+
Aa
-
like
comment

Gửi nữ Việt kiều làm loạn sân bay: Đất nước có bỏ rơi chị đâu mà chị gào lên như thế?

Quỳnh Quỳnh - 18/03/2020 17:47

“Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Đang ở chỗ nào thì yên chỗ ấy” – câu nói được dân mạng lan truyền trên Facebook như lời nhắn nhủ những ai bỏ xứ qua nước ngoài sống, làm việc nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát thì lo sợ và quay về nước.

Thời gian qua, rất đông người Việt ở hải ngoại đã đổ xô về nước khi dịch COVID-19 hoành hành và lấy đi sinh mạng nhiều người. Lý do vì họ nghe được tin Việt Nam đối xử tốt, chăm sóc tận tâm với những người cách ly và chữa trị miễn phí cho bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Ngoài một số trường hợp khai báo gian dối ở sân bay để trốn cách ly thì có những người không biết điều, về nước tránh dịch mà cứ tưởng như đi du lịch, đòi hỏi quyền lợi đủ thứ.

Lấy quyền gì để la lối, quát tháo, gây rối loạn, mất trật tự công cộng?

Điển hình là mới đây, một đám đông người Việt từ châu Âu về tránh dịch COVID-19 đã gây ầm ĩ ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) vì chờ lâu trước khi xe đến đón đi cách ly. Thậm chí có người phụ nữ kích động mọi người đòi quyền lợi theo ý mình và chê bai bánh mì miễn phí mà nhân viên sân bay mang tới. Chị ta nói nếu tập trung đông người ở đây quá lâu thì có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và dễ không qua khỏi!

Nhóm khách không muốn đi cách ly tập trung mà yêu cầu được di chuyển ra khỏi sân bay

Tất cả công dân được miễn phí điều trị; đồng nghĩa với việc đất nước thêm phần gánh nặng, khó khăn. Nhưng đất nước nghĩa tình, trong gian khó, vẫn ôm lấy những đứa con quê hương trở về. Vậy thì, các anh chị lấy quyền gì để la lối, quát tháo, gây rối loạn, mất trật tự công cộng?

Trong khi nhiều người xếp hàng tuần tự chờ tới lượt được chở đi cách ly, mới đây, một nhóm người Việt trở về từ Qatar để tránh dịch COVID-19 gây rối loạn, mất trật tự công cộng tại sân bay, vấp phải sự chỉ trích lớn của cộng đồng.

Họ “đòi quyền lợi” được đi cách ly sớm, than khổ, kêu mệt, ngột ngạt, chê bánh mì mà nhân viên sân bay mang tới. Mặc dù lực lượng an ninh đã cố gắng bình tĩnh, nhẫn nại để giải thích tình hình, mong nhóm người này thông cảm, nhưng có người trong số họ, nêu ý kiến mà như “quát tháo” vào mặt lực lượng an ninh tại sân bay, cảnh cáo đất nước “làm khổ chúng em”, “chết thì ai chịu trách nhiệm”.

Cả nước đang “căng” mình để phòng chống dịch. Từ lực lượng y tế, đến an ninh- quốc phòng, hải quan, mọi nguồn lực xã hội… đều được huy động hết công suất. Trong một buổi sáng, cả hàng ngàn người hồi hương, sức người, sức nước có hạn. Ngoài số người Việt từ nước ngoài trở về, còn phải kiểm soát, kiểm tra nguồn lây nhiễm trong nước đang ngày càng phức tạp.

Chưa được chở đi cách ly rồi sẽ được chở đi, tâm trạng nóng ruột của các anh chị ai cũng hiểu; nhưng vẫn phải bình tĩnh chút, văn hóa xếp hàng mà các anh chị học ở các nước tiến bộ đâu rồi? Hơn nữa, đất nước có “bỏ rơi” các anh chị đâu mà các anh chị “gào” lên như thế?

Vẫn biết rằng, trong cơn hoạn nạn nhất của đời người, chỗ nương náu cuối cùng không phải chốn nào khác mà chính là quê cha đất mẹ.

Và quê hương Việt Nam, lúc nào cũng bao dung với hết thảy những đứa con của mình. Nhưng chứng kiến cảnh tượng này, vẫn không khỏi trào lộng một cảm trạng yêu quê hương nhưng cũng xót xa, tội nghiệp cho quê hương.

Họ đến “xứ thiên đường” khác. Nhưng rồi, trong những ngày COVID-19 đang trở thành ám ảnh của cả nhân loại, trước lằn ranh sinh – tử, số phận trêu ngươi, nhiều người trong số họ, lại bỏ xứ thiên đường, ồ ạt, kéo nhau trở về quê hương.

Hãy cố gắng, tự giác, chịu khổ một chút vì cộng đồng

Những ngày này, câu mà chúng ta nghe nhiều nhất đó là “Ở Việt Nam lúc này thật tốt”, “Công tác phòng chống dịch của Việt Nam quá tốt”, “Giờ mới biết không nơi nào tốt bằng quê hương”, “Về thôi, Việt Nam sẽ không bỏ rơi chúng ta”…

Cứ thế, những chuyến bay chao đi chao lại, chở người Việt khắp nơi trên thế giới trở về từ vùng dịch. Số lưu học sinh, người lao động, Việt kiều… nhiều đến nỗi, nhiều người dân trong nước lo ngại, đất nước sẽ bùng phát dịch từ những nguồn lây nhiễm mới, khiến Chính phủ phải lên phương án đón làn sóng người Việt trở về.

Dù nhiều khó khăn, thách thức đang đợi phía trước, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đưa ra cam kết: Đảng và Nhà nước luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu lãnh đạo, quản lý kinh tế – xã hội của đất nước. Mới đây, ông lại yêu cầu chống kỳ thị người nhiễm COVID-19, tăng chi cho người cách ly.

Tất cả công dân được miễn phí điều trị; cũng đồng nghĩa với việc, đất nước thêm phần gánh nặng. Đất nước đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Đã nghèo, lại càng nghèo hơn. Nhưng đất nước nghĩa tình, nhân văn, trong gian khó, vẫn bảo bọc, ôm lấy những đứa con của quê hương trở về nhà.

Từ ngày 15.3, Bộ Y tế đã cách ly, xét nghiệm tất cả người về từ vùng dịch nước ngoài ở sân bay, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp nhiễm COVID-19. Ca nhiễm COVID-19 thứ 58 vừa được phát hiện nhờ việc xét nghiệm “đón đầu” này.

Do số lượng người về nước quá đông nên lực lượng chức năng đã có những lúng túng nhất định.

Ban đầu Hà Nội và phía hàng không dự đoán sẽ có khoảng 400 người Việt Nam từ vùng dịch về nước hôm 15.3. Song, thực tế đến tối muộn 15.3 đã có tổng số trên 1.360 người Việt và người từ vùng dịch đủ điều kiện nhập cảnh đến sân bay Nội Bài, gấp đôi so với 1 ngày trước đó và gấp 3 so với dự kiến.

Hà Nội đã chuẩn bị, sắp tới sẽ có thêm 10.000 test xét nghiệm được tài trợ, đảm bảo đủ xét nghiệm 100% người từ vùng dịch như yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19.

Trong điều kiện nhà nước còn nhiều khó khăn, bộ đội phải nhường giường cho người cần cách ly như hiện nay thì chúng ta thực sự không thể có được những khu cách ly với đẳng cấp khách sạn, tuy nhiên Chính phủ đã cố gắng bằng tất cả những gì có thể. Vậy nên mong tất cả mọi người hãy tạm bỏ qua những nhu cầu hưởng thụ của cá nhân để cùng chung tay đẩy lùi bệnh dịch.

Quỳnh Quỳnh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều