+
Aa
-
like
comment

Gói thầu “làm 1 ăn 2” của Nhật Cường và câu hứa danh dự của ông Chung

30/12/2021 13:51

Theo cáo buộc, được cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung “dọn đường” thông thầu, Công ty Nhật Cường dù bỏ dở 55% đầu việc vẫn được thanh toán 100% giá trị hợp đồng, tức gần 60 tỷ đồng.

Tôi lấy danh dự là một con người, thề không giúp đỡ Nhật Cường“, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND Hà Nội, kết lại phần tự bào chữa kéo dài gần 90 phút trong phiên toà chiều 29/12.

Tại phần luận tội sáng cùng ngày, ông Chung bị VKSND Hà Nội đề nghị mức án 3-4 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Dù nói “không quen biết Huy” (Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc công ty Nhật Cường, đang bỏ trốn) lặp lại tới ba lần, nhưng đây đã là vụ án thứ ba ông Chung hầu toà với các sai phạm liên quan Huy và Công ty Nhật Cường.

Vụ án xuất phát từ cuối năm 2015, khi Hà Nội chủ trương số hoá các tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì việc này.

Theo đó, đây sẽ là gói thầu đấu thầu rộng rãi, trong nước, với hai phần việc: scan 14,4 triệu trang tài liệu (đơn giá 1.053 đồng/trang); và đính tài liệu đã scan lên hệ thống đăng ký quốc gia (3.600 đồng/bộ).

Dự toán kinh phí ban đầu 17,1 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 42,9 tỷ đồng, do Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định sử dụng công nghệ scan ưu việt hơn. Đơn giá scan tài liệu, do đó tăng gần 3 lần, từ 1.053 đồng lên 2.850 đồng mỗi trang.

Sự “ưu việt” mẫu chốt của công nghệ scan mới, theo tờ trình tháng 9/2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, là thông tin sau scan sẽ tự động được hiệu đính, tức là tự động soát lỗi và sửa lại cho đúng với bản gốc.
Việc mời thầu sau đó diễn ra suôn sẻ, cho đến lúc 18h58 ngày 15/5/2016, tức một ngày trước thời điểm đóng thầu. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ bất ngờ nhận được điện thoại của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Anh Chung chỉ đạo tôi rất gay gắt, quyết liệt, yêu cầu đình chỉ ngay gói thầu số hóa của sở“, bị cáo Tứ khai về nội dung cuộc gọi kéo dài 52 giây ngày hôm đó. Tám phút sau, theo hồ sơ vụ án, ông Chung thực hiện cuộc gọi thứ 2 cho ông Tứ, thời lượng 65 giây, thông điệp không thay đổi.

Đứng trước bục bị cáo hôm 27/12, ông Tứ phân trần “biết sai, vẫn phải làm”, dù không biết tại sao, tối đó, Chủ tịch Chung đột ngột ép dừng thầu. VKSND Tối cáo trong cáo trạng cũng xác định, 10 phút trước cuộc trò chuyện với ông Tứ, 18h48′ ngày 15/5/2016, ông Chung nhận được một email từ Bùi Quang Huy (Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) với nội dung xin tác động “lùi ngày đóng thầu thêm 2 tuần” để Nhật Cường có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu.

Sự “chỉ đạo quyết liệt” của ông Chung tới giám đốc Tứ, chỉ dừng lại ở cuộc gọi thứ ba, kéo dài 107 giây, vào sáng hôm sau. Khi đó, giữa cuộc họp giao ban của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận cuộc gọi từ ông Chung, ông Tứ lập tức tuyên bố đình chỉ gói thầu.

Ba cuộc gọi của ông Chung chỉ là sự mở đầu cho chuỗi hành vi tích cực “dọn đường”, thông thầu của các cựu lãnh đạo Sở này, với Công ty Nhật Cường, cáo trạng nêu.

Theo cáo buộc, ông Tứ và cấp phó Nguyễn Tiến Học, để Nhật Cường làm thí điểm, đưa thêm các tiêu chí và sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh thầu Nhật Cường – Đông Kinh trúng thầu.

Trong khi đó, thuộc cấp của ông Tứ, bị cáo Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư) khi được giao nhiệm vụ thảo hợp đồng giữa Sở và liên danh nhà thầu, đã “bỏ hẳn hạng mục công việc hiệu đính tài liệu sau khi scan”.

Về lý thuyết, nếu chỉ scan, không hiệu đính, tiền công thanh toán cho việc này chỉ 1.053 đồng/trang, song bà Hường bị cáo buộc “vẫn thảo hợp đồng với đơn giá cao gấp 3 lần, tức 2.849 đồng”.

Ngày 26/12/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư ký Hợp đồng số hoá năm 2016 với liên danh công ty Nhật Cường – Đông Kinh với giá trị gần 43 tỷ đồng, thời gian thực hiện 265 ngày. Song chỉ 14 ngày trước thời hạn phải hoàn thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư bất ngờ ký phụ lục, cho Nhật Cường thêm 65 ngày.

Sau 2 lần gia hạn, vào tháng 11/2017 và tháng 4/2018, thời gian thực hiện hợp đồng đã được nâng từ 265 ngày, lên tới 730 ngày, tức gấp 3 lần. Dù vậy, Nhật Cường vẫn không thể hoàn thành cam kết.

Biên bản nghiệm thu Hợp đồng số hoá năm 2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong tổng hơn 11 triệu trang tài liệu cần đính lên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, hơn 3 triệu trang vẫn chưa được Nhật Cường đụng tới. Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh bị nhà chức trách xác định, mới hoàn tất 55% hợp đồng, nhưng vẫn được Sở Kế hoạch và Đầu tư, thanh toán 100% tiền công, tức gần 43 tỷ đồng.

Những thủ đoạn thao túng đấu thầu tiếp tục lặp lại ở gói thầu số hoá tiếp theo. Tổng hợp hai hợp đồng năm 2016 và 2017, cáo trạng xác định, liên danh nhà thầu Nhật Cường – Đông Kinh mới chỉ hoàn thành 45% công việc, song đã được nhận 100% giá trị hợp đồng, tức 60 tỷ đồng.

Trong hai ngày đầu phiên xét xử, việc Nhật Cường “làm một nửa vẫn được Sở thanh toán 100% giá trị”, liên tục được HĐXX và các công tố viên chất vấn các cựu lãnh đạo đơn vị này..

Trước câu hỏi của công tố viên, “căn cứ cơ sở, cương vị nào mà thanh toán kiểu này?”, bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh) thừa nhận Nhật Cường không làm đúng thoả thuận nhưng bà vẫn quyết toán do “chỉ biết làm đúng như các văn bản và quy định đơn giá”.

“Quá trình thanh toán là theo số liệu thực tế từng phần công việc. Cũng không có cái quy định nào trong hợp đồng yêu cầu phải hoàn thành 100% theo kế hoạch mới được thanh toán, mà theo đơn giá của từng công việc”, bà Tuyến khai và khẳng định các số liệu quyết toán mình phê duyệt “hoàn toàn phù hợp”.

Còn bị cáo Hường cho rằng liên danh nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu hợp đồng song “không phải lỗi của họ”. Việc này do nguyên nhân khách quan, hạ tầng và điều kiện đơn vị tiếp nhận.

“Các tài liệu cần số hoá lúc thì không trùng khớp, lúc thì hạ tầng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đáp ứng được”, bà khai. Bị cáo này thừa nhận có tham giá quá trình thanh toán, ký 2 hồ sơ là nghiệm thu bản scan và ký nháy phiếu phê duyệt thanh toán cho lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, song cũng như đồng phạm, bà Hường cam kết “làm đúng hướng dân, văn bản quy định”.

Đại diện VKS không ý với quan điểm của hai nữ bị cáo, truy vấn: “Bà nói mình làm gì cũng hoàn toàn phù hợp, đúng luật, vậy mà những người không làm vẫn được trả tiền, phần việc chưa xong vẫn được thanh toán. Bà có thấy mình gây thiệt hại cho nhà nước không?”.

Bà Tuyến và bà Hường nằm trong số các bị cáo bị VKS đề nghị mức án cao nhất, 4-6 năm tù, cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong ba ngày diễn ra phiên tòa vừa qua, nhóm bị cáo là cựu lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định không nhận được “hoa hồng, phần trăm” hay bất cứ lợi ích vật chất nào của liên danh nhà thầu Nhật Cường – Đông Kinh trong việc can thiệp đấu thầu trái phép.

Bị cáo Tứ khai: “Ngay lúc chỉ đạo gói thầu, tôi đã đã có ý thức về vấn đề nhạy cảm này. Tôi luôn dặn cấp dưới “phải nhớ doanh nghiệp này (công ty Nhật Cường) là của ai, phải hết sức cẩn thận”.

Song chính ông Tứ, sau đó lập tức thừa nhận được Tổng giám đốc Nhật Cường biếu 300 triệu đồng và một chai rượu Tây, dịp Tết Nguyên Đán 2016. “Tôi nghĩ đó là truyền thống ngày Tết, cũng không biết bên trong có gì, về nhà mở ra mới biết. Nhưng nay, nhìn lại sự việc, tôi mới thấy Nhật Cường không tặng quà biếu vô tư”.

Cựu phó giám đốc Nguyễn Tiến Học cũng khai đã nhận từ Công ty Đông Kinh 100 triệu đồng tiền mặt quà biếu, bà Tuyến nhận 30 triệu đồng, bà Hường nhận rượu và 25 triệu đồng, song bà dùng để mua sắm đồ dùng cho cơ quan.

Với 55% phần việc còn dang dở của hai hợp đồng, tại toà, Đông Kinh nhờ luật sư nộp HĐXX văn bản, xin tiếp tục thực hiện những phần việc còn lại của gói thầu và “không tính phí”.

Trước diễn biến bất ngờ này, UBND Hà Nội và Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thể phản hồi, do cả ba ngày diễn ra phiên toà, người đại diện những đơn vị này đều vắng mặt khi được HĐXX xét hỏi.

Hạnh Nhân

Bài mới
Đọc nhiều