+
Aa
-
like
comment

GS Oxford: Không nên so sánh hiệu quả vaccine, hãy tiêm khi có thể

24/06/2021 09:09

Giáo sư Guy Thwaites kêu gọi mọi người nên tin tưởng vào những vaccine đã được WHO phê duyệt, không nên so sánh hiệu quả giữa các loại vì chúng đều giúp bảo vệ con người.

“Bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt đều tốt hơn là không có vaccine. Không quan trọng loại nào tốt hơn, điều quan trọng nhất là các vaccine đều giúp chúng ta giảm khả năng phải nhập viện, cũng như giảm nguy cơ tử vong”, giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), khẳng định.

“Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu bạn được tiêm phòng, dù là loại nào, thì hãy nên tiêm ngay”, ông Thwaites nói với PV.

Ông Thwaites nói cả AstraZeneca và Sinopharm đều là vaccine Covid-19 tốt, và khuyên người dân không nên lo lắng hay nghi ngờ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa có đủ vaccine.

“Tôi và gia đình sẽ tiêm ngay”

Giáo sư Thwaites cho biết dữ liệu cho thấy vaccine của AstraZeneca và Pfizer/BioNTech có hiệu quả tương đương sau 2 mũi tiêm. Sinopharm có hiệu lực thấp hơn so với Pfizer và AstraZeneca nhưng vẫn rất tốt và hữu ích.

“Dù là bao nhiêu phần trăm thì cũng tốt hơn so với việc không tiêm vaccine nào cả. Điều quan trọng bây giờ là chúng ta cần giảm thiểu rủi ro nhập viện ở Việt Nam. Và tất cả các loại vaccine hiện tại, dù ít dù nhiều, đều có thể làm giảm nguy cơ đó”, ông nói.

vaccine Astra tot khong anh 2
Giáo sư Guy Thwaites, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Chương trình Trọng điểm ở Nước ngoài của Wellcome Trust tại Việt Nam. Ảnh: OUCRU.

“Đừng chỉ vì sự khác biệt nhỏ giữa các loại vaccine mà bạn chần chừ hay chờ đợi. Chần chừ chỉ khiến bạn có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Các loại vaccine được công nhận đều có độ an toàn gần như tương đương nhau”, vị chuyên gia nói.

Ông khẳng định gia đình mình không bận tâm việc được tiêm loại nào, miễn là cả nhà họ được chủng ngừa.

“Tôi hiểu việc nhiều người luôn lo lắng về việc tiêm vaccine. Bản thân tôi đã tiêm 2 mũi AstraZeneca và gia đình tôi cũng vậy. Và nếu gia đình tôi có nhận được đề nghị tiêm vaccine Sinopharm, chúng tôi vẫn sẽ tiêm”, giáo sư nhấn mạnh.

Giáo sư cũng lưu ý ngay cả khi đã được tiêm vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên.

“Người Việt Nam đã làm rất tốt những điều này và chúng ta vẫn nên phát huy điều đó dù có được tiêm chủng hay chưa”, giáo sư Guy nói.

Ông cũng nhấn mạnh nếu có bất kỳ điều gì về đại dịch hiện nay mà chúng ta không cần lo lắng, thì đó là không cần lo về việc vaccine không có hiệu quả. Chúng đều có tác dụng và bảo vệ mọi người.

“Tôi biết rằng chính phủ Việt Nam đang mong muốn tiêm chủng được cho càng nhiều người càng tốt. Vì vậy, chúng ta cần phải đưa ra thông điệp khiến mọi người hiểu rằng vaccine an toàn và hiệu quả. Vì chỉ có vaccine mới giúp Việt Nam thoát khỏi đại dịch”, giáo sư nói thêm.

Cần tin tưởng hiệu quả của vaccine

Khi được hỏi về các tác dụng phụ xung quanh vaccine, giáo sư Thwaites cho biết không chỉ riêng vaccine Covid-19, mà bất kỳ loại vaccine chủng ngừa nào cũng có thể gây ra biến chứng hoặc tác dụng phụ hiếm gặp. Tuy nhiên, điều này là rất hiếm.

Ông khẳng định những rủi ro do vaccine mang lại thấp hơn rất nhiều so với rủi ro từ Covid-19.

“Giới khoa học, công ty dược và chính phủ các nước đều đang nỗ lực để cứu sống con người và kiểm soát đại dịch, để chúng ta có thể quay lại cuộc sống bình thường. Nên chúng ta cần phải tin tưởng lẫn nhau”, giáo sư nhấn mạnh.

“Tôi biết rằng vaccine Covid-19 còn rất mới và mọi người cảm thấy lo lắng sẽ gặp rủi ro, nhưng bạn cần phải tin tưởng rằng có hàng triệu người hiện nay đã tiêm vaccine, và hàng nghìn người đã thoát chết nhờ vaccine, chỉ trong sáu tháng qua”, ông nói.

Bên cạnh đó, ông đánh giá cao việc Việt Nam thực hiện rất tốt các quy định về khẩu trang và giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực đưa vaccine đến cho người dân càng sớm càng tốt.

Vị giáo sư tin rằng với các biện pháp kết hợp này, Việt Nam sẽ có thể kiểm soát được tình hình và đưa người dân trở về cuộc sống bình thường mới.

“Tất nhiên sẽ mất một thời gian, có thể là vài tháng, tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng. Để thực hiện được điều đó sớm nhất có thể, điều cần thiết đối với người dân lúc này là tin tưởng vào vaccine”, ông nói.

Người dân nhận tư vấn trước khi tiêm chủng.

Biến chủng Delta đang lan rộng và có khả năng lây lan dễ dàng hơn so với một số biến chủng khác. Điều này có nghĩa nó sẽ khiến đại dịch khó kiểm soát hơn một chút, nhưng không có nghĩa là không thể kiểm soát được, bằng cách giãn cách xã hội và chủng ngừa, giáo sư khẳng định.

“Virus không phải là thứ ma thuật, nó không lây lan một cách bí ẩn. Chúng ta đã biết cách ngăn chặn nó. Chúng ta đã có công cụ để ngăn chặn đại dịch, đó chính là vaccine. Điều chúng ta cần làm bây giờ là tin tưởng”, ông Thwaites nhấn mạnh.

“Tôi nghĩ điều gây quan ngại lúc này là một số nước phát triển có rất nhiều vaccine, trong khi những nước khác, bao gồm Việt Nam, không có nhiều. Tôi cho rằng các nước giàu nên hào phóng hơn để hỗ trợ thế giới mau chóng thoát khỏi đại dịch hơn”, giáo sư Thwaites nói.

Sáng 20/6, Bộ Y tế cho biết 500.000 liều vaccine Covid-19 của Sinopharm (Trung Quốc) về đến Việt Nam. Trước đó, vaccine này được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp hôm 3/6, trở thành vaccine thứ 3 được Việt Nam áp dụng sau AstraZeneca và Sputnik V.

Đến cuối ngày 22/6, Việt Nam có hơn 2,4 triệu người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine, theo số liệu của Bộ Y tế.

Tại TP.HCM, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 836.000 liều vaccine của AstraZeneca, được bắt đầu từ ngày 19/6.

Thành phố cũng nỗ lực để tiếp cận thêm vaccine, đảm bảo từ đây đến cuối năm 2021, 2/3 người dân có thể được chủng ngừa.

Theo dự kiến, đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận hơn 100 triệu liều vaccine, TP.HCM sẽ được nhận khoảng 10% trong số này (khoảng 10 triệu liều).

Hồng Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều