 20 sân bay dự kiến hoạt động lại theo kế hoạch của Cục Hàng không, có tới 18 sân bay sẽ khai thác đường bay tới Nội Bài. Hai sân bay không kết nối là Cát Bi (Hải Phòng) và Thọ Xuân (Thanh Hóa) do cự ly quá gần Hà Nội.

Cục Hàng không cũng dự kiến tần suất các chuyến bay nội địa giai đoạn đầu là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày. Trong đó, có gần 100 chuyến bay liên quan đến Nội Bài.

khoi phuc duong bay Ha Noi anh 3
Nội Bài là sân bay lớn thứ 2 cả nước. Việc sân bay này không đón khách khiến cho kế hoạch khôi phục đường bay nội địa bị ảnh hưởng. Ảnh: Ngọc Tân.

Với tầm quan trọng như vậy, nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền mở lại sân bay Nội Bài là của Cục Hàng không và Bộ GTVT chứ không phải TP Hà Nội. Tuy nhiên, Cục Hàng không đã khẳng định quan điểm chỉ mở lại đường bay với những địa phương đồng ý, sẵn sàng bay.

“Có lần một chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất vào tối muộn, đúng hôm TP.HCM ra quyết định hạn chế ra đường sau 18h, hành khách bị kẹt ở sân bay tới đêm”, đại diện Bộ GTVT dẫn chứng một tình huống khó xử khi sân bay hoạt động mà địa phương không phối hợp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), cho rằng chính quyền TP Hà Nội và một số địa phương đang gặp 2 vướng mắc ảnh hưởng đến việc mở cửa giao thương. Đó là vướng mắc về tâm lý và vướng mắc về kỹ thuật.

“Tôi biết nhiều trường hợp lãnh đạo địa phương làm việc cũng rất trách nhiệm, nhưng bị khiển trách, thậm chí cảnh cáo khi để xảy ra bùng dịch. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của người đứng đầu khi quyết định mở cửa, đón người từ nơi khác đến”, ông Đồng phân tích.

Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia chính sách cho rằng Chính phủ cần nhất quán nhận thức chống dịch theo hướng chấp nhận chuyện có ca nhiễm, từ bỏ mục tiêu “Zero Covid” và tránh việc cứ phát sinh ca nhiễm mới là lại đổ trách nhiệm về địa phương.

Về kỹ thuật, ông Đồng cho rằng Chính phủ và các bộ ngành cần phối hợp đưa ra những tiêu chí thống nhất để xác định một địa phương đã đủ điều kiện mở cửa hay chưa. “Việc này cần sự phối hợp giữa nhiều bộ ngành, để một mình Bộ Y tế đưa ra tiêu chí thì sẽ có xu hướng tối ưu kết quả chống dịch nhưng cản trở việc mở cửa, phát triển kinh tế”, lãnh đạo IPS nhận định.

Khi các tiêu chí đã rõ ràng, địa phương không còn lý do để từ chối. Bộ GTVT hoàn toàn có thể gửi văn bản báo cáo lên Chính phủ. Chính phủ thể hiện vai trò giám sát của mình thông qua việc “tuýt còi” các địa phương cố tình “ngăn sông cấm chợ”.

Trăn trở trước ngày cất cánh

Trong hoàn cảnh chưa thuyết phục được Hà Nội mở cửa đón khách đi máy bay, Cục Hàng không chấp nhận phương án khôi phục trước những đường bay giữa các địa phương đã đồng ý.

Tính đến tối 7/10, 2 thành phố lớn là TP.HCM và Đà Nẵng đã có tên trong danh sách các địa phương chấp thuận bay. Cùng ngày, các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet, Bamboo… đều khẳng định sẵn sáng cất cánh vào ngày 10/10.

khoi phuc duong bay Ha Noi anh 4
Việc dừng bay vì dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho các hãng hàng không. Ảnh: Hoàng Hà.

Cất cánh là lựa chọn duy nhất, bởi theo Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không, việc dừng bay đã khiến ngành hàng không thiệt hại doanh thu trên 500 tỷ đồng/ngày, ngành du lịch thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng/ngày (70% khách du lịch do hàng không vận chuyển) so với thời kỳ 2019.

Tại Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, Trưởng đoàn Phan Ngọc Linh mang một nỗi lo khác. Nỗi lo mà ông cho rằng vẫn hiện hữu ngay cả khi các địa phương đều đồng ý và đường bay nội địa được khôi phục hoàn toàn.

“Vận hành chuyến bay trong giai đoạn mới mà quy định cách ly, truy vết khi phát hiện F0 vẫn như cũ thì chẳng mấy mà chúng tôi hết sạch nhân lực”, trưởng đoàn tiếp viên chia sẻ.

Trước đây khi phát hiện F0 trên máy bay, cả tổ tiếp viên sẽ phải cách ly tập trung. Nhà chức trách cũng phát thông báo tìm người đi cùng chuyến bay với F0 để cách ly theo quy định. Theo ông Linh, quy định này vẫn đang được duy trì và là nguy cơ khiến hãng hàng không cạn kiệt nhân lực trong thời gian tới.

Trưởng đoàn tiếp viên Vietnam Airlines dự đoán sau khi đường bay nội địa được khôi phục, các tình huống phát hiện F0 đi trên chuyến bay là khó tránh khỏi, thậm chí tỷ lệ phát hiện F0 sẽ nhiều hơn trước đây. Tình huống này cũng trở nên bình thường khi quan điểm chống dịch đã chuyển từ mục tiêu “Zero Covid” sang sống chung với dịch.

“Vấn đề nằm ở chỗ cách chúng ta nhìn nhận và xử tình huống này như thế nào”, ông Linh nói và cho biết hãng đang tích cực làm việc với ngành y tế để tạo một cơ chế phù hợp hơn trong việc xử trí F0 trên chuyến bay.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều