Hà Nội không tổ chức HĐND: Chủ tịch quận sẽ bổ nhiệm Chủ tịch phường
Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên UBND phường.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội xem xét việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Chủ tịch quận bổ nhiệm Chủ tịch phường
Theo dự thảo Nghị quyết được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên làm việc chiều 16/10, tại những phường nơi thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc, UBND phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thành lập.
HĐND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn như quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường; điều chỉnh dự toán ngân sách phường trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách phường…
Còn UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường thực hiện lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm dự toán thu, chi ngân sách các phường), trình HĐND cùng cấp quyết định.
Điểm đáng chú ý là Chủ tịch UBND quận, thị xã nơi không tổ chức HĐND phường sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức, khen thưởng, kỷ luật chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên UBND phường cũng như tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức phường. Công chức phường do UBND quận, thị xã tuyển dụng, quản lý.
Nếu được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/6/2020.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga lưu ý trước đây đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở 10 tỉnh, thành và nay tiếp tục thí điểm ở Hà Nội thì cần chuẩn bị lý giải khi trình ra Quốc hội.
Uỷ ban hành chính hay Uỷ ban Nhân dân?
Ông Phan Thanh Bình –Chủ nhiệm Uỷ ban VH-GD-TN-TN-NĐ thì đề nghị làm rõ mô hình UBND phường khi không có HĐND phường. Thực chất khi đó là uỷ ban hành chính chứ không phải UBND, tuy nhiên tên gọi trong dự thảo nghị quyết vẫn ghi UBND.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường chứ không phải HĐND, tức cấp trên bổ nhiệm cấp dưới thì đương nhiên là uỷ ban hành chính chứ không phải UBND. Theo ông, nếu có thể thì thí điểm luôn tên gọi cho phù hợp.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị xem xét phân quyền chức năng nhiệm vụ của UBND quận cho UBND phường về việc tuyển dụng, khen thưởng… cán bộ công chức phường vì “ông phường sẽ quản quân sát hơn”.
Giải đáp băn khoăn của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Kết luận 46 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan và TP Hà Nội chuẩn bị cả nội dung thí điểm không tổ chức HĐND phường và cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội. Tuy nhiên, Chính phủ mới thông qua nội dung thí điểm vì chính sách đặc thù liên quan đến nhiều bộ ngành.
Về tên gọi, theo ông Lê Vĩnh Tân, ngay trong Kết luận 46 cũng thể hiện là UBND phường.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng bản chất hoạt động sau này là uỷ ban hành chính nhưng sau khi tính đi tính lại vẫn lấy tên gọi UBND. Bởi nếu thay đổi tên gọi thì toàn bộ hồ sơ lý lịch dân cư của hàng triệu người sẽ phải đính chính thay đổi, ảnh hưởng đến nhiều dữ liệu cốt lõi của thành phố.
“Sau khi tính toán thì thấy tên gọi nên để UBND, điều này phù hợp với nguyện vọng người dân khi được lấy ý kiến. Còn đổi mới là thể hiện trong chỉ đạo, điều hành sau này” – ông Nguyễn Đức Chung nói và nhấn mạnh thêm việc Hà Nội tiến hành thí điểm ở tất cả các phường chứ không ở một số phường là nhằm triển đồng bộ thuận tiện trong chỉ đạo, lãnh đạo điều hành.
Ngọc Thành/VOV