+
Aa
-
like
comment

Hà Nội không còn xã, phường nào ở ‘vùng cam, vùng đỏ’

11/02/2022 20:28

Hà Nội hiện có 536 xã, phường, thị trấn ở cấp độ 1; 43 xã, phường cấp độ 2; không có xã, phường nào cấp độ 3 (vùng cam) và 4 (vùng đỏ).

Ngày 11/2, Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng đã có thông báo về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn (cập nhật đến 9h ngày 11/2). So với tuần trước đó, hiện thành phố không còn xã, phường, thị trấn nào ở vùng cam và vùng đỏ.

Hà Nội hiện có 536 xã, phường, thị trấn đạt cấp độ 1 – tương ứng với màu xanh, nguy cơ thấp (giảm 5 đơn vị so với tuần trước đó).

43 xã, phường ở cấp độ 2 – màu vàng, nguy cơ trung bình (tăng 14 đơn vị) và không có xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 3 – màu cam, nguy cơ cao (giảm 9 đơn vị); và không có địa bàn nào ở cấp độ 4 – màu đỏ, nguy cơ rất cao.

Cũng trong chiều nay, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội đã họp trực tuyến.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, đến nay tỷ lệ học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19 chỉ chiếm 0,4% trên tổng số học sinh Hà Nội. Các trường hợp này chủ yếu là lây nhiễm trong cộng đồng, không phải trong các cơ sở giáo dục.

Qua công tác kiểm tra, các quận huyện đều quan tâm và chỉ đạo các lực lượng phối hợp đảm bảo an toàn cho nhà trường.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất các quận, huyện thị xã quan tâm trang cấp máy đo thân nhiệt tự động và đặc biệt là kit test nhanh cho phòng y tế các trường…

Về lộ trình tiếp tục đưa học sinh quay lại trường, bà Hoa thông tin, Sở đã có văn bản báo cáo thành phố.

“Nếu dịch diễn biến giảm, công tác phòng dịch đảm bảo thì từ 21/2, học sinh lớp 1 trở lên sẽ đi học ở các quận nội thành. Tiếp đó, sau khi Hà Nội triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Sở sẽ đề xuất phương án cụ thể cho học sinh mầm non đi học”, bà Hoa cho biết.

trẻ từ 5-11 tuổi cần tiêm vaccine Covid-19. Ảnh minh họa.

Phó Chủ tịch Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, lãnh đạo TP liên tục yêu cầu các quận huyện phải chuẩn bị kỹ càng, bài bản; phối hợp chặt chẽ với các sở ngành đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

Ông Dũng yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học và giáo viên, trong đó triển khai tập huấn tâm lý học đường khi phát sinh ca mắc trong trường, tránh để xảy ra tâm lý kỳ thị khi có học sinh bị nhiễm Covid-19.

Lãnh đạo TP cũng giao sở Y tế chủ trì và các đơn vị liên quan cập nhật phác đồ điều trị cho các học sinh.

Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu việc thành phố đã chuyển đổi nhận thức, thích ứng với tình hình mới; cho mở cửa lại nhiều hoạt động dịch vụ, văn hóa thể thao, tiến tới mở cửa tất cả trường học…

Khối lượng công việc rất lớn được đặt ra để đảm bảo an toàn thủ đô, sức khỏe người dân.

Ông Phong lưu ý, trạng thái thích ứng hiện nay không có nghĩa dịch bệnh đã hết. Việc mở cửa sẽ có tâm lý xã hội chủ quan, lơ là trong người dân và cả hệ thống có chiều hướng gia tăng.

“Càng mở cửa càng phải tập trung, không được lơ là. Mở cửa mà để dịch bệnh quay lại sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngày 11/2 trên địa bàn ghi nhận 2.908 ca mắc Covid-19, trong đó có 610 ca cộng đồng và 2.298 ca đã cách ly. Cộng dồn số mắc tại trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 165.817 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10/2, tại Hà Nội (thống kê tại bệnh viện trung ương và thành phố) đang có gần 66.000 F0 đang điều trị; trong đó có hơn 62.200 ca điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 94,2%).

Ngoài ra, có hơn 610 bệnh nhân khác (thể nhẹ/không triệu chứng) điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố hoặc của quận/huyện. 2.703 bệnh nhân (chiếm 4%) bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3).

Số còn lại 321 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều