+
Aa
-
like
comment

Hà Nội đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa

Thành Nhân - 22/04/2020 10:51

Ban chỉ đạo Quốc gia vẫn đề xuất Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND Hà Nội quyết định theo thẩm quyền hoạt động kinh doanh theo tình hình thực tế.

Hà Nội vẫn thuộc nhóm nguy cơ cao, đề xuất kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần

Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã nêu đề xuất và lấy ý kiến của các Bộ ngành, địa phương về phân loại các tỉnh, thành phố theo 3 nhóm nguy cơ để tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Dựa trên đánh giá và theo dõi sát diễn biến dịch bệnh thời gian qua, đồng thời tham khảo dự báo, phân tích và đề xuất của các nhà khoa học, nhóm chuyên gia và thống nhất tiêu chí các ca bệnh phát hiện tại cộng đồng (F0) là yếu tố quan trọng quyết định phân loại địa phương theo nhóm nguy cơ.

Cụ thể: Nhóm nguy cơ cao là các địa phương còn ca mắc tại cộng đồng trong vòng 14 ngày; Nhóm có nguy cơ là các địa phương có ca mắc tại cộng đồng trong khoảng thời gian từ 15 đến 28 ngày; Nhóm nguy cơ thấp là các địa phương trên 28 ngày không ghi nhận ca mắc tại cộng đồng.

Ngày 21/4, Thường trực Ban Chỉ đạo đã họp với các chuyên gia, các nhà khoa học; tổng hợp phân tích tất cả các biến số tác động vào vấn đề lây nhiễm để từ đó phân tích các yếu tố nguy cơ cho từng tỉnh. Cùng ngày, Ban Chỉ đạo đã có văn bản xin ý kiến 28 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao và nhóm có nguy cơ theo Kết luận của Thủ tướng tại Phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 và thống nhất đề xuất phân nhóm các địa phương như sau: Nhóm nguy cơ cao: Hà Nội; Nhóm nguy cơ: TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang; Nhóm nguy cơ thấp: các địa phương còn lại.

Đối với nhóm nguy cơ cao, hiện chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020).

Tuy nhiên, xin Thủ tướng cho phép Chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ gồm công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã lấy ý kiến của 8 Bộ ngành và xin ý kiến của Bộ Tư pháp, tuy nhiên, qua diễn biến dịch bênh mấy ngày gần đây, Ban Chỉ đạo đề xuất sửa đổi một số nội dung so với dự thảo Chỉ thị đã trình liên quan tới việc tập trung đông người và yêu cầu khi tiếp xúc gần:

– Đối Nhóm nguy cơ cao: Vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người; thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

– Đối với Nhóm có nguy cơ: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 10 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

– Đối với Nhóm nguy cơ thấp: Hiện nay đang dự thảo quy định về việc không tập trung quá 20 người, xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

Kiến nghị cho taxi, xe khách hoạt động bình thường ở Hà Nội

Hà Nội đề nghị cho hoạt động vận tải

Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị cho phép các loại xe chạy hợp đồng như: xe đưa đón công nhân, chuyên gia; đưa đón học sinh, xe buýt phục vụ khu đô thị… được hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, cho phép xe taxi có phù hiệu “Taxi Hà Nội” và xe hợp đồng dưới 9 chỗ hoạt động bình thường trong khu vực Hà Nội (không di chuyển sang địa phương khác); cho phép taxi tải và xe vận tải hàng hóa hoạt động bình thường (tránh địa bàn có ổ dịch đang cách ly).

Ngoài ra, cho phép xe buýt nội đô hoạt động với tần suất hợp lý để phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động….

Đối với xe khách liên tỉnh tuyến cố định, Hiệp hội vận tải Hà Nội đề nghị Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ cho các bến xe nghiên cứu đề xuất số lượng phương tiện, tần suất và cho các nhà xe đăng ký theo khung giờ nhất định.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều