Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng cấp bách hỗ trợ sản xuất kinh doanh
Gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng sẽ được triển khai thực hiện là một trong bảy nhóm giải pháp chính được nêu trong Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh của Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng, có nguy cơ bùng phát tại nhiều nước, tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nhiều nước, đối tác lớn của Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tập trung cao độ phòng chống dịch bệnh, có ngay những giải pháp cụ thể, hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, nỗ lực cao nhất thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.
“Đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm. Có ngay biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng” – Chỉ thị nêu rõ.
Các giải pháp tập trung được Thủ tướng nêu ra, trước hết là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Giải pháp thứ hai là rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm; nhưng cũng không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật…
Rà soát các khoản phí, lệ phí với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, báo cáo Chính phủ. Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong Quý I và Quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý…
Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất, nhập khẩu, khẩn trương phục hồi và phát triển ngành du lịch, hàng không, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh…
Các giải pháp khác bao gồm xử lý vướng mắc về lao động và đẩy mạnh thông tin truyền thông với chủ đề “Sống an toàn”, “Việt Nam an toàn”, trong đó khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nhiều dự án giao thông quan trọng chuyển sang đầu tư công, có thể chỉ định thầu
Chỉ thị của Thủ tướng cũng nêu rõ nghiên cứu chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định…
(Theo VGP)