+
Aa
-
like
comment

GS Nguyễn Anh Trí: ‘Tôi đang chuẩn bị hồ sơ tự ứng cử lần hai’

06/03/2021 09:49

Chia sẻ tâm nguyện “làm đại biểu là cơ hội lớn để đóng góp xây dựng đất nước”, GS Nguyễn Anh Trí tiếp tục làm hồ sơ tự ứng cử Quốc hội khóa mới.

Đến nay 63 tỉnh, thành đã giới thiệu 1.076 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Uỷ ban bầu cử các địa phương đang tiếp tục nhận hồ sơ ứng cử theo Luật định, trong đó có hồ sơ của những người tự ứng cử.

PV đã có buổi nói chuyện cùng GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, một trong hai người tự ứng cử thành công vào Quốc hội khóa đương nhiệm và đang chuẩn bị nộp hồ sơ tự ứng cử khóa mới.

– Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp hết, dự định của ông với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV như thế nào?

– Tôi đã chuẩn bị hồ sơ tự ứng cử để nộp cho Ủy ban bầu cử Hà Nội. Sau 5 năm làm nhiệm vụ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tôi cảm thấy đây là nơi mình có thể đóng góp nhiều nhất vào công cuộc phát triển đất nước; nêu ý kiến về những vấn đề nóng và đưa tiếng nói của người dân đến nghị trường…

5 năm qua, tôi có ý kiến ở tất cả các lĩnh vực từ y tế, bảo hiểm, môi trường, giáo dục đào tạo, chống tham nhũng, tổ chức cán bộ, đến vấn đề Biển Đông, bảo vệ biên giới… Nhiều nội dung đã được tiếp thu, lãnh đạo và một số thành viên Chính phủ từng cảm ơn tôi sau những lần tôi đăng đàn trên nghị trường.

Trong đó, với góc độ đại biểu ngành y, tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là đề xuất về vấn đề đảm bảo truyền thống nhưng phải giữ gìn vệ sinh môi trường, không làm phát sinh bệnh tật khi mai táng người đã khuất. Nội dung này được đưa vào luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Từ góc độ đại biểu TP Hà Nội, tôi cùng nhiều vị khác đã nêu ý kiến về đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đề nghị Thủ tướng đứng ra chủ trì cuộc họp giải quyết dứt điểm sự trì trệ của dự án này. Chúng tôi được biết thời gian qua Bộ trưởng Giao thông Vận tải đã phải tập trung cao độ để giải quyết các vấn đề liên quan. Như vậy, cùng với nhiều kênh khác, tiếng nói của chúng tôi đã được ghi nhận. Các cơ quan chức năng cùng vào cuộc quyết liệt để tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở thủ đô chạy thử và dự kiến bàn giao trong tháng 3.

Ngoài tâm huyết, lòng nhiệt tình, tôi thấy mình còn sức khỏe, đủ minh mẫn để tiếp tục đóng góp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Phong
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Hoàng Phong

– Quá trình chuẩn bị hồ sơ tự ứng cử lần này khác với lần trước như thế nào, thưa ông?

– Đầu năm 2016, khi đang tổ chức một sự kiện hiến máu tình nguyện, tôi nhận được cuộc gọi của người bạn nói “Trí tham gia Quốc hội khóa này đi”. Rất hào hứng nhưng nghĩ đến tháng 5 mới bầu cử nên tôi chưa vội lắm. Hơn nữa trước và sau Tết Nguyên đán, tôi bận rộn với các hoạt động “Ngày chủ nhật đỏ”, “Lễ hội xuân Hồng”, sau đó lại đi công tác trong và ngoài nước nên không có thời gian nghĩ đến việc chuẩn bị hồ sơ. Mãi đến tối 9/3/2016, khi tôi đang đi công tác ở Australia, anh bạn mới gọi điện hỏi “đã nộp đơn ứng cử chưa” và thông báo “sắp hết hạn rồi”.

Xem lại thông tin trên mạng, tôi biết mình chỉ còn 5 ngày nữa (năm 2016 hạn cuối cùng nộp là ngày 13/3). Nhưng 1h sáng 11/3/2016 tôi mới về đến Hà Nội, thời gian chỉ còn chưa đầy 3 ngày. Tôi tất bật chuẩn bị, hoàn tất hồ sơ rồi mang đến Ủy ban bầu cử của Hà Nội để nộp. Nhưng hồ sơ có chỗ chưa đúng yêu cầu, tôi được hướng dẫn làm lại. Đến 16h30 phút ngày 13/3 tôi nộp đơn cho Ủy ban bầu cử Hà Nội. Như vậy là 30 phút trước khi hết hạn nộp hồ sơ, tôi mới hoàn thành công việc đầu tiên của quy trình tự ứng cử.

Do đã có kinh nghiệm tự ứng cử khóa XIV, lần này việc chuẩn bị hồ sơ của tôi dễ dàng hơn. Tất nhiên, tại Ủy ban bầu cử, những người có trách nhiệm sẽ tư vấn cẩn thận, tỉ mỉ về việc hoàn thiện hồ sơ cho những người mới tham gia tự ứng cử lần đầu.

– Sau khi nộp hồ sơ, công việc một người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải làm là gì?

– Khóa này từng có hơn 160 người tự ứng cử. Tuy nhiên qua các vòng hiệp thương, sàng lọc, nhiều ứng cử viên bị loại vì không đủ tiêu chuẩn. Tôi may mắn vào danh sách chính thức, được phân về đơn vị bầu cử số 9 của Hà Nội gồm huyện Đông Anh và quận Long Biên. Công việc ứng viên phải làm là tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động, giải đáp thắc mắc của người dân…

Tất nhiên, so với những ứng viên được các cơ quan, tổ chức giới thiệu, người tự ứng cử có phần khó khăn hơn khi thiếu sự bố trí, hỗ trợ, như tôi đi công tác nước ngoài về trong đêm về phải tự mình chuẩn bị hồ sơ để nộp cho kịp thời gian. Chưa kể, nhiều cử tri cho hay họ “cảm thấy yên tâm hơn khi bầu những người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu so với người tự ứng cử”. Vì vậy, một việc quan trọng nữa của những người tự ứng cử là tìm cách “quảng bá” bản thân, làm sao để cử tri biết đến mình, những việc mình đã làm, nhưng cái khó ở đây là nếu làm không khéo lại phản tác dụng.

Riêng tôi may mắn hơn, vì khi đó đang là Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương, các hoạt động hiến máu tình nguyện diễn ra trên khắp cả nước nên tôi được nhiều người biết đến. Cử tri nhìn tôi qua công việc thực tế tôi làm, chứ bản thân không cần phải lên tiếng, phát biểu.

– Theo ông, đâu là yêu cầu đối với một người tự ứng cử?

– Tôi cho rằng, một người tự ứng cử đại biểu Quốc hội cần tự đánh giá xem kiến thức, trình độ, năng lực, quỹ thời gian của mình có đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội hay không.

Cần nhận thức rõ, tham gia làm đại biểu Quốc hội là để góp công sức xây dựng đất nước, giải quyết các vấn đề của nhân dân chứ không phải vì vụ lợi chính trị. Cử tri rất tinh tường, họ sẽ tìm hiểu kỹ từng ứng viên để quyết định chọn ai, không chọn ai.

Tôi nung nấu ý định được làm đại biểu Quốc hội từ khi còn trẻ, và từng bước chuẩn bị nền tảng kiến thức cho mình. Năm 2000, khi đã là tiến sỹ y khoa, tôi tiếp tục học thêm Đại học Luật (vào buổi tối) vì nghĩ rằng ngoài kiến thức chuyên môn, mình cần hiểu biết pháp luật. Còn trong công việc, tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ, luôn sống mẫu mực để là tấm gương cho thế hệ bác sĩ của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

– Ông kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới?

– Tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XV sẽ có nhiều đại biểu chất lượng, dù tự ứng cử hay được cơ quan, tổ chức giới thiệu, để qua đó Quốc hội hoàn thành xuất sắc ba nhiệm vụ của mình là lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 11 đại biểu tự ứng cử được đưa vào danh sách ứng viên chính thức nhưng chỉ 2 người trúng cử. Lần này, tôi tin tưởng sẽ có nhiều ứng viên chất lượng tự ứng cử bởi Luật mới đã cởi mở hơn, tạo mọi điều kiện cho chuyên gia, những người sắp nghỉ hưu (quá tuổi) được tham gia Quốc hội.

Bên cạnh đó, các ứng viên chắc chắn cũng đã thấy những người tự ứng cử như chúng tôi được đối xử công bằng, tôn trọng và các vấn đề chúng tôi đưa ra tại nghị trường được tiếp thu, xử lý. Họ sẽ hào hứng tham gia tự ứng cử vì diễn đàn Quốc hội là một trong những diễn đàn tốt nhất để đóng góp công sức xây dựng đất nước.

Hoàng Thùy

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều