Hạ nhục nền văn hoạc Việt Nam – Một con ếch lại chê bai cái ao nó đang sống
Trong nhóm “Phản biện không thuyết phục, xóa group!” có một bài đăng “gây bão” vì tập trung vào việc phê phán, hạ nhục nền văn học Việt Nam. Chủ nhân bài viết cho rằng những tác phẩm văn học Việt Nam như Rừng Xà Nu, Lặng lẽ Sa Pa, Bếp Lửa, Vợ chồng A Phủ, Người lái đò sông Đà… là những tác phẩm nhạt nhẽo, rẻ tiền, vô vị, có giá trị nhân văn bằng không, giá trị nghệ thuật bằng không, hay những tác giả như Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nam Cao, Tô Hoài… và một số tác giả Việt Nam khác không được chủ nhân bài viết nêu ra… chỉ là những tác giả không có tâm, cũng chẳng có tầm, chẳng có danh tiếng và không phải là những người đáng để học sinh học tập.
Chủ nhân bài viết phán xét rằng mỗi cá nhân chỉ vĩ đại khi học từ những người vĩ đại – những người vĩ đại theo ý của người viết là những tác giả đến từ phương Tây, những người có giải thưởng lớn hoặc đường cộng đồng quốc tế ghi nhận, đạt được các giải thưởng lớn như Nobel Văn học hoặc Pulitzer. Còn các tác giả Việt Nam thì sao? Không giải thưởng, không “quốc tế hóa”, kém cỏi, bạc nhược.
“Tại sao không cho học sinh học những tác phẩm của Victor Hugo, Mark Twain, Goethe?” – chủ nhân bài viết đặt câu hỏi và đề xuất thay thế toàn bộ các tác phẩm, tác giả Việt Nam trong sách giáo khoa hiện tại bằng các tác phẩm danh tác thế giới.
“Chỉ khi nào học sinh Việt Nam khóc cùng nàng Fantine – nhân vật trong Những người khốn khổ của Victor Hugo thì thì lúc đó nền nghệ thuật nước nhà mới có thể khởi sắc.”
Không khóc cùng Fantine, nhưng thương cảm cho số phận của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, hay rung động trước hoàn cảnh của Lão Hạc trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, hoặc bực tức nếu ở trong hoàn cảnh của chị Dậu trong Tắt Đèn, có được không?
Hoàn cảnh khốn cùng và tư tưởng nhân đạo không phải chỉ có trong Những người khốn khổ của Victor Hugo, mà còn có trong Vợ Nhặt của Kim Lân, Chí Phèo của Nam Cao, Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.
Lịch sử cho chúng ta biết nạn đói năm 1945 diễn ra như thế nào, thiệt hại ra sao, còn những tác phẩm văn học vào thời kỳ ấy, mô tả hiện thực xã hội bấy giờ, những con người bị bần cùng hóa, những nhân vật không nơi nương tựa, những câu chuyện “nhặt vợ” như nhặt rau, phải bán chó rồi tự tử, ăn một bữa no rồi chết… Chẳng lẽ, cái nghèo đói trong Những người khốn khổ mới là nghèo đói, còn cái nghèo đói trong những tác phẩm thời điểm loanh quanh 1945, lại chỉ là những thứ ba xu, rẻ tiền và rác rưởi?
Hay như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, bị cho rằng là một tác phẩm nông cạn, thái quá, một tác phẩm viết cho những người chết thì không cần phải đưa vào sách giáo khoa. Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm trên nhằm tri ân những nghĩa sĩ, chủ yếu là nông dân, đã đứng lên tập kích chống lại Thực dân Pháp tại Cần Giuộc vào năm 1861. Rồi Rừng Xà Nu, một trong những tác phẩm bi tráng nhất trong chương trình văn học phổ thông, nói về cuộc chiến của dân làng Xô Man, nơi núi rừng Tây Nguyên với quân đội Mỹ – VNCH. Hai tác phẩm vừa đậm chất sử thi, vừa bi tráng, vừa là tiếng lòng của quân dân các vùng miền Tổ Quốc, vậy mà bị nói là “rác rưởi, ba xu, giá trị bằng không”.
Nói một chút về nữ quyền nhé. Văn học Việt Nam đã có những tiếng nói về nữ quyền từ hàng trăm năm trước rồi. Biết Hồ Xuân Hương không, biết bài thơ Bánh trôi nước không – là nguồn cảm hứng để Hoàng Thùy Linh tạo ra MV cùng tên, là tiếng nói của thân phận phụ nữ thời xưa. Biết Bà Huyện Thanh Quan không? Một trong những những nữ văn sĩ nổi bật thời kỳ văn học cận đại Việt Nam. Biết Truyện Kiều không? Chắc chắn là có rồi. Chính Truyện Kiều của Nguyễn Du có những tư tưởng vượt thời đại về nữ quyền qua nhân vật Thúy Kiều, một người phụ nữ dám chủ động vượt lên mọi ràng buộc của lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Hay gần hơn, chúng ta được về Những ngôi sao xa xôi, tác phẩm của nhà văn nữ Lê Minh Khuê, nói về những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, giữa bom đạn, nhưng trong họ vẫn tồn tại khát vọng và tình yêu Tổ Quốc.
Ai dám nói văn học Việt Nam lạc hậu, hổ lốn và không có tí giá trị nào? Hay là không thấu hiểu được rồi phán xét một cách vội vã.
Trong SGK lớp 6 có tác phẩm Buổi học cuối cùng của nhà văn Pháp Alphonse Daudet, một dụng ý của tác phẩm là về việc một dân tộc phải bảo vệ đến cùng và không bao giờ được quên ngôn ngữ của dân tộc đó. Trước khi bắt đầu trải nghiệm văn học phổ thông, thì mỗi học sinh được dạy rằng, phải tôn trọng ngôn ngữ dân tộc, phải yêu văn hóa và văn học Việt Nam, trước khi tiến ra thế giới, hòa nhập cùng nhân loại, thì phải tự định vị được bản thân và dân tộc mình trước đã.
Văn học không phải là một bộ môn đào tạo thần đồng hay nhân tài xuất chúng. Người ta thường nói rằng học văn học, trước tiên là để làm người, sau đó là thấu hiểu và nuôi dưỡng văn hóa dân tộc. Chứ không phải học để trở thành Aziz Nesin, J. K. Rowling hay Stephen King, văn học là một bộ môn đặc thù, không phải cứ chạy theo các vĩ nhân, đọc thông thuộc mọi tác phẩm trên đời, là có thể trở thành một nhà văn được.
Văn chương thế giới là một kho tàng đồ sộ và học sinh Việt Nam vẫn được nếm trải kho tàng ấy. Từ văn học phương Đông, chúng ta học về thơ Đường luật, về thơ Haiku và sử thi Ấn Độ. Rồi đến văn học phương Tây, chúng ta được du hành từ Tây Ban Nha qua tác phẩm Đánh nhau với cối xay gió của Cervantes, sang Nga học văn của Maksim Gorky và thơ của Puskin, với văn học Pháp, chúng ta được học những tác phẩm của Guy de Maupassant và Victor Hugo, còn văn học Mỹ, đừng nói là quên Jack London hay O. Henry nhé.
Hàn Quốc có tác phẩm nào đoạt giải Nobel Văn học hay không? Không. Vậy Hàn Quốc có sử dụng toàn bộ các tác phẩm phương Tây thay cho các tác phẩm, tác giả văn học Hàn Quốc hay không. Câu trả lời vẫn là không. Năm 2012, Trung Quốc mới có tác giả đoạt giải Nobel đầu tiên, đó là nhà văn Mạc Ngôn – thực ra trước đó Trung Quốc đã có Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel nhưng chính quyền và người dân nước này khá “thờ ơ” với Cao Hành Kiện do những vướng mắc chính trị. Mạc Ngôn, Rabindranath Tagore, Kawabata Yasunari… hay phần lớn những nhà văn được giải Nobel, đều không trải qua một chương trình giáo dục “Tây hóa” nào cả, vì mỗi quốc gia mà họ sinh sống đều đặt văn học bản địa lên hàng đầu.
Người ta vẫn thường đọc lại Tây Tiến, mỗi khi có những sự hy sinh giữa thời bình. Người ta vẫn thường liên tưởng về những con người cống hiến thầm lặng, sống đời dung dị với Lặng lẽ Sa Pa.
Có người hay uống vang Pháp đã chê bai vang Đà Lạt là nhạt nhẽo, vô vị và quy chụp luôn cả nền ẩm thực Việt Nam vào. Tương tự, chỉ am hiểu hời hợt, tìm hiểu nông cạn mà đã dám phê phán và hạ thấp nền văn học Việt Nam. Liệu đã thực tâm chưa, hay là sính ngoại?
Một con ếch ở dưới đáy giếng luôn cho rằng bầu trời chỉ bé như cái miệng giếng đó.
Tifosi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả