+
Aa
-
like
comment

Giữ vững lời thề

02/09/2020 06:56

Trung tướng Phạm Hồng Cư là nhân chứng lịch sử hiếm khi từng tuyên thệ “Lời thề Độc lập” trong ngày thành lập nước 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đến nay, đã 75 năm trôi qua, nhưng ký ức về “Lời thề Độc lập” năm xưa và cuộc chiến đấu 30 năm sau đó để giữ vững lời thề độc lập ấy luôn lắng đọng trong tâm vị tướng trận mạc thuở nào…

Tham gia bảo vệ Lễ đài Tuyên ngôn Ðộc lập

Nay đã ở tuổi 94 nhưng trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.Khi tôi đề nghị được nghe về việc ông từng tham dự lễ Tuyên ngôn Độc lập năm xưa, vị tướng trận mạc bồi hồi nhớ lại thời tuổi trẻ của mình. Trung tướng cho biết, ngày đó, khi 19 tuổi, ông đã tham gia Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền tại Hà Nội.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Đội Tự vệ chiến đấu, cứu quốc thành Hoàng Diệu, với nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng và Mặt trận Việt Minh cấp Trung ương.“Khi đó, Đội Tự vệ chiến đấu, cứu quốc thành Hoàng Diệu được chia thành hai trung đội.Tôi thuộc trung đội Hà Huy Tập, đơn vị còn lại là trung đội Tô Hiệu”- Trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết.

Ít lâu sau, Đội Tự vệ chiến đấu, cứu quốc thành Hoàng Diệu nhận lệnh đến bảo vệ Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình. Trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết, ngày ấy, công tác bảo vệ an toàn cho lễ đài Độc lập được tổ chức rất chặt chẽ, do ba lực lượng tham gia. Sở Liêm phóng Bắc Bộ (tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân) được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ lâm thời.Đội Tự vệ chiến đấu, cứu quốc thành Hoàng Diệu được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn nơi diễn ra Lễ đài Độc lập. Đơn vị Giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội được phân công bảo vệ trực tiếp lễ đài.

Giữ vững lời thề - ảnh 1
Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập và lực lượng đứng bảo vệ dưới lễ đài. Ảnh: T.L 

Trung tướng Phạm Hồng Cư nhớ lại, chiều 2/9/1945, trời thu Hà Nội ngập tràn ánh nắng với rừng cờ đỏ sao vàng. Các phố của Thủ đô rực rỡ cờ hoa, giăng đầy những biểu ngữ như “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Độc lập hay là chết”…

Tại Quảng trường Ba Đình khi ấy, ngoài lực lượng bảo vệ còn có đầy đủ các thành phần, tầng lớp xã hội tham dự mít tinh. Thanh niên cứu quốc mặc áo sơ mi cộc tay, quần ngắn. Phụ nữ cứu quốc mặc áo dài.Công nhân cứu quốc mặc đồng phục quần xanh, áo trắng.Dân quân ngoại thành mặc áo nâu, thắt lưng chẽn.Phụ nữ nông thôn vấn tóc, mặc áo tứ thân. Các cháu thiếu nhi nhảy múa theo nhịp trống… Tất cả các đội hình cùng đông đảo người dân có mặt tại Quảng trường Ba Đình đều phấn khởi chờ đón sự xuất hiện của phái đoàn Chính phủ lâm thời.

Lời thề độc lập tại lễ Tuyên ngôn Độc lập cách đây 75 năm một lần nữa lại được tái hiện trong ký ức của trung tướng Phạm Hồng Cư, một nhân chứng hiếm hoi từng được chứng kiến những thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Đoàn Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài. Đứng dưới, tự vệ trẻ Phạm Hồng Cư thấy dẫn đầu đoàn là một cụ già mặc bộ đồ kaki sáng màu, dáng đi nhanh nhẹn. Trông cụ khác với những thành viên khác trong đoàn Chính phủ lâm thời khi ai cũng mặc comple.

Nghe giới thiệu, mọi người biết cụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đứng đầu thành viên Chính phủ lâm thời.Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, cả quảng trường lặng im lắng nghe. Chợt Người dừng lại và hỏi: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?”, thì hết thảy mọi người đồng thanh đáp “có”, tiếng vang như sấm dậy. “Từ giây phút đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người dân đã hòa làm một”- Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhớ lại.

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong Tuyên ngôn Độc lập, ông Hoàng Phương, một trong những chỉ huy của trung đội ghé tai Phạm Hồng Cư nói nhỏ: “Cậu có biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai không, đó chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đấy”. Lời mách bảo đó khiến Phạm Hồng Cư thêm xúc động, bởi ông biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước, và nay Người đã trở về. “Âm hưởng Người đã về cứ đọng mãi trong tôi suốt thời gian sau đó. Và điều này cũng không chỉ đến đối với tôi, vì nhạc sĩ Văn Cao cũng “bắt” được âm hưởng Người đã về để sau đó sáng tác bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư dừng lời. Vị tướng già bần thần, rồi run giọng hát những lời đầu trong bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”: “Người về đem tới ngày vui/Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”.

Giữ vững lời thề độc lập

Trung tướng Phạm Hồng Cư cho biết, sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành tuyên thệ trước quốc dân. Tiếp đó, đến phần tuyên thệ của quốc dân, một người trong Ban Tổ chức đọc to những lời thề với nội dung: Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh; Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù phải chết cũng cam lòng; Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa xin thề không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp. Mỗi lần đọc xong, đồng bào ta nhất loạt giơ tay, đồng thanh hô to “xin thề”.

“Sau mỗi lần hô “xin thề”, nước mắt tôi và những đồng đội cứ thế trào ra vì xúc động. Kể từ đó, chúng tôi khắc ghi lời thề độc lập, sẵn sàng chiến đấu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc”- Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

Giữ vững lời thề - ảnh 2
Trung tướng Phạm Hồng Cư xúc động nhớ về Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: Kiến Nghĩa.

Sau lời thề độc lập, khi thực dân Pháp trở lại, Phạm Hồng Cư đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu để thực hiện lời thề. Ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, có mặt ở nhiều thời điểm lịch sử quan trọng trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Phạm Hồng Cư là Chính trị viên đầu tiên của Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308), đơn vị đầu tiên được lệnh rút khỏi Hà Nội để bảo toàn lực lượng sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Sau đó, ông tham gia từ chiến dịch Việt Bắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung tướng Phạm Hồng Cư là đặc phái viên của Tổng cục Chính trị, đi theo cánh quân phía đông tiến vào Dinh Độc Lập.

“Sau khi quân ta chiếm được Dinh Độc Lập khoảng một giờ, tôi cùng với những chỉ huy của Quân đoàn 2 cũng có mặt tại Dinh. Tại đây, tôi gặp anh Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2, người cũng từng được dự lễ Tuyên ngôn Độc lập và tuyên thệ lời thề độc lập cách đây 30 năm. Khi choàng lấy nhau mừng chiến thắng, anh Lê Linh nói với tôi: Chúng ta đã hoàn thành lời thề độc lập. Lời nói đó của anh khiến chúng tôi cùng ứa nước mắt vì xúc động”- Trung tướng Phạm Hồng Cư chia sẻ.

Lời thề độc lập tại lễ Tuyên ngôn Độc lập cách đây 75 năm một lần nữa lại được tái hiện trong ký ức của trung tướng Phạm Hồng Cư, một nhân chứng hiếm hoi từng được chứng kiến những thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Trung tướng Phạm Hồng Cư dừng lời. Vị tướng già bần thần, rồi run giọng hát những lời đầu trong bài hát “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”: “Người về đem tới ngày vui/Mùa thu nắng tỏa Ba Đình/Với tiếng Người còn dịu dàng như tiếng đất trời…”.

Xuân Dũng/TP

Bài mới
Đọc nhiều