Hà Giang: Yêu cầu điều tra toàn diện đối với Phó Chủ tịch tỉnh Trần Đức Quý
Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Hà Giang, sáng nay (18/10), luật sư Hoàng Văn Hướng (luật sư bào chữa cho bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã đưa ra những kiến nghị liên quan đến vụ việc.
Theo đó, luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị khởi tố vụ án hình sự ngay tại phiên tòa này khi bà Triệu Thị Chính khai có báo cáo ông Vũ Văn Sử về việc có dấu hiệu gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 (trước khi xảy ra vụ án đang được xét xử 1 năm). Tại phiên tòa ông Sử cũng đã thừa nhận bà Chính có báo cáo về việc này. Do đó, luật sư kiến nghị “ngay tức khắc yêu cầu giữ lại toàn bộ bài thi và điều tra vụ việc”.
Đối với vụ án đang xét xử về vụ gian lận thi cử năm 2018, luật sư yêu cầu mở cuộc điều tra những dấu hiệu vi phạm pháp luật về những dấu hiệu vật chất, đặc biệt về tiền.
“Không thể có chuyện nâng điểm cho hơn 100 thí sinh mà lại chỉ bằng tình cảm. Cần mở rộng điều tra xem xét toàn bộ những người thân thích của các bị cáo về các giao dịch tại ngân hàng, đặc biệt đối với Hoài (Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Lương (Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục).
Hơn nữa, ông Hướng cho rằng, để đảm bảo khách quan, công bằng, nếu coi bà Chính nhờ nâng điểm, trong vụ án này có rất nhiều người nhờ nâng điểm, vậy tại sao không khởi tố những người khác.
Theo nội dung đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa, có 107 thí sinh được nâng điểm, trong đó có 41 thí sinh nhờ nâng điểm nên đã vào các trường công an và quân đội.
Cuối cùng, luật sư kiến nghị mở một cuộc điều tra toàn diện những người như ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, trong việc trả lời tin nhắn bị cáo Hoài là có mục đích gì.
Theo nội dung tài liệu tin nhắn của bị cáo Hoài do Công an thu thập được, có một tin nhắn gửi cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: “Em báo cáo anh 2 việc. Một, em vừa đổi danh sách dữ liệu thi xong, kết quả dữ liệu trên phần mềm quản lý ghi của Bộ trùng khít với dữ liệu trong đĩa CD anh Sử (Vũ Văn Sử – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – PV) giữ. Hai, việc Lương (Vũ Trọng Lương – Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT – PV) chuyển bài thi trắc nghiệm và thiết bị xử lý bài thi về S (con ông Quý – PV) là theo Điều 296 quy chế thi và được sự đồng ý của em với nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội đồng thi và Trưởng ban Thư ký. Xong thầy Bình, thầy Sử, cô Chính (Triệu Thị Chính – Phó GĐ Sở GD&ĐT) đang nâng cao quan điểm quá, có gì anh xem giúp em”.
Cũng trong nội dung thu thập được, trả lời tin nhắn trên, ông Quý nhắn lại: “OK, có gì anh bàn với anh Sử”.
Trước những yêu cầu của luật sư, đại diện VKS cho biết vụ án này chưa dừng lại ở đây và sẽ được tiếp tục mở rộng điều tra thêm.
Trước đó, sau khi VKS đề nghị các mức án dành cho các bị cáo, cả 5 bị cáo đều từ chối quyền tự bào chữa cho mình và cho biết “đồng ý với ý kiến của VKS”. Riêng bị cáo Triệu Thị Chính (bị cáo duy nhất mời luật sư) ủy quyền cho 3 luật sư của mình trong việc bào chữa.
Tại phiên tòa, trong khi luật sư Hướng bào chữa cho bị cáo Chính, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà phải liên tục nhắc nhở ông Hướng “hạ bớt tông giọng xuống”.
Tuy nhiên, không thay đổi “tông giọng”, ông Hướng còn trả lời: “”Tôi quê biển Xuân Trường (Nam Định), lại có 3 năm ở Trường Sa nên ăn to nói lớn quen rồi”.
Thẩm phán Vương Thị Thu Hà nói: “Tôi lo cho sức khỏe của luật sư đi đường xa vất vả thôi”.
Ông Hướng cho rằng với tư cách là một cựu chiến binh từng chiến đấu tại mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) hơn 30 năm trước, bản thân ông không có mục đích gì ngoài mong muốn góp phần làm sáng tỏ vấn đề cũng như đóng góp cho phiên tòa, đồng thời cho biết cũng đang rất sốt ruột vì “cả 3 đứa con đang ốm nằm viện dưới Hà Nội vì dùng nước bẩn Sông Đà”.
Thành An /Dân Việt