Gửi những người mắng nhiếc Tướng Man khi ông quyết định dừng chân ở trạm kiểm lâm 67
Khi cả nước hướng về miền Trung thân yêu cùng sự mất tích của đoàn cứu hộ dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man để giải cứu 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3, thì cũng xuất hiện những lời mắng nhiếc, đặt ra câu hỏi rồi chê trách. Như vì sao đoàn của tướng Man chủ quan với thiên tai, ngủ đâu không ngủ lại ngủ trạm kiểm lâm 67 để giờ ra vậy?
Xin thưa rằng, chiều ngày 12/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đang chuẩn bị từ Huế ra Quảng Bình để sáng ngày 13 dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ V (ông nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình, Đại biểu Quốc hội). Nhưng khi nghe tin 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị lở núi đất lấp, ông quyết định ở lại Huế cùng đồng chí, đồng đội lội bộ hàng chục km để tìm cách tiếp cận gần thủy điện nhằm: Tìm hiểu thực tế để lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn. Mục đích sau khi chọn được địa điểm lập Sở Chỉ huy mới tổ chức đưa quân vào cứu hộ.
Được biết, cả khu vực trạm kiểm lâm nơi đoàn người tạm tá túc được coi là vững chắc, an toàn nhất nhưng không ngờ lũ lại đã làm sạt ngọn núi ở trạm kiểm lâm này. Với mưa lũ chúng ta không thể nói trước được điều gì vì ra giữa mưa lũ là như ra chiến trường. Vì vậy, đừng mải miết đặt câu hỏi tại sao, khi bạn còn ngồi trong chăn ấm nệm êm và chưa biết gì ngoài thực địa lúc bấy giờ.
Cái chúng ta cần nói lúc này phải là về tinh thần can đảm, đương đầu với hiểm nguy của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man chứ không phải ngồi bới móc. Lập đoàn cứu hộ đi trước vào vùng sạt lở là vì ông muốn lập Sở chỉ huy cứu hộ cứu nạn trên tuyến đường độc đạo ở khu vực này để cơ động vào hiện trường 13km là điều kiện lý tưởng cho sau này tập kết các lực lượng khi đã tiền trạm xong xuôi.
Đấy là cách làm việc bài bản, kỹ lưỡng chứ không phải là khinh suất. Tướng Man là người tham mưu cứu hộ ở vùng lũ sông Gianh, Quảng Bình ở mức độ nhiều trận lịch sử chưa bao giờ sai.
Và chuyến đi này vì ông ở Sở chỉ huy tiền phương thì ông muốn lập một điểm chỉ huy mới thì ông phải đích thân lao vào tác chiến mới tổng quát được cần gì và như thế nào. Sạt lở ở trạm kiểm lâm 67 là nó không thể tính toán, khi các đoàn cứu hộ dân sự không thể tiếp cận mà bộ đội lặng lẽ hành quân đi vào là một hành động chấp nhận nhiều rủi ro rồi.
Người ta ngồi một nơi rồi đánh giá cay nghiệt là không nên chút nào. Cần tương kính với người đã khuất. Nhiều ý kiến nói vì sao không khảo sát trực thăng cứu hộ. Hãy nhớ mấy ngày đó cả miền Trung mưa trắng trời, thời tiết không thuận lợi để bay. Máy bay chỉ có bay được 2 hôm nay.
Vậy thì một vị tướng phải đi là đương nhiên, tướng phụ trách kỹ thuật, tham mưu tác chiến như ông Man là luôn thực địa. Và không còn cách nào khác là phải đi bộ. Nếu không thực địa thì không làm gì được. Không nên nói cử trinh sát, quân cán. Thưa rằng trong đoàn có đủ thành phần. Tướng đi là để tổng quát các mũi giúp việc.
Trong sách Trọn một con đường, Tướng Đồng Sỹ Nguyên kể, bất cứ túi bom nào trên tuyến cần xử lý thì các phó tư lệnh 559 phải lên đường, tư lệnh cũng lên đường, vậy nên Đại tá Đặng Tính, phó tư lệnh 559 hy sinh là vậy. Là vì bom đạn không biết đâu mà lần, thiên tai cũng không biết đâu mà chọn.
Dương Sông Lam
*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả