+
Aa
-
like
comment

Gửi Trưởng phòng CSGT Bắc Giang: Sao lại phạt quân mình vì làm điều đúng?

01/04/2020 12:57

Ông Trưởng phòng CSGT Bắc Giang đang làm nhụt chí lực lượng CSGT Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung, nhất là khi dịch COVID-19 đang lên đỉnh điểm.

Đọc bài Hạ thi đua, phê bình chiến sĩ CSGT cho người vi phạm chống đẩy, tôi cứ nghĩ chuyện xảy ra trong một bộ phim hài về Mr Bean hay vua hề Sác-lô trên thế giới.

Sau khi thông báo lỗi vi phạm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc, do thấy các tài xế đã nhận thức được hành vi của mình, Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh xử lý bằng hình thức nhắc nhở và yêu cầu không tái diễn dù trước đó, tài xế đề nghị bồi dưỡng tiền cho tổ công các để được cho qua.

Thượng úy Tuấn Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng yêu cầu của một chiến sĩ CSGT. Qua đoạn video Thượng uý Tuấn Anh cùng hai tài xế chống đẩy để chứng minh sức khỏe tốt được lan truyền và ủng hộ trên mạng xã hội, tôi cứ nghĩ, vị thiếu úy sẽ được khen thưởng và việc xử phạt người vi phạm bằng hình thức chống đẩy sẽ được áp dụng rộng rãi. Nhưng không, Thượng úy Tuấn Anh bị hạ thi đua và phê bình.

Gửi Trưởng phòng CSGT Bắc Giang: Sao lại phạt quân mình vì làm điều đúng? - 1
Tài xế vi phạm tự nguyện xin chống đẩy chứng minh sức khỏe tốt.

Tại sao chỉ vì nhắc nhở thêm việc tài xế cần đeo khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh và khi họ muốn thực hiện động tác chống đẩy để chứng minh sức khỏe tốt thì Thượng úy lại bị chính cấp trên của mình phê bình, hạ thi đua? Như thế chẳng phải “quân ta đánh quân mình” hay sao?

Ông đã suy nghĩ đến việc, chính quyết định của ông sẽ làm nhụt chí không chỉ “quân” của mình mà còn cả lực lượng CSGT trên toàn quốc?

Tôi băn khoăn không biết Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng, Thượng úy Tuấn Anh đồng ý cho người tham gia giao thông chống đẩy để chứng minh sức khỏe là “chưa thực hiện nghiêm quy trình công tác” đã thực sự thấu đáo chưa?

Ông đã suy nghĩ đến việc, chính quyết định của ông sẽ làm nhụt chí không chỉ “quân” của mình mà còn cả lực lượng CSGT trên toàn quốc?

Ông có nhìn nhận rõ thực tế là CSGT thường xuyên bị những kẻ vi phạm hành hung, bị côn đồ coi thường vì họ đã không thể sử dụng quyền và sức mạnh được pháp luật cho phép? Và rõ ràng, họ đã bị “trói chân trói tay”, sức mạnh của lực lượng này đã bị nhiều yếu tố, trong đó có quyết định như của ông làm suy yếu đi rất nhiều.

Theo bạn, chiến sĩ CSGT trên có đáng bị trách phạt?

Việc chống đẩy là sự đề xuất từ phía tài xế nhằm thể hiện sức khỏe tốt. Vậy cớ gì lại phê bình Thượng úy Tuấn Anh?Mà kể cả dù cho đó là một hình phạt mới mẻ mà Thượng úy Tuấn Anh yêu cầu tài xế thực hiện đi chăng nữa cũng không làm ảnh hưởng đến bất cứ điều gì về mặt pháp luật lẫn đạo đức trong xã hội.

Hình phạt sáng tạo đó không chỉ giúp tài xế thêm tỉnh táo, giảm stress đường dài, mà còn nhớ về lần xử phạt đặc biệt này để lần sau không mắc lại. Trong lúc cao điểm về dịch bệnh này, mọi biện pháp cứng rắn phải được sử dụng, đừng nói đến cái việc hết sức nhẹ nhàng và có văn hoá là chống đẩy.

Ông Trưởng phòng hãy nhìn Ấn Độ và một số nước phát triển trên thế giới, cảnh sát có thể sử dụng những biện pháp mạnh như dùng roi, gậy đánh người vi phạm chứ đừng nói là chống đẩy. Chẳng lẽ những quốc gia đó đã thông qua một “quy trình công tác không nghiêm túc” hay sao?

Tôi biết, không ít chiến sĩ CSGT, nếu được gợi ý “bồi dưỡng” sẽ nhanh chóng nhận lời, chứ không hơi đâu mất thời gian nghe giải thích, trình bày rồi lại đứng đếm số lượt chống đẩy của người vi phạm. Nếu Thượng úy Tuấn Anh cũng làm vậy, chẳng phải sẽ “nhanh gọn” hơn sao?

Độc giả có đồng tình với quan điểm trên? Hãy gửi ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Trúc Pháp Đăng

Bài mới
Đọc nhiều