+
Aa
-
like
comment

GS Hồ Ngọc Đại: ‘SGK Công nghệ không phải dự án…làm thuê’

03/01/2020 16:00

GS Đại cho rằng, bộ SGK Công nghệ giáo dục là một công trình nghiên cứu, không phải dự án làm thuê nên ông không sửa một câu nào.

Liên quan đến buổi đối thoại giữa Bộ GD-ĐT và GS Hồ Ngọc Đại về bộ SGK Công nghệ giáo dục, trưa ngày 3/1/2020,  GS.TSKH Hồ Ngọc Đại cho biết, tại buổi đối thoại này, phía Bộ GD-ĐT vẫn yêu cầu ông sửa lại nội dung trong bộ SGK Công nghệ giáo dục, tuy nhiên ông vẫn giữ quan điểm không sửa bất cứ một câu, một dấu phẩy nào trong bộ sách đó.

“Bộ SGK Công nghệ giáo dục là một tác phẩm hoàn chỉnh, tại sao tôi phải sửa? Bộ sách có giá trị riêng và tuân theo một thể thống nhất, không thể sửa theo ý của Bộ GD-ĐT được.

Đây là một công trình nghiên cứu khoa học, không phải một dự án làm thuê. Tôi làm theo khoa học nên không thể ai yêu cầu tôi sửa được”, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại nói.

Ông Đại cho rằng, ông đã nghiên cứu, thực nghiệm 40 năm và dạy Công nghệ giáo dục tại Nga. Trong 40 năm đó, ông không hề xa rời việc dạy học trong nhà trường và khẳng định tiểu học là bậc học vô cùng quan trọng. Từ những gì nghiên cứu, thực nghiệm, ông khẳng định ông chịu trách nhiệm với những gì ông viết ra và không thể sửa chữa.

Nói cụ thể hơn về việc viết sách cho học sinh tiểu học, ông bày tỏ quan điểm mỗi lớp chỉ dạy rất ít khái niệm mang tính cốt lõi.

“Tiếng Việt là môn Khoa học, các khái niệm của nó là khái niệm khoa học. Tiếng Việt lớp 1 chỉ có 1 khái niệm là cấu trúc ngữ âm của tiếng. Tiếng Việt lớp 2 Từ và Ngữ, lớp 4 là câu, lớp 5 là bài”- GS Đại nói.

GS Ho Ngoc Dai: 'SGK Cong nghe khong phai du an...lam thue'
GS-TSKH Hồ Ngọc Đại (trái) và PGS-TS Nguyễn Kế Hào tại buổi đối thoại – Ảnh: TTO

Cũng tại buổi đối thoại vào sáng ngày 3/1/2020, PGS.TS Nguyễn Kế Hào, Trung tâm Công nghệ giáo dục cho rằng, việc dạy học cho trẻ tiểu học cần mềm dẻo, linh hoạt. Vì thế không nên loại một bộ sách đã được thực tế kiểm nghiệm và đạt hiệu quả tốt.

“Cách xử lý vấn đề này không khó. Các vị lãnh đạo giáo dục vẫn dựa vào các hội đồng thẩm định và có thể giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách.

Điều căn bản là thực hiện được mục tiêu và chuẩn đầu ra của từng lớp, cấp học. Cần chú trọng đánh giá qua thực tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy học ở tiểu học”, ông Nguyễn Kế Hào đưa ra quan điểm.

Về việc thẩm định các bộ SGK, ông Nguyễn Kế Hào cũng nói thêm, Bộ GD-ĐT nên coi việc thẩm định SGK chỉ là một bước, tiếp theo cần đưa các SGK đã qua thẩm định dạy thử nghiệm một thời gian.

“Tôi sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên” – PGS.TS Nguyễn Kế Hào khẳng định điều này. Ông Hào cho biết rất nhiều khái niệm bây giờ Bộ GD-ĐT mới nói nhưng ở trường thực nghiệm, những nơi thực hiện Công nghệ giáo dục đã làm từ lâu.

Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã làm theo Nghị quyết của Quốc hội. Vì thế trong quy định thẩm định SGK, hồ sơ SGK gửi lên thẩm định đã phải có thực nghiệm rồi.

Việc thẩm định nhằm mục đích công bố cho xã hội những cuốn sách phù hợp để sử dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, nếu cho rằng thẩm định chỉ là bước 1 và tiếp tục thực nghiệm thì chưa thật đúng.

Việc cho sách Công nghệ giáo dục một cách thẩm định khác như ý kiến của GS Trần Ngọc Thêm khó thực hiện vì cần phải công bằng giữa các bộ SGK.

“Nếu được thì thầy nghiên cứu phương án điều chỉnh SGK để đảm bảo yêu cầu”- ông Nguyễn Hữu Độ đề nghị với GS.TSKH Hồ Ngọc Đại. Một trong những mục tiêu khi thực hiện chương trình giáo dục mới là khuyến khích có nhiều bộ SGK đa dạng sử dụng trong các nhà trường.

Trước đó, ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định SGK thông báo, ba bản thảo sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại gồm Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, Toán Công nghệ giáo dục và Đạo đức Công nghệ giáo dục bị trượt ở vòng đầu tiên. Các bản thảo không đáp ứng đầy đủ 13 tiêu chí của SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS Ho Ngoc Dai: 'SGK Cong nghe khong phai du an...lam thue'
SGK Tiếng Việt 1- Công nghệ trước đó đã được giảng dạy ở nhiều trường

Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào gửi kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc sách bị loại khỏi vòng thẩm định.

Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có trách nhiệm chỉ đạo rà soát việc thẩm định sách giáo khoa, trong đó lưu ý đánh giá về chương trình thực nghiệm; tổ chức đối thoại giữa các bên để tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.

Thu Hoài/ĐV

Bài mới
Đọc nhiều