+
Aa
-
like
comment

GS Châu từng sốc khi nhận lương: Việt Nam thì sao?

01/10/2020 08:33

Điều kiện cho nhà khoa học ở Việt Nam bây giờ đã tốt hơn trước rất nhiều, người làm nghiên cứu có nhiều cơ hội lớn.

Lương ở Việt Nam thấp

Trong khuôn khổ Bài giảng đại chúng “Trao đổi về nghiên cứu khoa học” tại Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) ngày Nội), GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ chân tình về chuyện đời, chuyện nghề với các bạn sinh viên.

Đặc biệt, những chia sẻ của ông về thu nhập của nhà khoa học được nhiều tờ báo dẫn lại và nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo GS Ngô Bảo Châu, ở nhiều nước tiên tiến, lương của người làm khoa học cũng thấp hơn nhiều ngành khác, và ông từng “cực kỳ sốc” khi nhận bảng lương đầu tiên của mình ở Pháp. Bảng lương ấy còn không đủ tiền để mua vé máy bay về Việt Nam.

Tương tự, ở Mỹ, dù tài chính dư dả hơn nhưng thu nhập của nhà khoa học vẫn kém xa so với các ngành khác.

Đồng cảm với những chia sẻ của GS Ngô Bảo Châu, GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cũng lưu ý, ở đây GS Châu so sánh mức lương của người làm khoa học với các ngành khác trong xã hội Pháp, Mỹ. Tuy nhiên, nếu so với các nước đang phát triển hay phát triển khác, thì mức lương ấy vẫn là cao.

Theo GS Ngô Bảo Châu, ở nhiều quốc gia tiên tiến, lương của người làm nghiên cứu khoa học cũng thấp hơn so với các ngành khác.

Nhìn ở Việt Nam, GS Quý cho biết, lương của người làm nghiên cứu khoa học rất thấp, thuộc vào loại thấp nhất thế giới, thua Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Trung bình, mức lương sau tốt nghiệp đại học ở các quốc gia này khoảng 400 USD/người/tháng thì ở Việt Nam, con số này thường chỉ ở mức dưới 4 triệu đồng/tháng, trong khi đó sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường đã phải mất chừng 6-7 triệu đồng/tháng.

Trường hợp GS Ngô Bảo Châu, sau khi nhận giải Fields, mức lương của ông ở Việt Nam chỉ  là 5 triệu đồng (bậc 1) bởi khi ấy ông mới thử việc; còn những giáo sư lâu năm hưởng mức lương 7,5 triệu đồng. Với mức lương ấy, theo GS Quý, rất khó giữ được người tài.

Ngay cá nhân ông Quý, là giáo sư, lại có nhiều công trình được đánh giá là xuất sắc mới được hưởng hệ số lương cao nhất (8.00) cộng với 1.25 tiền trợ cấp, còn nhiều nhà khoa khác mới hưởng hệ số lương 6.72 đã phải về hưu.

Thừa nhận mức lương đó là quá thấp, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam kể lại, năm 1988, ông sang Canada thì được mời ở lại với nhiều chế độ hấp dẫn: lương 15.000 USD/tháng, có nhà, có ô tô, được đưa vợ con sang…, tuy nhiên, với lòng tự tôn, tự hào dân tộc, ông đã từ chối làm thuê cho nước ngoài, chọn trở về Việt Nam cống hiến cho đất nước.

Về nước, ông cũng được Nhà nước phong làm Viện trưởng, được trả lương 533 đồng/tháng (khoảng 50 USD) nhưng vẫn hết sức vui vẻ, bởi ông được sống trên đất nước mình, được cống hiến cho người dân và được sống với đam mê của mình.

Để nhà khoa học dốc hết sức

Dù vậy, nhìn rộng ra về giới nghiên cứu khoa học, GS.TSKH Trần Duy Quý cũng cho rằng, bởi mức lương thấp nên nhiều người phải “chân trong, chân ngoài”,

“Đó phần nhiều là những người nặng gánh gia đình, lại chưa thực sự say mê với chuyên môn. Còn với người chăm chắm cả đời chỉ làm chuyên môn thì khi Nhà nước mở ra cơ chế cho bán bản quyền công trình nghiên cứu thì thu nhập mới khá lên.

Nhà nước cũng rất sòng phẳng trong việc bán bản quyền: cái nào nhà khoa học bỏ tiền túi ra đầu tư thì được thu hết, cái nào Nhà nước bỏ tiền thì nhà khoa học được hưởng 40%, còn lại 60% Nhà nước thu lại, trong đó 30% làm quỹ khen thưởng cho tất cả anh em nghiên cứu; 30% đầu tư lại cho nghiên cứu của viện.

Như vậy, Nhà nước không lấy lại gì, đầu tư lại hết cho nghiên cứu khoa học”, GS Quý cho biết.

Để nhà khoa học có động lực để hết mình cho nghiên cứu, GS Trần Duy Quý và nhiều nhà khoa học đã nhiều lần đề nghị Nhà nước khoán các công trình, đề tài và Nhà nước chỉ quản lý sản phẩm cuối cùng, song chưa được chấp thuận.

“Người làm khoa học trọng danh, nếu làm không ra kết quả, bị mang tiếng, lần sau sẽ không được làm nữa. Cho nên, nếu khoán đề tài, công trình cho nhà khoa học, chắc chắn họ sẽ dồn hết tâm sức, kinh phí để làm cho chuẩn. Còn cứ để như lâu nay sẽ không khuyến khích được người làm nghiên cứu bởi họ không có động lực về kinh tế, lương thấp, giải thưởng thấp…”, GS.TSKH Trần Duy Quý nói và dẫn trường hợp của các cán bộ khoa học ở viện ông làm ví dụ: khi đi làm, chuyển giao giống lúa cho người dân thì hai bên “giao kèo”: so với giống phổ thông, giống mới hơn cân nào thì chia đôi cân ấy, cả người dân và người làm khoa học đều có thu nhập cao hơn nên có động lực để làm việc.

Vị chuyên gia chỉ rõ, ở nước ngoài, ngay cả nhà khoa học được phong giáo sư rồi nhưng không có dự án, không có đề tài thì lương thấp là nhiên vì nhà nước không bao cấp. Đây là điểm Việt Nam nên học hỏi.

“Các nước cứ khoán đề tài, giao tiền rồi để người nghiên cứu tự lo, Nhà nước chỉ quản từng đầu ra, có hội đồng đánh giá độc lập, công trình chưa đạt thì phải trả lại tiền, tạo sức ép khiến ai cũng phải lo mà làm.

Ngày nay, điều kiện cho nhà khoa học ở Việt Nam đã tốt hơn trước rất nhiều, máy móc, thiết bị, công nghệ thông tin được trang bị tận nơi, tuy nhiên do ảnh hưởng của xã hội, nhu cầu đời sống ngày càng cao, trong khi cơ chế lại chưa thông thoáng, đôi lúc khó khăn nên nhà khoa học chưa làm hết trách nhiệm.

Bây giờ Nhà nước hãy cứ đặt hàng, một công trình ứng dụng thực tiễn mà không ra được lần sau không đặt hàng nữa; còn chi tiêu không đúng, bị phát hiện có khi phải ra  tòa, phải trả lại tiền. Hai bên cứ rạch ròi như vậy, chỉ quan trọng sản phẩm cuối cùng, bỏ các khâu trung gian đi, chắc chắn sẽ có những sản phẩm chất lượng”, GS.TSKH Trần Duy Quý nói.

Hồng Ninh/ ĐVO

Bài mới
Đọc nhiều