+
Aa
-
like
comment

Giữ vững ‘phòng tuyến’ cách ly xã hội

12/04/2020 12:25

Cùng với cả nước, nhiều bạn trẻ hơn 10 ngày qua đã nghiêm túc thực hiện việc cách ly xã hội và quyết tâm thực hiện đến cùng để góp một tay phòng ngừa dịch bệnh.

Giữ vững phòng tuyến cách ly xã hội - Ảnh 1.
Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) căng dây các ghế ngồi để giữ khoảng cách an toàn giữa các bệnh nhân – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hơn 10 ngày qua họ đã làm được gì, rút tỉa được gì cho cuộc sống của bản thân trong mối tương quan với cộng đồng?

Nguyễn Trọng Hoàng Nam (thạc sĩ chính sách công ĐH Bristol, Anh, thành viên Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu): Nhìn lại bản thân

Tôi cảm nhận được một điều là bản thân khá may mắn khi về Việt Nam kịp lúc. Do có thời gian du học xa nhà và là “chân đi”, việc cách ly xã hội giúp tôi có thêm thời gian để trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ từ cha mẹ, cùng mọi người làm bếp và dọn dẹp nhà cửa… dù phải thừa nhận rằng có đôi chút bất tiện khi không gian sinh hoạt giờ chỉ gói gọn trong gia đình.

Trong những ngày qua, tôi tranh thủ học một khóa học ngắn để tìm hiểu bản thân. Việc không được ra ngoài cũng là cơ hội chúng ta có thêm thời gian nhìn lại bản thân, từ điểm mạnh và điểm yếu, chất lượng các mối quan hệ xã hội…

Thật sự trước đó có những lúc tôi không ngừng tự hỏi sao mình cứ bị “vận đen” kéo đến, nhưng hiện tôi nghiền ngẫm và nhận ra thực chất bản thân may mắn hơn bao người, từ đó mở lòng hơn với những trải nghiệm trong cuộc sống.

Nếu chẳng may việc cách ly phải kéo dài hơn, tôi sẽ hoàn toàn ủng hộ. Chúng ta phải tin vào tầm nhìn của những người đưa ra chính sách ở tầm vĩ mô.

Mai Lan Vân (29 tuổi, giám đốc tiếp thị VinID): Có nhiều thời gian hơn cho con và những phận nghèo

Thực sự khi nghe chữ “cách ly xã hội” lần đầu tiên, bản thân tôi khá hoang mang, nhưng cách ly không phải là “phong tỏa thành phố” nên tôi vẫn có thể đến công ty làm việc bình thường. Khi có nhiều thời gian trống hơn, nhiều bạn đoàn viên trẻ nơi tôi làm đã tình nguyện chung tay cùng công ty tổ chức, tham gia các hoạt động ý nghĩa như tặng nhiều phần quà là nhu yếu phẩm cho người lao động nghèo trên địa bàn Hà Nội.

Thực sự phải nói rằng thời gian qua với tôi là một dịp rất đáng quý. Ngày thường tôi vẫn luôn cố gắng dành thời gian cho con nhưng phải đến giai đoạn này, tôi mới có thể cùng con xem trọn vẹn một bộ phim, dạy học cho con hay thậm chí tâm sự cùng con.

Tôi nhớ có lần bé thủ thỉ: “Con muốn mẹ lúc nào cũng luôn dành thời gian cho con nhiều như thế này!”, câu nói đó khiến tôi vô cùng cảm động. Có thể nói nhờ khoảng thời gian này tôi cảm thấy rằng gia đình nhỏ của mình đã gắn kết nhiều hơn, yêu thương nhau hơn…

Tâm Bùi (một blogger du lịch): Ba việc làm mỗi ngày của tôi

Công việc của tôi là chụp ảnh và đi du lịch thường xuyên, nhưng ngay sau khi biết thông tin về dịch bệnh, tôi đã hủy hết các chuyến đi từ tháng 1 đến tháng 9-2020. Học online, viết lách và thiền là 3 công việc chính mà tôi làm mỗi ngày.

Giữ vững phòng tuyến cách ly xã hội - Ảnh 2.
Những ngày qua, mỗi ngày của Tâm Bùi là học online, thiền và viết sách – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi lần đi chợ tôi mua đủ dùng trong ba ngày tiếp theo. Buổi sáng, tôi dành thời gian lo cho việc ăn uống của cả ngày, nấu ăn, vệ sinh lại nhà cửa. Khoảng 10h thì ngồi vào bàn làm việc, trả lời email hết cho các đối tác. Buổi chiều tôi bắt đầu dành thời gian học online.

Một ngày tôi cũng dành khoảng 1 giờ cho viết lách, tranh thủ hoàn thành quyển sách du ký mà tôi đã chuẩn bị tư liệu liên tục trong 2 năm vừa rồi.

Buổi tối tôi không làm việc mà thường xem một bộ phim hoặc đọc sách và dành 1 tiếng trước khi ngủ để ngồi thiền.

Ngoài ra, tôi tích cực tham gia các hoạt động xã hội phòng chống dịch như đóng góp hiện kim, tặng thực phẩm cho người khó khăn… hay đơn giản là viết bài chia sẻ cách làm việc ở nhà hiệu quả, cách ăn uống, vận động để tăng cường hệ miễn dịch…

Lê Thanh (26 tuổi, nhân viên văn phòng): Thực hiện nghiêm để cuộc sống nhanh trở lại bình thường

Hơn 10 ngày qua tôi chỉ bước chân ra ngoài mỗi ngày hai lần là đi đổ rác và lấy đồ ăn. Lần duy nhất tôi chạy xe ra ngoài là lên công ty chép tài liệu về để chuẩn bị cho hai tuần làm việc từ xa.

Bình thường tôi cũng hay ra ngoài tụ tập bạn bè cà phê, ăn uống, rủ nhau leo núi, đi chơi xa. Lần này đón sinh nhật ngay trong thời gian cách ly cũng hơi buồn. Nhưng bây giờ đâu thể nói chỉ ở nhà thì cô độc. Chúng ta có đủ thứ để tương tác với mọi người mà.

Lúc có thông tin cách ly xã hội, ông bà và mẹ cũng bảo chạy xe máy về Bình Phước nhưng tôi nghĩ thôi ở đâu ở yên đó, hai tuần cách ly chứ cũng đâu có dài lắm. Công ty đã giảm 50% lương, hiện tại thì vẫn ổn nhưng nếu dịch bệnh kéo dài quá thì sẽ không thể trang trải được cuộc sống nên chỉ mong mọi người cùng thực hiện cách ly nghiêm túc để mọi thứ sớm trở lại bình thường.

Giữ vững phòng tuyến cách ly xã hội - Ảnh 3.
Lê Thanh chỉ ra ngoài duy nhất một lần để lên công ty chép dữ liệu – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thân Hà Ngọc Duyên (25 tuổi, tác giả cuốn sách Bước ngưỡng vọng, hiện sống tại Singapore): Tìm lại sự bình an

Một đất nước luôn tất bật, sôi động với nhịp sống công nghiệp xoay chuyển liên tục như Singapore, giờ bỗng thinh lặng đến khó tin. Không thể trở về VN lúc này, tôi bắt đầu học cách bình thản chấp nhận những gì sẽ đến với mình bằng một tâm thế lạc quan nhất.

Chưa bao giờ tôi thấy mình được sống chậm như lúc này. Tôi đã dậy sớm hơn cả những ngày bình thường phải đi học hay đi làm để đón ánh nắng ban mai. Trong suốt nhiều năm qua, giờ đây tôi mới có thể tận hưởng bình minh một cách trọn vẹn đến thế.

Lựa chọn một bộ váy thật xinh xắn, trang điểm và làm tóc nhẹ nhàng, ngắm một cái cây non đang đâm chồi ra lá, nấu cho bản thân một bữa ăn ngon. Thời gian sống chậm giúp tôi nhận ra sau tất cả, người mà tôi nên cảm ơn nhiều nhất vẫn chính là bản thân mình.

Tôi viết thật nhiều lá thư tay thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với những người mình yêu thương. Dù năm tháng có qua đi, những mối nhân duyên tươi đẹp trong đời, tình thân, tình người, tình bạn sẽ vẫn còn mãi trong tim.

Việc đi du học, áp lực công việc hay quá trình đuổi theo những thứ không nằm trong tầm kiểm soát đã khiến tôi quên mất ước mơ đơn thuần từ bé của mình, đó là dự án sách dành cho thiếu nhi. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để quay trở về với chính mình, nuôi dưỡng những điều giản đơn và tìm lại bình an trong tâm hồn.

Giữ vững phòng tuyến cách ly xã hội - Ảnh 4.
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, anh Đắc Lộc (quận 10, TP.HCM) ở nhà sửa chữa, vệ sinh những món đồ điện gia dụng như quạt, máy rửa chén, lò vi sóng… vừa giúp vợ đỡ mất tiền gọi thợ vừa tận dụng thời gian rảnh làm việc nhà – Ảnh: NVCC

Nguyễn Quang Phú (31 tuổi, giám đốc nghệ thuật một công ty tại TP.HCM): Mỗi người nỗ lực một chút

Cảm giác “ai ở đâu ngồi yên đó” trong thời điểm dịch bệnh làm tôi cảm thấy an toàn và thoải mái hơn. Điều tôi cảm thấy trân trọng, đó chính là cách Nhà nước quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh. Ở góc độ cá nhân, dịch bệnh này tình cờ buộc tôi và cả nhà phải dành toàn thời gian bên nhau, điều mà từ lúc ra trường đi làm, tôi đã không làm được.

Ở nhà nhưng vẫn phải làm việc khá nhiều nên tôi cũng không có cảm giác buồn chán. Những lúc hết việc, tôi có khá nhiều cách để giải trí như chơi game, xem phim bộ online, dùng các ứng dụng ca hát hoặc quay video vui nhộn… Tôi cũng có những hội bạn mà tối nào cũng điện video để nói chuyện phiếm… Mỗi người nỗ lực một chút thì hi vọng kết thúc có hậu là điều không xa.

Vụ Phương Thanh (cô gái châu Á đầu tiên chạy qua bốn sa mạc khắc nghiệt: Sahara, Gobi, Atacama, Nam cực): Bỏ qua những ưu tiên cá nhân, hướng đến giá trị cộng đồng

Tôi vừa trải qua thời gian cách ly tập trung tại ĐH Quốc gia TP.HCM và nay tiếp tục thời gian cách ly xã hội.

Buổi sáng ngày cách ly đầu tiên, từ bancông tầng 7, tôi nhìn xuống và thấy trên sàn bêtông trong khuôn viên là các dân quân, điều trị viên, tình nguyện viên đang tranh thủ cho mình một giấc ngủ chóng vánh trước khi các đoàn cách ly mới lại ập tới (Thanh là người đã chụp những bức ảnh dân quân nằm ngủ tại khu cách ly gây xúc động trên mạng – PV). Đoàn của tôi đến vào khoảng 1h30 sáng nhưng cũng chưa phải là đoàn cuối cùng. Nhìn những con người chìm trong sự mệt mỏi, nỗ lực, đó là khoảnh khắc tôi thay đổi được cách nhìn của mình.

Có lẽ việc cách ly 14 ngày tại khu cách ly tập trung không phải là thách thức mà tôi lựa chọn, nhưng đó vẫn là một nhiệm vụ. Trong đại dịch này, có những người trực tiếp tham gia phòng dịch với những nhiệm vụ rất đòi hỏi. Nhiệm vụ của tôi là dễ nhất. Và đã là nhiệm vụ thì không thể không làm.

Điều duy nhất mà tôi có thể thay đổi là thái độ trong khi thi hành nhiệm vụ. Tôi có thể giống họ, không nề hà mệt mỏi để thực hiện nó được một cách tốt nhất hoặc tôi có thể gói mình trong than phiền. Sáng hôm đó là khoảnh khắc tôi lựa chọn nhìn việc cách ly như nhiệm vụ của công dân của mình và muốn hoàn thành nó trọn vẹn.

14 ngày tiếp theo là những ngày trôi qua khá nhanh. Hằng sáng tôi đều được ngắm mặt trời mọc và dành thời gian cho riêng mình. Tôi vẫn làm được những gì mình thích như chạy, tập thể thao lòng vòng trong sân bóng mặc dù hạn chế tiếp xúc hay lại gần ai.

Tôi cũng khám phá ra rằng tôi cũng có thể thư giãn bằng việc quét sàn, lau chùi… những việc mà trước đây tôi đều tránh né dưới lý do bận rộn.

Giá trị lớn nhất mà tôi nghiệm ra được trong những ngày này là đôi khi chúng ta cần để lại những ưu tiên cá nhân đằng sau những gì cộng đồng chung đang cần. Vì dù sao chúng ta không bao giờ chỉ có một mình.

CÔNG NHẬT – VŨ THỦY – NGỌC HIỂN/TT

Bài mới
Đọc nhiều