+
Aa
-
like
comment

GS Trần Thanh Vân & GS Lê Kim Ngọc – Những trái tim thổn thức cùng Tổ quốc

31/12/2020 21:02

Vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc, năm nay 86 tuổi, quốc tịch Pháp. Mấy chục năm qua, dù rất thành công ở xứ người, nhưng ông bà đã cống hiến hết mình cho quê hương.

Giáo sư Trần Thanh Vân người Quảng Bình. 17 tuổi ông qua Pháp du học và tính học lên kỹ sư . Nhưng tình cờ ông gặp thày của mình là giáo sư Maurice Lévy – một trong những cha đẻ của vật lý nguyên tử Pháp, nên ông liền học vật lý. Năm 27 tuổi, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về vật lý hạt cơ bản. Ông đã giảng dạy tại Ðại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự. Ông đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý.

GS Trần Thanh Vân (thứ hai từ phải sang) và TS Trần Thanh Sơn (ngoài cùng bên phải) với Ban tổ chức Trường Vật lý Châu Á-Thái Bình Dương của Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Châu Âu CERN. Ảnh: Hoàng Tùng.

Còn bà giáo sư Lê Kim Ngọc quê Vĩnh Long. Bà được coi là “bậc thầy của các nhà nghiên cứu về thực vật học” và là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm “lát mỏng tế bào” (thin cell yayer) – một khám phá tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực công nghệ sinh học thực vật. Bà cũng nhận Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp. Ông bà sống rất hạnh phúc cùng 2 người con.

Giáo sư Lê Kim Ngọc trong Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 14. Ảnh: Đắc Thành.

Tuy nhiên, dù sống ở Pháp từ khi còn trẻ, hai ông bà không khi nào quên được quê hương. Sau Mậu Thân 1968, ông bà nung nấu ý định thành lập các nhà nuôi trẻ mồ côi vì chiến tranh và nghèo đói ở VN. Và sau 3 năm vận động cùng đi bán thiệp Giáng sinh vẽ tranh Việt Nam, mà chỉ riêng năm 1971 đã bán được 1 triệu tấm thiệp, ông bà đã thu về 1 triệu usd cho việc xây dựng làng SOS đầu tiên tại Đà Lạt vào 1974 và nay vẫn còn sử dụng. Sau này ông bà còn cho xây dựng Làng SOS trẻ em Đồng Hới, Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thuỷ Xuân tại Huế và Trường dạy nghề làm bánh mỳ, bánh ngọt Pháp tại Huế .

Không dừng lại chỉ ở việc chăm sóc trẻ em mồ côi, ông bà còn vận động tạo dựng Quỹ học bổng Gặp gỡ Việt Nam- Vallet, chỉ riêng năm 2017 đã dành 1 triệu euro (khoảng 26 tỉ đồng) để trao 2.500 học bổng cho học sinh, sinh viên trên toàn quốc; giúp đỡ, tạo điều kiện cho các sinh viên Việt Nam xuất sắc có cơ hội sang Pháp học tập. Hiện Quỹ này đã trao tổng cộng 200 tỷ đồng với 25 ngàn học bổng cho học sinh sinh viên VN.

GS Lê Kiêm Ngọc thăm Làng trẻ em SOS Đồng Hới, tháng 9/2012. Ảnh: Hàm Châu

Ngoài các hoạt động thiện nguyện, từ nhiều năm nay vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân đã nổi tiếng về các hoạt động quy tụ giới khoa học trên thế giới. Giáo sư Vân từng tổ chức chương trình khoa học Gặp gỡ Moriond (từ 1966) và Gặp gỡ Blois (từ 1989) tới nay tại Pháp. Các chương trình này nhằm giúp các nhà khoa học nổi tiếng thế giới cùng gặp gỡ, trao đổi thông tin và hỗ trợ cộng đồng trẻ. Vì vậy ông bà đã thành lập ra Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam. Sau 25 năm hoạt động, Hội này đã tổ chức 15 lần các chuỗi hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, nhiều nhà khoa học đoạt Giải Nobel đến tham gia. Các khóa học Quốc tế theo chuyên đề cũng được tổ chức để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và Châu Á. Ông bà cũng cùng các cộng sự đầu tư cả 1 triệu usd cho Trung tâm ICISE tại Quy Nhơn từ 2013 cho các chương trình Hội nghị khoa học.

Ông bà còn đề xuất ý tưởng xây dựng dự án tổ hợp không gian khoa học cho tỉnh Bình Định. Đây sẽ là không gian khám phá khoa học cho trẻ em và công chúng, đưa khoa học đến đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo ở tuổi trẻ. Tổ hợp khoa học sẽ phát triển thành khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa, bên cạnh trung tâm ICISE

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp về thăm vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân.

“Chúng tôi làm tất cả những điều này chỉ với một niềm mong mỏi là góp phần đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam có kiến thức và năng lực ngang tầm quốc tế, để trong một tương lai không xa có thể sánh vai với bạn bè trên thế giới”

“Hơn nữa, con người đến lúc nhắm mắt thì nào có thể mang theo tiền bạc, chỉ có tình yêu thương và lòng nhân ái thì còn mãi và được mọi người nhớ đến” GS. Trần Thanh Vân nói.

Thật khâm phục và kính trọng ông bà giáo sư. Là những nhà khoa học, ông bà đã cố gắng làm mọi cách để giáo dục khai phóng và phát triển dân trí. Là các nhà từ thiện, ông bà đã cố gắng hết sức mình để chăm sóc cho trẻ mồ côi và giúp học sinh sinh viên nghèo VN có tiền đi học. Và cũng giúp biết bao du sinh được ra nước ngoài.

Giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư Lê Kim Ngọc

Ông bà như Bồ Tát giữa đời thường. Công đức vô lượng. Xin kính chúc ông bà giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc vạn sự bình an và lạc phúc, sống lâu trăm tuổi.

T/h

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều