GS Hồ Ngọc Đại nói gì về bộ sách giáo khoa của mình bị loại ngay vòng đầu?
Bộ sách giáo khoa lớp 1 – Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm ‘không đạt’ ngay vòng đầu. Ông cho biết mình không bất ngờ và quyết không sửa để nộp lại.
Sáng nay, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định với báo chí ông không bất ngờ khi bộ sách của mình bị hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá không đạt
“Tôi không bất ngờ”
Trao đổi với báo chí sáng 12.9 về suy nghĩ sau khi Bộ sách giáo khoa lớp 1 – Công nghệ giáo dục do ông làm chủ biên vừa bị hội đồng thẩm định quốc gia chấm “không đạt” ngay vòng đầu, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Tôi biết điều này sẽ xảy ra, tôi không bất ngờ”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Thanh Niên về việc làm thế nào để bộ sách giáo khoa của ông có thể “sống” tiếp sau khi đã bị loại khỏi vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Cuộc sống này không có tình huống nào không có lối thoát, chân lý tồn tại chứ. Tôi dự cuộc làm việc với hội đồng thẩm định công bố kết luận, chủ tịch hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo, không tôi về”.
GS Đại trầm ngâm hồi lâu rồi nói tiếp: “Việc này giờ không phải việc của tôi nữa rồi. Cuốn sách giáo khoa tiếng Việt Công nghệ 1 thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chủ động nói với tôi là cuốn sách tốt quá và muốn nhân rộng. Nhưng tôi thấy anh ấy lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi nói luôn: “Tôi cho không đấy” bởi vì tôi ăn lương nhà nước năm chục năm để tôi làm ra bộ sách ấy, nên nó là tài sản nhà nước chứ không phải tài sản của tôi. Do vậy, cá nhân tôi không thể xử lý được. Đó là việc của nhà nước, của chính quyền của cơ quan quản lý giáo dục”.
“Tôi thanh thản! Còn ý kiến cá nhân tôi cho rằng biểu quyết của tập thể không phải lúc nào cũng đúng. Điều quan trọng là nghe cái gì, nghe ai, ai nói”, ông nói và cười.
Khi được hỏi liệu ông có chỉnh sửa phù hợp hơn để tiếp tục thẩm định sau này, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: “Tôi sẽ không sửa để nộp lại. Nếu nói điều chỉnh có nghĩa là tôi không cẩn thận, không tính toán. Tôi không điều chỉnh gì hết vì đó là công trình tôi nghiên cứu cả một đời. Tôi đã phải làm thực nghiệm mấy chục năm rồi và nghiên cứu mới điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được. Chúng chấp nhận được thì tôi tin. Tôi sẽ quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay”.
Hơn 40 năm “thăng trầm” công nghệ giáo dục
Năm 1978, tài liệu tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục được khuyến khích các địa phương sử dụng, coi như một giải pháp để dạy học tiếng Việt.
Đầu những năm 2000, khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, với chính sách 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, tài liệu này không được mở rộng nữa mà chỉ được thí điểm trong phạm vi rất hẹp.
Năm 2006, triển khai trong khuôn khổ đề tài cấp bộ nhằm nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và 2 năm sau đó được thí điểm trong khoảng 20 tỉnh. Đến năm 2012, bỏ thí điểm, mở rộng phạm vi áp dụng.
Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tài liệu đã được thẩm định lại tới 2 lần. Lần gần đây nhất là cuối tháng 7.2018.
Năm học 2012 – 2016, nhiều nhà báo và nhà giáo dục đã dùng từ “hồi sinh mạnh mẽ” khi nói về tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục dưới thời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, khi tài liệu được triển khai nhân rộng trên khoảng 47 – 48 tỉnh trong cả nước, đồng thời quyết định thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục, trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Giám đốc Trung tâm Công nghệ giáo dục chính là cha đẻ của Công nghệ giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại.
Tuy nhiên, đến năm 2017, dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo tổng kết năm học 2016 – 2017 thì những đánh giá của Bộ GD-ĐT về việc chỉ đạo thực hiện dạy học tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đã thận trọng hơn rất nhiều dù năm học 2016 – 2017, cả nước có 48 tỉnh, thành đã triển khai dạy học môn tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia.
Vẫn nhìn nhận dạy và học tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục đã làm thay đổi phương pháp dạy và học của giáo viên, học sinh và là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng môn tiếng Việt cho học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số, tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cho rằng việc triển khai dạy học theo tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục ở một số địa phương còn bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, một số ngữ liệu chưa phù hợp với tâm sinh lý học sinh lớp 1…
(Theo Thanh Niên)