+
Aa
-
like
comment

Gọi áo dài, nón lá Việt Nam là ‘phong cách Trung Quốc’, họ có âm mưu gì?

Phạm Minh Hà - 22/11/2019 15:24

Áo dài từ lâu được xem là trang phục truyền thống của Việt Nam và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Thế nhưng mới đây, trên mạng xã hội lại lan truyền bài viết của tờ China Daily đăng tải các thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam đi kèm nón lá, mấn đội đầu và gọi đó là ‘phong cách Trung Quốc’ khiến nhiều người phẫn nộ.

Đây phải chăng là một dạng “đường lưỡi bò” tinh vi hơn

Chiều nay, 21-11, mạng xã hội lan truyền một đường link bài báo China Daily đăng ngày 26-10-2018, trong đó có rất nhiều hình ảnh người mẫu mặc các trang phục có thiết kế giống hệt áo dài và nón lá của Việt Nam với tiêu đề Chinese style delights China S/S Fashion Week – Phong cách Trung Quốc làm tỏa sáng thời trang Trung Quốc.

BST của thương hiệu Ne-Tiger được giới thiệu trong khuôn khổ ‘Tuần lễ Thời trang Trung Quốc Xuân – Hè 2019’ có hàng loạt thiết kế giống hệt áo dài Việt Nam nhưng được gọi là ‘phong cách Trung Quốc’. Những thiết kế này nằm trong bộ sưu tập của thương hiệu Ne-Tiger được giới thiệu tại Bắc Kinh vào tháng 10/2018. NE Tiger được thành lập bởi Zhang Zhifeng (hay còn gọi là Tiger Zhang) vào năm 1982. Đây là một trong những thương hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu của Trung Quốc.

Các người mẫu trình diễn trang phục giống hệt áo dài Việt Nam.

Tận dụng văn hóa và di sản Trung Quốc, thương hiệu này là sự kết hợp giữa hiện đại và cổ điển, hội tụ giữa Trung quốc và phương Tây, cũng như hướng tới sự hồi sinh của văn hóa thượng lưu Trung Quốc và sự xuất hiện của thương hiệu cao cấp Trung Quốc.

Ngoài áo dài, một số vật dụng khác như: nón lá, mấn, guốc mộc… mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam cũng được sử dụng trong bộ sưu tập và chú thích “phong cách Trung Quốc” khiến nhiều người Việt không chỉ phẫn nộ mà còn lo lắng. Đặc biệt, họa tiết, cách may từ kiểu dáng đến phối hợp đều giống với áo dài của Việt Nam.

Được biết, người sáng lập ra thương hiệu Ne Tiger là Trương Chi Phong. Ông ta cho biết rằng khi tạo ra bộ sưu tập này đã nhấn mạnh đến sự kiêu sa và phẩm giá của trang phục Trung Quốc. Trương Chí Phong cho biết ông ta lấy cảm hứng từ sườn xám thời nhà Thanh và trang phục thời nhà Minh để tạo nên bộ sưu tập trình diễn lần này.

Đài CGTN (Trung Quốc) dẫn lời ông Zhang Zhifeng, nhà sáng lập thương hiệu Ne Tiger, tuyên bố “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.

Ông này cũng nói “Trong khi vẫn bảo lưu truyền thống, tôi cũng đã luôn chú ý tới việc hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây để được người tiêu dùng chấp nhận trên toàn thế giới”.

Chưa rõ cái ý “đan quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu gần đây” của người sáng lập thương hiệu thời trang nội Ne Tiger của Trung Quốc có bao hàm việc bắt chước, sao chép quốc phục của một nước khác hay không, nhưng nhìn vào những hình ảnh trang phục được nhà thiết kế này gọi là “sản phẩm sáng tạo” của ông, ai cũng có thể cảm nhận điều đó.

Nhiều người Việt bày tỏ bức xúc trên mạng xã hội về bộ sưu tập mà Ne·Tiger tuyên bố là “sự sáng tạo của họ” với áo dài. Rất nhiều người cho rằng nhãn hiệu thời trang Trung Quốc đã cố tình chơi trò “đánh lận con đen”, sao chép thiết kết mẫu áo dài truyền thống của Việt Nam rồi gọi là sáng tạo, cách tân.

Không ít ý kiến trên các diễn đàn mạng cáo buộc, động thái của Ne·Tiger với áo dài, quốc phục của Việt Nam, chẳng khác nào một âm mưu “đường lưỡi bò” thứ hai trong lĩnh vực văn hóa và thời trang của người Trung Quốc.
Chiếc áo dài Việt Nam bỗng dưng được giới thiệu là thành quả sáng tạo của giới thiết kế Trung Quốc. Tờ China Daily cũng liên tục công bố những “giá trị văn hóa” này, với mục đích khẳng định chiếc áo dài thuộc về người Trung Quốc. Đây là một dạng “đường lưỡi bò” tinh vi hơn chăng? Thực địa hay quần đảo bị chiếm hữu có thể giành lại, còn văn hóa bị lấy đi thì sẽ mất mãi mãi.

Người Việt cần cảnh giác và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ văn hóa Việt

Chiếc áo dài Việt Nam xuất hiện ở Việt Nam từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đến năm 1934, họa sĩ Nguyễn Cát Tường thiết kế nên kiểu dáng “tân thời” như ngày nay. Thế nhưng, nếu chúng ta không cẩn thận, thì Trung Quốc vẫn thừa khả năng (cả về tài lực, nhân lực, vật lực lẫn… quyền lực) để tạo dựng những chứng cứ lịch sử khác, mà tước đoạt bản quyền chiếc áo dài của Việt Nam.

Kèm theo sự lan tỏa của bài báo là sự phẫn nộ của cộng động mạng cho rằng Trung Quốc âm mưu chiếm đoạt chiếc áo dài, nón lá quen thuộc, mang tính dân tộc của người Việt thành của mình. Nhiều ý kiến đã kêu gọi các nghệ sĩ Việt Nam lên tiếng phản đối điều này.

Làm sao để bảo vệ chiếc áo dài Việt Nam? Nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng khẩn thiết mong Chính phủ và Quốc hội nhanh chóng hoàn tất các điều kiện cần thiết để công nhận chiếc áo dài là Quốc Phục của Việt Nam.

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã đưa ý kiến: “Năm 2008, tôi và nhà báo Nguyễn Thế Thanh lúc đó đang là Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã đến Bảo tàng Kimono ở Tokyo, Nhật Bản. Tại đây, trong Triển lãm ngàn năm Trung Quốc, ở tủ trang phục của họ, chúng tôi phát hiện ra một chiếc áo dài màu xanh ngọc, đi kèm guốc mộc và nón lá của Việt Nam nhưng lại được chú thích là “Trang phục hiện đại Trung Quốc”. Chúng tôi đã vô cùng tức giận về điều đó. Theo tôi, chúng ta có 54 dân tộc với trang phục truyền thống của nhiều dân tộc. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Kinh, vậy nên nếu họ có âm mưu khuyếch trương chiếc áo dài, nón lá của người Việt mình, biến nó thành của họ là trong tầm tay.

Thế nên, khi trở về nước, tôi luôn cảnh báo về điều này từ hơn 10 năm qua, luôn nhắc về câu chuyện này trong rất nhiều buổi nói chuyện về áo dài của tôi ở khắp các nơi nhưng có vẻ cảnh báo này không được chú ý đến. Và đến nay, dường như nó đã thành sự thật. Tôi luôn nhấn mạnh với các em trẻ, các em học sinh sinh viên rằng việc mặc áo dài không phải chỉ là đẹp hay xấu, mà nó còn là trách nhiệm công dân về ý thức dân tộc. Mỗi người hãy xem lại trong tủ đồ của mình có chiếc áo dài chưa, bản thân mình đã từng mặc áo dài chưa.

Bản thân tôi sau phát hiện năm 2008, trở về nước cũng nhanh chóng có hành động, cố gắng thành lập Bảo tàng Áo dài một cách nhanh nhất, tất cả tên miền có tên bảo tàng áo dài tôi đều mua hết. Và tôi đã ra mắt được Bảo tàng áo dài của mình vào năm 2012”.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng chiếc áo dài hiện đại của người Việt xuất phát từ chiếc sườn xám của Trung Quốc, nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhấn mạnh: “Áo dài là áo dài, sườn xám là sườn xám, hai trang phục này không liên quan gì đến nhau. Lịch sử chiếc áo dài rất rõ ràng, bao nhiêu là bài viết của các nhà nghiên cứu có đầy trên Google, chỉ cần ai muốn tìm hiểu gõ vào là sẽ biết được”.

Được biết, hiện tại Trung Quốc, trong vài năm trở lại đây, việc gọi chiếc áo dài với thiết kế, kiểu dáng hoàn toàn quen thuộc của Việt Nam là sườn xám cách tân khá phổ biến. Những chiếc áo dài bị tráo danh là sườn xám cách tân cũng được mua bán phổ biến tại Trung Quốc. Vậy nên, đã đến lúc cộng đồng xã hội người Việt cần cảnh giác và lên tiếng mạnh mẽ về điều này.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều