+
Aa
-
like
comment

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau

21/08/2021 23:20

Khi được nhận tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68, nhiều người lao động tự do tại Hà Nội đã không giấu được sự xúc động vì đã “không bị bỏ lại phía sau”.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 1
Điểm chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP trên địa bàn phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội.

Hỗ trợ kịp thời

Cầm số tiền 1,5 triệu đồng trên tay, anh Nguyễn Huy Quang (số 20, ngách 104/14, phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) không giấu được sự xúc động.

Vợ anh Nguyễn Huy Quang làm nghề bán hàng rong. Anh chạy xe ôm truyền thống. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, vợ chồng anh thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chi phí tằn tiện cho việc ăn ở và nuôi 2 con nhỏ, anh Nguyễn Huy Quang còn phải lo thêm cho chị gái bị thiểu năng và người bố bị tai biến.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 2
Anh Nguyễn Huy Quang.

Gần một tháng qua, TP Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Vợ chồng anh chị buộc phải tiêu gần hết số tiền dành dụm ít ỏi. Cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Bởi vậy, số tiền hỗ trợ đến tay gia đình kịp thời chẳng khác nào “cơn mưa rào đi qua ngày nắng hạn” như lời anh Quang chia sẻ.

Cũng thuộc diện kinh tế gia đình cũng thuộc diện khó khăn nên khi nhận được gói hỗ trợ 1,5 triệu đồng, chị Dương Thị Khánh Nhâm (số 24, ngách 104/14, phố Đào Tấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) nghẹn ngào không nói nên lời.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 3
Chị Dương Thị Khánh Nhâm.

Chị Dương Thị Khánh Nhâm bày tỏ: “Mẹ chồng tôi mới mất được 3 tháng. Bố chồng bị tai biến đúng hôm 27 Tết và nằm liệt đến giờ. Nhà có 2 con nhỏ, chồng tôi thì sức khỏe yếu và thất nghiệp đã lâu”.

Nhận được tiền hỗ trợ, chị mừng rớt nước mắt: “Tôi đã có tiền mua đồ thắp hương cho mẹ và thuốc thang cho bố chồng”.

Mọi sinh hoạt trong nhà đều dựa vào nguồn thu nhập ít ỏi từ công việc bán hàng rong. Thực hiện giãn cách xã hội, hàng quán đóng cửa, chị Nhâm phải ở nhà. Cuộc sống vốn dĩ phải chạy ăn từng bữa nay càng chồng chất khó khăn.

Có cùng hoàn cảnh như anh Quang và chị Nhâm, anh Nguyễn Quang Quân (số 1, ngõ 226, đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng rất vui mừng khi gói hỗ trợ đến rất kịp thời.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 4
Anh Nguyễn Quang Quân.

Vốn làm nghề cắt tóc gội đầu, đại dịch Covid-19 ập đến, anh Nguyễn Quang Quân buộc phải đóng cửa hàng từ ngày 2/5: “Tôi rất cảm ơn Chính phủ đã hỗ trợ kịp thời cho người dân. Tuy số tiền nhỏ thôi nhưng trong lúc khó khăn như thế này thì một miếng khi đói bằng một gói khi no”, anh Quân nghẹn ngào.

Với số tiền này, anh Nguyễn Quang Quân dự định dùng để mua lương thực, thực phẩm để có thể tiếp tục cầm cự, cùng cả nước vượt qua đại dịch.

Cố gắng nhanh và chính xác

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hải Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội) thông tin thêm về công tác triển khai việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cùng các văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 5
Người lao động tiếp nhận hỗ trợ tại UBND phường Cống Vị (Hà Nội).

“Ngay khi có các chỉ đạo trên, UBND phường Cống Vị đã nhanh chóng triển khai thông tin về các nghị quyết, các quyết định tới toàn thể hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn phường”, ông Nguyễn Hải Hà cho biết.

Qua rà soát cho thấy, khoảng 1.000 người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động đang sinh hoạt trên địa bàn phương. Gần 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ thuộc diện phải đóng cửa. Một trường hợp F0 và 12 trường hợp F1.

Hà Nội: Nhiều lao động nghèo xúc động vì không bị bỏ lại phía sau - 6
Ông Nguyễn Hải Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị (ngoài cùng, bên trái).

Cũng theo ông Nguyễn Hải Hà, UBND Phường đã chi trả cho trên 400 người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao động, mỗi trường hợp là 1.500.000 đồng; 181 người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng, mỗi trường hợp là 1.000.000 đồng; 180 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, mỗi trường hợp là 1.000.000 đồng.

UBND phường Cống Vị cũng đã hỗ trợ hơn 500 suất nhu yếu phẩm với mỗi suất gồm: Từ 5-10 cân gạo, mỳ tôm, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt, đường, sữa, rau, củ, quả,… đến những trường hợp khó khăn như: Công nhân, sinh viên, người lao động tự do bị mắc kẹt lại trên địa bàn.

“Chúng tôi coi phần thưởng của công việc chính là được chứng kiến niềm vui của lao động nghèo khi cầm trên tay số tiền hỗ trợ. Với những lao động tự do, người bán hàng rong thì sự hỗ trợ này rất quý giá, giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt”, ông Nguyễn Hải Hà chia sẻ.

Ra quyết định hỗ trợ hơn 18.000 lao động tự do

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính tới ngày 19/8, các quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 18.021 lao động tự do với số tiền 27,03 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện hỗ trợ cho 11.171 lao động với số tiền 16,75 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố, Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã đến nay đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 9.126 người, gồm: 500 F0; 8.531 F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho 95 trẻ em là F0,F1 với kinh phí hỗ trợ là 13,22 tỷ đồng…

Đình Hùng

Bài mới
Đọc nhiều