Hà Nội đề xuất làm tuyến đường sắt hơn 65.000 tỷ đồng
Tuyến đường sắt đô thị số 5 của TP Hà Nội được dự kiến chạy từ phố Văn Cao đến Hòa Lạc, tổng mức đầu tư hơn 65.000 tỷ đồng.
Ngày 21/9, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP Hà Nội (MRB) cho hay, UBND TP vừa trình Chính phủ báo cáo về việc thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5, tuyến Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc.
Theo đó, tuyến đường sắt này dài 39 km với 21 nhà ga (6 ga ngầm và 15 ga nổi); tổng mức đầu tư dự kiến 65.400 tỷ đồng.
Khởi đầu từ khu vực đường Văn Cao giao với Hoàng Hoa Thám, metro số 5 sẽ đi ngầm qua Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, vành đai 3 và đi nổi từ đại lộ Thăng Long.
Từ nút giao Hòa Lạc (vành đai 4) đến cuối tuyến thuộc thôn Thạch Bình (xã Yên Bình), metro số 5 đi trên mặt đất vào dải phân cách giữa của cao tốc quy hoạch Hòa Lạc – Hòa Bình.
Dự án trên được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011, phân kỳ làm hai giai đoạn, 2016 đến 2020 và 2020 đến 2030. Tuy nhiên, theo UBND TP Hà Nội, từ lúc lập quy hoạch đến nay đã hơn 4 năm và mục tiêu giai đoạn 2016 đến 2020 không còn khả thi, nên đầu tư toàn tuyến trong giai đoạn 2021 đến 2025 là phù hợp.
Lý giải sự cần thiết đầu tư, UBND TP Hà Nội cho hay hệ thống đường sắt đô thị của thành phố sẽ đóng vai trò chính trong vận tải hành khách công cộng tốc độ cao; trong đó tuyến số 5 dài 39 km nằm trên trục giao thông huyết mạch, kết nối các đô thị hiện tại và tương lai dọc đại lộ Thăng Long với khu vực đô thị trung tâm.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, phần lớn chiều dài metro số 5 chạy giữa các tuyến đường bộ hiện hữu, đoạn từ Liễu Giai đến Trần Duy Hưng chạy ngầm giữa đường nên “có thể tiết kiệm chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng”. Hàng chục km của dự án đi nổi trên đại lộ Thăng Long cũng nằm ở giữa dải phân cách, “ít phải làm cầu, hầm và không ảnh hưởng đến các công trình liên quan nên thời gian thi công sẽ rút ngắn đáng kể”.
Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 nêu mạng lưới đường sắt đô thị ở Hà Nội gồm 8 tuyến, tổng chiều dài 318 km. Trong 10 năm qua, hai tuyến đường sắt đang thi công gồm tuyến số 2 (đoạn 2A, Cát Linh – Hà Đông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội).
Tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh) dự kiến khởi công từ năm 2007, nhưng đến nay chưa khởi công.
Quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội
Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh; dài khoảng 38,7 km.
Tuyến số 2: Nội Bài – trung tâm thành phố – Thượng Đình; dài 35,2 km.
Tuyến số 3: Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai dài 21 km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây; tổng chiều dài dự kiến 48 km.
Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Bắc Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh; dài 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5.
Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc; dài 39 km.
Tuyến số 6: Nội Bài – khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và tuyến số 7 tại Dương Nội; dài 43 km.
Tuyến số 7: Mê Linh – đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội; dài khoảng 35 km.
Tuyến số 8: Cổ Nhuế – vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá; dài khoảng 28 km.
Yêu cầu vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong năm 2020
Bá Đô/VNE