+
Aa
-
like
comment

Hà Nội đón 28,6 tỉ USD đầu tư vào 229 dự án cung ứng toàn cầu

Nguyễn Anh - 29/06/2020 23:05

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng vốn 405.570 tỉ đồng (17,6 tỉ USD), đồng thời ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư 28,6 tỉ USD. Trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước khoảng 20,5 tỷ USD; 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 8,32 tỷ USD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sáng 27/6, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị “Hà Nội 2020 – hợp tác đầu tư và phát triển”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng bộ trưởng các bộ, ngành và gần 2.000 đại biểu quốc tế, trong nước, trong đó có 1.200 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

“Hà Nội tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch”

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, về mặt kinh tế, mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích và 8,5% dân số nhưng Hà Nội là một động lực phát triển hàng đầu của vùng Đồng bằng Sông Hồng cũng như cả nước. Hà Nội hiện đóng góp 16,7% GDP và gần 19% thu ngân sách của cả nước.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các dự án.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô Hà Nội. Theo đó, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,39% – là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF.

Đón 17,6 tỉ USD đầu tư vào 229 dự án, Hà Nội muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: KTĐT)

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng cho biết, việc TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” là nhằm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, đồng thời, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường liên kết kinh tế giữa các tỉnh với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kinh tế – xã hội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án.

“Việc tổ chức Hội nghị sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi sẽ là thông điệp mạnh mẽ của TP Hà Nội trong kiên trì thực hiện chỉ đạo của T.Ư về thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Kết quả của Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo Bí thư Thành uỷ, qua hội nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020. Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2020.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án.

Cụ thể, tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Đón 17,6 tỉ USD đầu tư vào 229 dự án

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông báo: Thành phố sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.

Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 03 khu đô thị; Du lịch – dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa – xã hội; Tài chính – Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); Nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết Quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.

TP Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD

Đồng thời cũng tại Hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giới thiệu danh mục 282 dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng. Các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục, với đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực: hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ; hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu đô thị thông minh; công viên; giáo dục, dạy nghề, bệnh viện; môi trường, xử lý rác thải; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; phát triển nhà ở; nông nghiệp; phát triển đô thị, logistics, công viên phần mềm.

Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch COVID-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là kỳ tích.

“Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này”, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Han Yong Kim, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng dịch, minh bạch thông tin về tình hình dịch và đã sớm khống chế được dịch. Do ảnh hưởng của dịch, Việt Nam đã tịch cực hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất như cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại, gia hạn nộp thuế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam mong muốn Việt Nam có sự hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là doanh nghiệp về du lịch.

Đón 17,6 tỉ USD đầu tư vào 229 dự án, Hà Nội muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 3.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Ousmane Dione cho rằng, mặc dù dịch COVID-19 gây ra hậu quả khôn lường về sức khỏe và đời sống nhưng lại mang lại sự phát triển Hà Nội bởi đây là địa phương khống chế được dịch COVID-19 trở thành điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư đa quốc gia dịch chuyển cơ sở sản xuất.

Tin rằng sự dịch chuyển hướng tới sự đa dạng hóa sản xuất của các công ty đa quốc gia mang đến cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói chung.

TP Hà Nội cùng các nhà đầu tư ký kết 38 biên bản ghi nhớ

Cũng theo ông Ousmane Dione, để thu hút đầu tư, TP Hà Nội cần xây dựng chính sách khuyến khích FDI thông qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực, chuẩn bị nhân lực thông qua tiếp thu kiến thức và kỹ năng, cần tăng cường hợp tác công và tư, kỹ năng có tính phức hợp cao

Tuy nhiên vấn đề là làm thế nào để biến thành hiện thực? để thu hút đầu tư TP Hà Nội cần xây dựng chính sách khuyến khích FDI thông qua việc cải cách hành chính và đào tạo nhân lực, chuẩn bị nhân lực thông qua tiếp thu kiến thức và kỹ năng, cần tăng cường hợp tác công và tư, kỹ năng có tính phức hợp cao.

Hà Nội có thể thành lập đơn vị chuyên trách để phát triển các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng đô thị và ngân hàng hàng thế giới tại Việt Nam luôn sát cánh hỗ trợ Hà Nội phát triển mạnh hơn.

Nguyễn Anh

Bài mới
Đọc nhiều