Hà Nội công bố dịch COVID-19 trên toàn thành phố?!
Với 4 ca nhiễm, 1 ca nghi ngờ, có ca nhiễm thứ phát, chính quyền Hà Nội đề nghị công bố dịch COVID-19 tại thành phố.
Theo Thông tin từ Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản đề nghị công bố dịch, do có 4 trường hợp nhiễm dịch COVID-19 và 1 ca nghi nhiễm (đã có ca lây nhiễm thứ phát).
Bốn trường hợp nhiễm dịch COVID-19 tại Hà Nội gồm:
Một là N.H.N, nữ, 26 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình.
Hai là D.Đ.P, nam, 27 tuổi, địa chỉ tại 113 Trúc Bạch, Ba Đình, là lái xe chở bệnh nhân N.H.N.
Ba là L.T.H, nữ 64 tuổi, địa chỉ tại 125 Trúc Bạch, Ba Đình, là bác của bệnh nhân N.
Bốn là N.Q.T, nam, 61 tuổi, địa chỉ tại 7 Nguyễn Khắc Nhu, Trúc Bạch, Ba Đình, là người ngồi hàng ghế 5A cùng dãy với bệnh nhân N.H.N.
Ngoài ra đã ghi nhận thêm 1 ca nghi nhiễm.
Cho đến nay, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã thống kê có 130 người có tiếp xúc với bệnh nhân số 17, và 226 người tiếp xúc với người tiếp xúc. Trong đó, đã lấy mẫu xét nghiệm 53 người, đã có kết quả 32 người, 6 đang chờ kết quả.
Hà Nội cũng đã điều tra, cách ly một khu vực thuộc phường Trúc Bạch với 66 hộ gia đình, hiện đã lấy 148 mẫu xét nghiệm.
Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, nơi tiếp nhận ban đầu bệnh nhân số 17, hiện đã cách ly 20 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân số 17, 164 người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2), trong đó có 64 người là bệnh nhân nội trú, thực hiện cách ly tại nhà. Có 40 bác sĩ, nhân viên y tế cách ly tại bệnh viện và 60 người là bác sĩ, nhân viên y tế, cách ly tại nhà ở quận Long Biên.
20 người tiếp xúc gần với bệnh nhân đã có 19 mẫu kết quả âm tính, 1 đang chờ kết quả.
Với chuyến bay VN 0054 chở bệnh nhân số 17 và 21, đã xác minh được nơi đến của 155/180 hành khách hạng ghế phổ thông, 21/21 hành khách hạng ghế thương gia, trong đó có 60 người lưu trú tại Hà Nội.
Khi nào công bố dịch?
Theo khoản 1, Điều 2 Quyết định 02/2016/QĐ-TTg ngày 28-1-2016 của Thủ tướng chính phủ, điều kiện công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A là có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên khi có từ 1 bệnh nhân trở lên là đủ điều kiện công bố dịch.
Đầu tháng 2, Bộ Y tế cũng đã công bố dịch tại tỉnh Khánh Hòa khi mới có duy nhất 1 bệnh nhân COVID-19 theo đề nghị của tỉnh này.
Bệnh nhân số 21 tiếp xúc với 96 người
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị mọi người dân trên địa bàn nâng cao tinh thần chủ động, trách nhiệm trong phòng chống dịch, bệnh.
“Người làm tốt nhất, phòng ngừa tốt nhất chính là người dân, người dân cũng giám sát những trường hợp cách ly cộng đồng, chăm sóc người thân khi cần thiết” – ông Chung nói.
“Nếu không công khai, minh bạch dịch bệnh thì sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, khi minh bạch tình hình dịch bệnh, tức là chính quyền thành phố mong muốn người dân chủ động bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình và có trách nhiệm với cộng đồng” – ông Chung kêu gọi.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cho biết dù Hà Nội có 4 ca nhiễm bệnh nhưng đến nay chưa có trường hợp nào chưa làm rõ được nguồn gốc lây nhiễm.
Với 4 ca bệnh ở Hà Nội, ông Chung thông tin trường hợp bệnh nhân thứ 17 (ca bệnh đầu tiên ở Hà Nội) là chị N.H.N., địa chỉ 125 Trúc Bạch, đã xác định được đường đi từ Anh về. Khi về sân bay Nội Bài thì được lái xe D.Đ.P. đón về. Sau đó lái xe này cũng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hồng Ngọc nhưng không đeo khẩu trang.
Bác ruột của bệnh nhân N.H.N. là bà L.T.H. ngồi cạnh trên đường đến Bệnh viện Hồng Ngọc nên cả lái xe và bác ruột đều bị lây từ bệnh nhân N.H.N.
Với bệnh nhân N.Q.T. (bệnh nhân số 21, ngụ đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết ông này đi cùng chuyến bay VN 0054, ngồi ghế 5A, tức là ngồi cạnh bệnh nhân N.H.N.
Bệnh nhân N.Q.T. từ Việt Nam bay qua Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ bay qua Anh, sau đó từ Anh bay về Việt Nam trên chuyến bay VN 0054. Theo ông Nguyễn Đức Chung, trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh, ông N.Q.T. có ngồi cạnh một hành khách người Anh có biểu hiện sốt, ho.
“Trường hợp bệnh nhân N.Q.T. có hai khả năng lây nhiễm, có thể lây nhiễm trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam, nhưng khả năng nhiều hơn là lây nhiễm trên chuyến bay từ Ấn Độ đến Anh” -chủ tịch Hà Nội cho biết.
Ông Chung cũng thông tin theo xác định sơ bộ thời gian từ sáng 2-3 đến chiều 6-3, bệnh nhân N.Q.T. đã tiếp xúc với 96 người. Hiện nay vẫn đang trong quá trình xác minh tiếp, tất cả những trường hợp tiếp xúc đã được thông báo và đang cách ly tại cơ sở y tế và gia đình.
Phun khử trùng những phố chính quận Ba Đình
Phát biểu kết luận cuộc họp, chủ tịch UBND TP Hà Nội dành nhiều thời gian để nói về các biện pháp cách ly, phòng dịch.
“Hiện nay có 4 trường hợp trên địa bàn dương tính, nhưng từ kinh nghiệm các nước, khi lan nhanh lây theo cấp số nhân, khi đó vẫn là người dân chủ động cách ly tại nhà và cán bộ y tế chăm sóc. Việc hạn chế thấp những ca lây lan phụ thuộc vào chúng ta và phụ thuộc vào người dân” – ông Chung nêu.
“Mấy ngày qua, tôi có gọi điện thăm hỏi các bệnh nhân bị lây nhiễm. Khi người bệnh ở nhà thì có tâm lý tốt hơn, tinh thần tốt hơn, ăn uống được hơn, sức đề kháng tốt hơn. Nhưng nếu dương tính thì buộc phải đưa vào viện và nếu có dấu hiệu ho, sốt là phải đưa vào viện cách ly” – ông Chung nhấn mạnh.
Với trường hợp tiếp xúc của tiếp xúc (F3), ông Chung cho biết nếu nhà ở đủ điều kiện thì cho cách ly tại nhà, cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp phòng vệ cách ly, đo thân nhiệt ngày 2 lần. Sau 14 ngày nếu không có dấu hiệu thì chấm dứt cách ly. Tuy nhiên, với những trường hợp cơ thể yếu, cao tuổi có thể kéo dài thời gian cách ly.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu trường hợp bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ngồi ghế 1A trên chuyến bay từ Anh về, thuộc diện tiếp xúc xa với bệnh nhân N.H.N, đã có kết quả xét nghiệm âm tính, tuy nhiên vẫn áp dụng biện pháp cách ly 14 ngày tại nhà riêng.
Ông Nguyễn Đức Chung nhận định không loại trừ tình huống phát hiện thêm những ca lây nhiễm mới thời gian tới. Vì vậy phải tận dụng được thời gian vàng để nhanh chóng khoanh vùng được người tiếp xúc, phản ứng nhanh để giảm tối đa những ca tiếp xúc, tức là giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Cuối cuộc họp, chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu quận Ba Đình thực hiện phun khử trùng, khử khuẩn trên các tuyến phố chính ở quận Ba Đình, thời gian thực hiện ngay trong ngày và đêm 8-3 trước khi các cơ quan nhà nước trở lại làm việc.