+
Aa
-
like
comment

Gục ngã vì quyền lực: xót xa!

Bảo An - 27/09/2020 18:12

Ai sai người đó phải chịu trách nhiệm. Sai đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không có sự nể nang, không tồn tại ô dù bao che. Đó là thực tế mà chúng ta đang được chứng kiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, việc nhiều lãnh đạo cấp cao, thậm chí là các chuyên gia cao cấp, đầu ngành bị thoái hóa, biến chất khi ngồi lên vị trí quản lý khiến chúng ta không khỏi xót xa. Đặc biệt, việc nguyên Giám đốc, Phó giám đốc và kế toán trưởng của Bệnh viện Bạch Mai vừa bị khởi tố bị can, bắt tạm giam phục vụ công tác điều tra khiến chúng ta không khỏi nặng lòng trăn trở.

Ông Nguyễn Quốc Anh

Theo thông tin được Bộ Công an cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với PGS-TS Nguyễn Quốc Anh (sinh ngày 1-9-1959 tại Nam Định), nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Ngọc Hiền (sinh ngày 12-3-1960 tại Nam Định), nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận (sinh ngày 20-2-1974 tại Thanh Hóa), Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn theo đúng quy định.

Việc khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với một số cán bộ nguyên là lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai là kết quả của quá trình mở rộng điều tra vụ án “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan mà cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – Bộ Công an đã khởi tố trước đó.

Nếu không giữa vững bản chất thì sẽ bị quyền lực hạ gục

Việc lãnh đạo cấp cao bị khởi tố, bắt tạm giam gần đây diễn ra không phải là hiếm. Tuy nhiên, việc lãnh đạo một bệnh viện lớn, một chuyên gia đầu ngành về y tế, một người làm việc trong môi trường “lương y như từ mẫu” bị khởi tố, bắt tạm giam thật sự khiến cho chúng ra không khỏi suy nghĩ, trăn trở.

Để đào tạo được một PGS – TS thuộc lĩnh vực y tế không hề đơn giản. Đặc biệt, việc đào tạo được một chuyên gia đầu ngành, công tác tại một trong những đơn vị đầu ngành về y tế của cả nước thì lại càng khó khăn.

Nhìn lại tiểu sử của ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, chắc chắn chúng ta không thể phủ nhận ông là người rất giỏi. Là một bác sĩ, tiến sĩ y học chuyên ngành Gây mê hồi sức, ông Nguyễn Quốc Anh từng được nhận rất nhiều huân, huy chương cao quý như: Huân chương chiến công hạng Ba; Huân chương chiến sĩ hạng Ba; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba do nhà nước Campuchia trao tặng; Huy chương Vì nghĩa vụ Quốc tế v.v… Vậy nhưng giờ đây, ông lại bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra liên quan đến tham nhũng. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu danh dự đều bị rơi xuống vực sâu không đáy. Thế mới thấy tiền bạc chỉ là phù vân, danh dự mới là cái còn mãi với thời gian.

Chiếc ghế quyền lực thực sự quá nguy hiểm. Nó đã đánh gục những con người tài giỏi, biến họ trở thành con người có tài nhưng lại không có đức. Quyền lực là điều nhiều người mong muốn. Vậy nhưng nếu không đủ bản lĩnh, không đủ tỉnh táo thì con người ta không những không làm chủ được quyền lực mà lại trở thành nô lệ của quyền lực.

Cần có sự tách bạch giữa cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn?!

Tôi đã từng đọc được một vài bài báo viết về việc cán bộ từ chối bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo để chỉ tập trung làm công tác chuyên môn. Đó là câu chuyện của TS Lê Xuân Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường Sư phạm mẫu giáo trung ương 3, là con gái của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh và đã 2 lần từ chối làm thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Trong một phỏng vấn với phóng viên báo Tuổi trẻ, bà Xuân Hồng đã nêu quan điểm: “Tôi không quan tâm đến chức vụ mà tôi quan tâm đến công việc của mình, làm sao để có thể cống hiến được nhiều nhất mới là quan trọng”.

Câu chuyện của nữ TS Lê Xuân Hồng có lẽ là hiếm có trong tình hình hiện nay, khi mà người ta đua nhau “làm quan”, bon chen “làm quan”, bất chấp mọi thứ để có thể “làm quan”.

Từ câu chuyện của PGT – TS Nguyễn Quốc Anh và của TS Lê Xuân Hồng, thiết nghĩ là một chuyên gia, nhà khoa học, có lẽ điều họ nên làm nhất không phải là chạy theo quyền lực mà nên tập trung phát huy chuyên môn để có thể cống hiến lớn nhất cho xã hội.

Nhắc đến quyền lực là nhắc đến sự tha hóa. Bản thân quyền lực luôn mang trong nó sự tha hóa. Khi người ta có những đặc quyền, đặc lợi; khi nắm trong tay quyền lực; khi mà chỉ cần một cái gật đầu cũng có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho cá nhân, nếu ai không giữ được bản chất, không có bản lĩnh vững vàng, không vứt bỏ được cái tôi ích kỷ cá nhân thì sẽ rất dễ lâm vào vòng xoáy quyền lực, bị quyền lực đánh gục, bị lợi ích vật chất làm mờ mắt. Việc đào tạo một chuyên gia đầu ngành thì cần thời gian rất dài nhưng việc quyền lực “hạ gục” một cán bộ thì diễn ra trong thời gian rất ngắn. Việc một cán bộ, một chuyên gia giỏi bị quyền lực đánh ngã quả thực quá xót xa.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều