Hà Nội bác chi bù 200 tỷ cho nước sông Đuống: bài toán nào cho Shark Liên?
HĐND TP Hà Nội đã không chấp thuận đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc dùng ngân sách trợ giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Dư luận đặt câu hỏi, như vậy, H ĐND bác chi bù 200 tỷ cho nước sông Đuống, bài toán nào cho Shark Liên?
Liên quan đến đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc dùng ngân sách trợ giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống, mới đây, Thường trực Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đã không chấp thuận đề xuất này bởi không đủ các yếu tố theo quy định để xem xét.
Do giá nước bán buôn của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho các công ty bán lẻ cao hơn giá bán đến từng hộ dân nên tháng 12/2018, liên ngành Tài chính – Xây dựng và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Công ty nước mặt Sông Đuống đã đề nghị UBND TP Hà Nội lấy ngân sách bù giá nước để tránh nguy cơ thua lỗ cho các công ty kinh doanh nước sạch.
Chỉ riêng năm 2019, tổng số tiền dự kiến cấp bù mua nước sạch sông Đuống khoảng 200 tỷ đồng. Những năm tiếp theo dù căn cứ theo mức giá nước của đơn vị bán buôn, mức giá bán lẻ nhưng vẫn theo chiều hướng phải bù số tiền cả trăm tỷ đồng…
Trước đề xuất của Liên ngành, sau khi xem xét các yếu tố, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất sẽ lấy tiền từ nguồn ngân sách thành phố để bù vào tiền mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống. Bởi nếu không có khoản tiền bù này thì nhiều công ty nước sẽ đối diện nguy cơ phá sản vì phải kinh doanh trong bối cảnh mua buôn nước giá cao rồi bán lẻ với giá thấp.
Sau khi chấp thuận đề xuất của Liên ngành, UBND TP. Hà Nội đã có đề xuất gửi lên Thường trực HĐND TP Hà Nội để xem xét việc duyệt chi cho khoản tiền này.
Sau khi nhận được đề xuất trên, Thường trực HĐND TP đã chỉ đạo cho Ban Kinh tế Ngân sách nghiên cứu, thẩm duyệt. Phía Ban Kinh tế Ngân sách sau đó đã xem xét các nội dung, yếu tố của đề xuất lấy tiền ngân sách chi vào việc bù tiền mua nước và đối chiếu với các quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đề xuất lấy ngân sách bù tiền mua nước của UBND TP Hà Nội thiếu các yếu tố cần thiết nên Thường trực HĐND TP không chấp thuận và không đưa vào danh mục các Nghị quyết chi ngân sách để trình Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội.
Đáng chú ý, do không được chấp thuận nên danh mục dự toán chi ngân sách của HĐND TP Hà Nội sắp tới cũng không có khoản chi bù tiền mua nước của Nhà máy nước mặt sông Đuống. Đồng nghĩa, đề xuất chi mỗi năm gần 200 tỷ đồng bù tiền mua nước sạch UBND TP Hà Nội đã không được HĐND thành phố chấp thuận.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng, HĐND TP Hà Nội đã không chấp thuận đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc dùng ngân sách trợ giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống thì xem như đề xuất này vô giá trị.
“Theo điểm b khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thì quyền chi ngân sách cho các hoạt động kinh tế địa phương thuộc về Hội đồng nhân dân chứ không thuộc về Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Cũng tại khoản 1 Điều 21 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải xây dựng, trình Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề liên quan đến chi ngân sách. Chiếu theo các quy định của luật, thì điều 7 về bù giá trong thoả thuận về thực hiện dịch vụ cấp nước ký bởi Sở Xây Dựng Hà Nội theo chỉ đạo của UBND Hà Nội là sai thẩm quyền và vô hiệu”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, hiện UBND TP Hà Nội hiện chưa thanh toán số chênh lệch giữa 8.871,17 với giá 7.700 đồng. Bên cạnh đó thành phố cũng chưa thực hiện cấp bù cho Nước sạch Hà Nội và Nước sạch số 2. Do vậy, Thành phố cho rằng chưa cấp bù, chứ không phải không cấp bù, và chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước 100% vốn mua giá cao thì đây cũng là một hình thức cấp bù.
“Đây là hai doanh nghiệp yêu cầu thành phố phải hiệp thương giá. Còn những doanh nghiệp không yêu cầu thành phố hiệp thương đều đàm phán mua nước Sông Đuống với giá <5.000 đồng/m3, giá này mới đủ sức cạnh tranh với nước Sông Đà, trong đó có Nước sạch Hà Đông là Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 1 doanh nghiệp tư nhân khác bán nước cho KĐT Thanh Hà. Bên cạnh đó, thoả thuận này chỉ là nguyên tắc, thành phố không có nghĩa vụ bao tiêu sản phẩm của nhà máy, không được phép mua sản phẩm chưa được nghiệm thu, không có trách nhiệm gánh lãi vay, khấu hao không đúng quy định, không phải đảm bảo đủ dòng tiền để doanh nghiệp hoạt động” – luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, trong vụ việc này cần làm rõ xem trong vụ việc này có ai cố ý làm trái hay hưởng lợi hay không và ai sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó.
“Bởi cái gì liên quan đến dân sinh, công ích xã hội là phải HĐND thông qua chứ không phải do UBND TP Hà Nội hay Sở ngành nào có thể tự quyết được”, Luật sư Truyền nêu ý kiến.
Đồng thời cho rằng, dù HĐND TP Hà Nội không chấp thuận đề xuất của UBND thành phố Hà Nội về việc dùng ngân sách trợ giá mua nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống thì Công ty CP nước sạch sông Đuống cũng không ảnh hưởng nhiều.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, tháng 7/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản chấp thuận giá bán nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Việc chấp thuận tạm tính giá này cao hơn cả giá nước sạch bán cho người dân theo quy định của TP Hà Nội đang áp dụng. Cuối năm 2018, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị kinh doanh nước sạch trên địa bàn Hà Nội và đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch của mình bằng giá tạm tính là 10.246 đồng/m3.
Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đều có văn bản cho rằng “không đủ nguồn lực tài chính” để thực hiện mua nước với giá 10.246 đồng/m3 mà Công ty nước mặt sông Đuống đưa ra. Giá bán nước sạch cần được sự chấp thuận và ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và Sở Tài chính.
Công ty CP nước mặt sông Đuống đã đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận phê duyệt phương án giá bán nước sạch tạm thời của Nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng/m3 để làm cơ sở phát nước thương mại. Đồng thời đề nghị Sở Tài chính Hà Nội làm việc với các đơn vị liên quan (Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội) thống nhất giá bán tạm thời theo phương án 10.246 đồng/m3, để từ tháng 12/2018 các đơn vị có cơ sở tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, liên ngành tài chính – xây dựng Hà Nội ghi nhận giá bán nước sạch bình quân của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho người dân chỉ hơn 9.700 đồng/m3. Còn nếu tính theo tỷ lệ nước thu tiền (đạt 81,4%) thì giá bán nước sạch sau khi trừ tỉ lệ hao hụt chỉ còn hơn 7.900 đồng/m3. Do vậy, nếu phải mua nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 thì với mức nước tiêu thụ khoảng 80.000m3/ngày đêm, tương đương 29,2 triệu m3/năm sẽ khiến Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội dự kiến lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm. Tương tự, Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội cũng sẽ lỗ trên 58 tỷ đồng/năm khi mua nước với mức giá này.
Dẫn đến việc, các đơn vị đề xuất UBND TP Hà Nội dự kiến cấp bù giá (phần thua lỗ do chênh lệch giá bán, mua) cho 3 đơn vị gồm Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội Công ty cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty nước mặt Sông Đuống trong năm 2019 lên tới gần 200 tỷ đồng.
(Theo Kiến Thức)