+
Aa
-
like
comment

Góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII: Ưu tiên phát triển kinh tế biển

24/11/2020 08:03

Kinh tế biển đang gắn với sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, vì vậy, trước mắt, cần giảm dần đánh bắt ven bờ, tăng dần tỷ trọng nuôi trồng, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo… được đông đảo cán bộ, chuyên gia kinh tế tại tỉnh Khánh Hòa nhất trí cao. Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề, để kinh tế biển thực sự đột phá trong chiến lược phát triển.Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 cho thấy, nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được nâng lên, tiềm năng, lợi thế của biển được phát huy, nhiều địa phương có biển phát triển năng động.

Theo PGS-TS Lê Chí Công, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang, với lợi thế bờ biển dài, du lịch biển đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ. Vì thế, chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm tới cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển… Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Chí Công thì 28 tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước nên đầu tư, quy hoạch bài bản, tránh tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, cần hình thành các trung tâm du lịch biển tầm quốc tế làm động lực, dẫn dắt, liên kết với các địa phương lân cận cùng phát triển.

Nuôi trồng thủy sản ven bờ chủ yếu giản đơn, hay bị sự cố do thiên tai, ô nhiễm.

PGS-TS Lê Chí Công cho biết: “Chúng ta nên phát triển một số trung tâm về du lịch biển điển hình, để khai thác các lợi thế, tạo động lực để các địa phương khác cùng phát triển. Tránh sự giẫm chân lên nhau của các điểm đến, tránh các điểm đến luôn luôn có sự cạnh tranh với nhau. Khách du lịch tới tôi và không tới anh chẳng hạn. Phải lựa chọn và tìm ra các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. Làm cho du lịch thành hệ thống kết nối, tăng thời gian lưu trú của khách, tăng khả năng chi tiêu của khách.”

10 năm qua, số lượng tàu cá trên 90CV của nước ta đã đạt gần 39 ngàn chiếc, tổng công suất tăng 3,5 lần. Tuy vậy, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chủ yếu nuôi trồng giản đơn, ven bờ, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế biển đang thiếu trầm trọng.

PGS-TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 3- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị xác định các nhiệm vụ: Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao; Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; Xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển…

Để tiến ra biển xa hơn, sâu hơn, nhanh hơn cần đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia mạnh về kinh tế biển để đào tạo nhân lực, cần phải xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu về biển để có những ứng phó, lựa chọn phù hợp. Kinh tế biển đang gắn với sinh kế của hàng triệu hộ gia đình, vì vậy, trước mắt, cần giảm dần đánh bắt ven bờ, tăng dần tỷ trọng nuôi trồng, ứng dụng công nghệ hiện đại.

PGS-TS Võ Văn Nha đề nghị: “Đây là một cách nhìn rất trúng, rất đúng, kịp thời. Nếu chúng ta cứ loanh quanh trong vùng nước ven bờ, nội địa thì sẽ chậm chân so với thế giới. Nhưng muốn tiến ra biển thì phải có đội ngũ được đào tạo bài bản, có chuyên sâu từng lĩnh vực. Chúng ta số hóa cơ sở dữ liệu để có thể cập nhật được nhiều và nhanh, giúp ích rất nhiều cho phát triển.”

10 năm qua, năng lực cứu hộ, cứu nạn được nâng lên. Ảnh: Tàu KN 490 đưa 3 ngư dân tàu cá BĐ 97469TS gặp nạn trong bão số 9 về đất liền.

Nước ta phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65%-70% GDP cả nước; Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục; Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo.

Ông Hồ Văn Mừng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phụ trách theo dõi công tác xây dựng Đảng tại huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết, để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế biển. Qua đó, tạo điều kiện các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển kinh tế biển, hình thành các tập đoàn lớn có vai trò chủ lực về kinh tế biển.

Ông Hồ Văn Mừng nhận định: “Khu vực vùng đảo Trường Sa rất tốt cho việc đánh bắt và nuôi trồng. Cũng cần tiếp tục nghiên cứu tạo điều kiện cho người dân tham gia đánh bắt, nghiên cứu các loài hải sản có thể nuôi trồng ở Trường Sa. Tiếp tục đầu tư các âu tàu, giúp ngư dân tránh bão, tiếp tục làm tốt dịch vụ hậu cần. Và chỉ khi người dân được tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất để tham gia phát triển kinh tế tại Trường Sa, sẽ góp phần rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”./.

Bài mới
Đọc nhiều