+
Aa
-
like
comment

Gọi tên bệnh viện 6000 tỷ vắng bệnh nhân

21/04/2021 07:51

Trong khi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 1 quá tải, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 có ngày chỉ tiếp nhận vài chục bệnh nhân đến khám.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2.

Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 – nơi được đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, có rất ít bệnh nhân đến khám. Lúc 9h30 sáng ngày 16/4, tại khu tiếp nhận bệnh chỉ có vài bệnh nhân đến khám.

Chưa giảm tải được cho cơ sở 1

Chị H.T.D. (32 tuổi, ngụ ở Dĩ An, Bình Dương) ngồi chờ khám, kể chị bị ung thư tuyến giáp nên đến đây tái khám định kỳ. Trước đây chị khám và điều trị tại cơ sở 1 nhưng từ khi cơ sở 2 đi vào hoạt động, chị chuyển sang cơ sở 2 tái khám.

So với cơ sở 1, chị thấy khám ở đây rộng rãi, sạch đẹp, đặc biệt gần như không phải đợi. Chỉ cần đóng tiền khám 39.000 đồng là được vào phòng bệnh khám ngay. Giá khám bệnh cũng giống như ở cơ sở 1.

Chị D. cũng không hiểu sao nơi đây khám bệnh nhanh hơn nhiều, bệnh viện to đẹp hơn nhiều nhưng lại rất ít bệnh nhân đến khám.

Một công trình khang trang thế này thì không thể lãng phí được.

Ông Lê Anh Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết từ ngày 12-10-2020, khối phòng khám của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động nhằm giảm tải bệnh nhân tại cơ sở 1 và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh.

Thế nhưng, hiện nay mỗi ngày tại cơ sở 2 chỉ có khoảng 80 bệnh nhân đến khám, chưa triển khai nội trú. Trong khi đó, tại cơ sở 1 của bệnh viện trung bình hằng ngày có gần 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và 650 – 700 bệnh nhân nội trú.

Theo thiết kế, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị để đáp ứng 4.000 – 5.000 bệnh nhân đến khám, 1.000 bệnh nhân đến điều trị nội trú mỗi ngày.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu có quy mô 1.000 giường bệnh. Bác sĩ Anh Tuấn cũng thừa nhận với số lượng bệnh nhân đến cơ sở 2 khám như hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng giảm tải cho cơ sở 1.

Sao nhiều bệnh nhân chưa đến khám?

Lý do nhiều bệnh nhân chưa đến khám? Theo bác sĩ Anh Tuấn, thông báo của chủ đầu tư là cho đến nay Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục giám định) về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng vẫn còn giữ ý kiến “toàn bộ công trình (không bao gồm hạng mục phòng khám đa khoa – tầng 1, tầng 2, tầng 3 thuộc khối nhà chính của công trình) vẫn chưa đủ điều kiện đưa vào sử dụng”.

Do đó, hiện tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 vẫn chỉ giới hạn hoạt động ở khối phòng khám tầng 1, tầng 2, khoa cấp cứu, nhà thuốc bệnh viện và một phần của các khoa xét nghiệm, giải phẫu bệnh, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh.

Từ khi chuẩn bị đưa khối phòng vào hoạt động từ tháng 10-2020, Bệnh viện Ung bướu đã khẩn trương chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Tuy nhiên, do cơ sở 2 chưa thể đưa vào hoạt động một cách đồng bộ như đã nêu trên, nên hiện tại vẫn chưa có kế hoạch đẩy mạnh truyền thông đến người dân.

Dù vậy, bệnh viện cũng luôn ở tư thế sẵn sàng, để khi được nhận bàn giao thêm hạng mục từ chủ đầu tư sẽ triển khai ngay các hoạt động khám, điều trị tương ứng để phục vụ bệnh nhân.

Theo định hướng UBND TP.HCM và Sở Y tế TP.HCM, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu sẽ là cơ sở chính khám, chẩn đoán và điều trị tất cả các mặt bệnh trong lĩnh vực ung bướu. Khu số 3 Nơ Trang Long sẽ được xây mới lại và cơ sở 1 sẽ được phát triển thành hai trung tâm chuyên sâu: một là trung tâm khám và điều trị ban ngày trong lĩnh vực ung bướu, hai là trung tâm tầm soát bệnh tật bằng công nghệ cao.

Thùy Dương

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều