+
Aa
-
like
comment

Giữa lúc rối ren, Nga tung đòn giáng bất ngờ, châu Âu ngơ ngác “như con ếch trong nồi nước sôi”?

26/08/2021 14:45

“Châu Âu sẽ giống như một con ếch trong nồi nước sôi, không hề biết rằng mình đang gặp rắc rối cho tới khi quá muộn” – Nhà phân tích Kristine Berzina nhận định.

Trong bối cảnh cả thế giới đang hướng về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan thì tại châu Âu, một làn sóng lo ngại đang dấy lên sau khi ICIS, một dịch vụ tình báo hàng hóa độc lập, gần đây ghi nhận, Nga đã giảm công suất bơm khí đốt tự nhiên sang châu Âu trong những tuần gần đây.

Điều này dẫn tới nhiều câu hỏi về nguyên nhân tiềm ẩn đằng sau sự sụt giảm này và tác động của nó đối với thị trường khí đốt toàn cầu.

Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tìm cách xoa dịu những lo ngại lâu nay về chương trình Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 sắp hoàn thành, đồng thời tuyên bố các biện pháp trừng phạt nặng hơn nữa có thể được áp đặt nếu Moscow sử dụng khí đốt làm “vũ khí”.

Dự án gây tranh cãi này được thiết kế để chuyển trực tiếp khí đốt của Nga đến Đức qua biển Baltic. Những người chỉ trích dự án Nord Stream 2 cho rằng đường ống này không tương thích với các mục tiêu khí hậu của châu Âu, làm tăng sự phụ thuộc của khu vực này vào nguồn xuất khẩu năng lượng từ Nga, và rất có thể sẽ củng cố ảnh hưởng kinh tế-chính trị của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với châu Âu.

CHUYỆN GÌ ĐANG DIỄN RA?

Theo ICIS, tuyến tại điểm cực tây của đường ống Yamal – một đường ống có tầm quan trọng chiến lược dài 2.000km chạy qua 4 quốc gia Nga, Belarus, Ba Lan và Đức – đã giảm khối lượng khí đốt xuống 20 triệu m3 mỗi ngày vào giữa tháng 8. Con số này đã giảm từ 49 m3/ngày vào cuối tháng 7, và giảm mạnh so với mức thông thường là 81 m3/ngày.

Chưa hết, khối lượng khí đốt tự nhiên từ Nga cung cấp sang châu Âu dự kiến sẽ còn giảm mạnh hơn nữa vào tháng 9.

Tom Marzec-Manser, nhà phân tích khí đốt châu Âu hàng đầu tại ICIS, cho rằng để Nga có thể chuyển khí đốt qua các quốc gia trong cộng đồng năng lượng, chẳng hạn như Ukraine, thì Moscow trước tiên phải mua quyền tiếp cận đường ống, giống như “một con đường thu phí”.

Tuyến Nord Stream 1 là một lựa chọn, mặc dù tuyến này đã thuộc sở hữu của Gazprom, “ông trùm” khí đốt do nhà nước Nga quản lý, và đang hoạt động hết công suất.

Giữa lúc rối ren, Nga tung đòn giáng bất ngờ, châu Âu ngơ ngác như con ếch trong nồi nước sôi? - Ảnh 2.
Một trạm nén khí của đường ống Yamal-châu Âu tại Ba Lan. Ảnh: Foreign Affairs

Đường ống Yamal là tuyến đường chính thứ hai và cho đến cuối tháng 7, nó đã bơm gần hết công suất như dự kiến.

“Thứ ba, họ có tuyến đường Ukraine nhưng rõ ràng là nó đi kèm với rất nhiều ràng buộc chính trị”, ông Marzec-Manser cho hay, “Đó là cách duy nhất để vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu với khối lượng lớn”.

Theo ông Marzec-Manser, Gazprom thường sử dụng hết công suất đường ống EU đã đặt trước của mình, nhưng sự sụt giảm khối lượng khí đốt bất ngờ vào cuối tháng 7 dọc theo đường ống Yamal “đã ngay lập tức cho thấy có điều gì đó không ổn”.

Dòng khí đốt tới châu Âu lại sụt giảm thêm lần nữa sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy ngưng tụ khí đốt ở thành phố Novy Urengoy của Siberia.

NGA SỬ DỤNG KHÍ ĐỐT NHƯ VŨ KHÍ?

Dù Nga đã tuyên bố sẽ không bao giờ sử dụng năng lượng như là một công cụ để gây sức ép chính trị lên các nước nhưng vẫn còn những đồn đoán xung quanh vấn đề này.

Giới chức Mỹ dưới hai thời chính quyền gần đây đều lên tiếng phản đối dự án Nord Stream 2, vì lo sợ tuyến đường ống này sẽ gia tăng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của Nga trên toàn châu Âu, khiến nhiều nước tại châu lục phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga, tạo điều kiện để Moskva gây sức ép với đồng minh của Mỹ.

Gần đây, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố Ukraine coi dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu là một “vũ khí địa chính trị nguy hiểm”.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã đưa ra nhận định trên ngày 22/8 trong cuộc họp báo chung ở Kiev với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Giữa lúc rối ren, Nga tung đòn giáng bất ngờ, châu Âu ngơ ngác như con ếch trong nồi nước sôi? - Ảnh 3.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho rằng đường ống Nord Stream 2 là “vũ khí địa chính trị nguy hiểm” của Nga. Ảnh: Financial Times

Đường ống dẫn khí trị giá 12 tỷ USD dưới Biển Baltic dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên vận chuyển từ Nga sang Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đáng nói, đường ống này sẽ không đi qua Ukraine, vì thế khiến Kiev mất đi doanh thu từ nguồn phí trung chuyển khí đốt.

Tổng thống Zelensky nhận định, Ukraine sẽ phải hứng chịu những rủi ro lớn sau khi đường ống này hoàn thành, đồng thời cho rằng dự án trên cũng tạo ra mối nguy hiểm “cho toàn bộ châu Âu”.

Đường ống này “sẽ chỉ làm lợi cho Liên bang Nga”, ông Zelensky đánh giá.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel cho biết, Berlin “hiểu những lo ngại to lớn mà Tổng thống Zelensky bày tỏ và sẽ xem xét việc này một cách vô cùng nghiêm túc”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức tin rằng “khí đốt sẽ không được sử dụng như một vũ khí địa chính trị”, bởi thỏa thuận gần đây giữa Đức và Mỹ ghi rõ “các biện pháp trừng phạt” sẽ được thực hiện nếu điều đó xảy ra.

Thỏa thuận này cũng bao gồm cam kết sẽ giúp Ukraine tiếp tục nhận được phí trung chuyển khi Nord Stream 2 đi vào vận hành. Song, người đứng đầu công ty năng lượng nhà nước của Ukraine Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko nhận định với Reuters hồi tháng trước rằng ông không nghĩ Nga sẽ tiếp tục trung chuyển khí đốt qua Ukraine sau năm 2024.

NGUYÊN NHÂN VẬT LÝ?

Các nhà quan sát bên ngoài đang theo dõi chặt chẽ các cuộc đấu giá công suất qua tuyến Ukraine (được tổ chức hàng tháng). Những cuộc đấu giá này được xem như tín hiệu quan trọng về khối lượng khí đốt được bơm sắp tới vì chúng diễn ra từ 2-3 tuần trước tháng mà khí đốt bắt đầu được bơm vào.

Mỗi chuỗi các lần vắng mặt của Gazprom trong những phiên đấu giá công suất khiến một số nhà phân tích đang đặt ra hai khả năng: Thứ nhất, thay vì không sẵn lòng cung cấp, Gazprom thực chất không có khả năng cung cấp khối lượng lớn khí đốt. Thứ hai (mặc dù khả năng thấp hơn), Gazprom tin rằng Nord Stream 2 sẽ sớm đi vào hoạt động hoàn toàn nên tập đoàn này nhận thấy không cần tham gia các cuộc đấu giá công suất bổ sung nữa.

Giữa lúc rối ren, Nga tung đòn giáng bất ngờ, châu Âu ngơ ngác như con ếch trong nồi nước sôi? - Ảnh 4.
Các công nhân tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2, gần thị trấn Kingisepp, vùng Leningrad, Nga, ngày 5/6/2019. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Valentina Bonetti, nhà phân tích khí đốt cấp cao của EMEA tại S&P Global Platts, nói với hãng tin CNBC rằng, công ty này đánh giá sự sụt giảm gần đây của dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu “là do hậu quả của một vấn đề vật lý ở thượng nguồn”, vì thế sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để quay trở lại khối lượng bơm ban đầu.

“Gazprom từ lâu đã tự hào rằng họ là nhà cung cấp rất đáng tin cậy và nhanh chóng trong việc khôi phục nguồn cung sau các sự cố” – Bà Bonetti nói.

Tuy nhiên, bà cho rằng việc xoay trục gần đây của công ty sang “chiến lược đề cao giá trị hơn khối lượng” cũng đã gây áp lực lên EU để buộc khối này cho phép Nord Stream 2 khởi động suôn sẻ.

S&P Global Platts tin rằng lượng cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu sẽ phục hồi dần trong những tuần tới và dự kiến hoạt động của Nord Stream sẽ bắt đầu vào tháng 10, các hành động và tuyên bố gần đây của Gazprom dường như xác nhận một sự khởi đầu tương đối sắp diễn ra.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều