+
Aa
-
like
comment

Giữ vững chủ quyền Biển Đông: không phải chúng ta không làm được

28/10/2019 17:10

Thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo chí và mạng xã hội khá nhiều nhưng thông tin một cách chính xác và chính thống thì cần thông tin từ Chính phủ báo cáo trên nghị trường để nhân dân nắm rõ, tránh bị các thế lực thù địch chụp mũ, xuyên tạc gây xáo động lòng dân.

Trong sáng nay, 28/10, bắt đầu tuần làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa XIV,  Quốc hội sẽ họp riêng để nghe Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng, báo cáo trước Quốc hội về công tác đối ngoại  của nhà nước năm 2019.

Tình hình Biển Đông được báo cáo trước Quốc hội nhận được sự quan tâm của dư luận
Tình hình Biển Đông được báo cáo trước Quốc hội nhận được sự quan tâm của dư luận

Công khai thông tin cho nhân dân biết về tình hình Biển Đông

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nội dung công tác đối ngoại mà Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ báo cáo trước Quốc hội tình hình Biển Đông.

Theo đó, những thông tin về Biển Đông đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân. Nói như Đại biểu  Nguyễn Anh Trí  thì “Tâm tư nguyện vọng của cử tri nói thật là không cần phải tiếp xúc cử tri, đọc trên báo chí, ngay cả gặp các bạn đây, ai cũng sốt ruột. Nếu đã là người dân Việt Nam chân chính thì ai cũng suy nghĩ việc này và mong muốn biết, cá nhân tôi cũng thế”.

Đây là một nguyện vọng chính đáng để thông tỏ lòng dân. Bởi vì Trung Quốc đến nay vẫn dùng đường 9 đoạn để biện hộ cho hành động của họ, dù đường này hoàn toàn vô lý và không có cơ sở. Và dù là một thành viên UNCLOS, thậm chí từng tham gia dự thảo bộ luật biển này, Trung Quốc đã phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA). Phán quyết cũng đã nêu rõ không thực thể nào ở Trường Sa đủ điều kiện để có EEZ riêng, tức viện dẫn pháp lý của Trung Quốc là không có giá trị.

Buồn cười ở chỗ, trong khi viện dẫn lịch sử không được coi là cơ sở để phân định tranh chấp lãnh hải, ngay cả những viện dẫn lịch sử của Trung Quốc cũng rất mơ hồ. Chính sách vở Trung Quốc cho thấy các nhà sư nước này hành hương sang Ấn Độ bằng đường biển hay các sứ thần chính thức đều đi nhờ… tàu buôn của người Ả Rập hay tàu của dân Đông Nam Á.

Khảo cổ biển cho thấy trong thiên niên kỷ thứ nhất và trước đó, hầu như không có xác tàu thuyền nào của Trung Quốc trong khu vực, mà chỉ có xác tàu thuyền Ả Rập, các nước Đông Nam Á. Nhiều tên gọi các thực thể ở Biển Đông của Trung Quốc cũng cho thấy đó chỉ là phiên âm hay dịch lại tên do người phương Tây đặt trước, ví dụ như bãi ngầm Tăng Mẫu chỉ là phiên âm của “James Shoal”, hay đá Linh Đương là dịch tên “Antilope Reef”…

Trong bản đồ địa giới, hải giới của Trung Quốc, từ đời nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của kẻ tiểu nhân. Trung Quốc đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông.

Phải nói rằng, mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông rất rõ. Những điều này không cần phải đào đến các thông tin bí mật quốc gia gì cả, chỉ cần theo dõi các thông tin công khai đã có thể thấy. Nên chúng ta phải đấu tranh bằng mọi biện pháp để gìn giữ chủ quyền dân tộc.

Đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ: “Ông cha ta rất biết cách ứng xử mà vẫn bảo vệ được chủ quyền, có những thời kỳ kéo dài hơn 3 thế kỷ. Như vậy, rõ ràng chúng ta biết cách sống với láng giềng, ảnh hưởng của họ không ít, và chúng ta vẫn giữ được tự chủ chính trị lẫn tự chủ văn hoá vì chúng ta có nền tảng. Và điều quan trọng nhất là làm sao có sự đồng thuận giữa dân và nhà nước”.

Biển là niềm hi vọng, là không gian sinh tồn của thế hệ sau này: sẽ có làng mạc biển, thành phố biển… Không gian sinh tồn của dân tộc này đang bị thách thức. Vì thế, làm sao có sự đồng thuận giữa dân và nhà nước trong công cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền đất nước?

Câu trả lời chính là nhân dân cần được Đảng, Nhà nước thông tin về Biển Đông, chủ quyền biển đảo của đất nước một cách minh bạch, rõ ràng từ chính truyền thông chính thống, chứ không phải những thông tin phát tán từ mạng xã hội.

Minh bạch thông tin để phát huy tình đoàn kết dân tộc

Trước hết, cần phải nói ngay rằng, những hành động mới đây trên Biển Đông không phải hành động mới mà là một việc cũ rích. Mang danh anh em “môi hở răng lạnh”, luôn nêu cao 16 chữ, nhưng Trung Quốc lấn của ta từng gốc cây ngọn cỏ. Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang phía ta. Đây là trò rất trẻ con và rất xấu.

Ấy thế mà rồi cứ như tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta nằm gọn trong túi họ. Xin đơn cử: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất Trung Quốc đến hàng chục cây số. Thác Bản Giốc vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã “gặm” một nửa rồi. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc cũng đã cướp và chiếm đóng trái phép mấy chục năm nay.

Và bây giờ, Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 lấn sâu vào thềm lục địa của ta, rồi ngang nhiên tấn công các tàu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và vô cùng xấu. Cũng như hồi họ cắm giàn khoan 981 cách đây mấy năm. Đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”.

“Trung Quốc thường xuyên quấy phá, xâm lấn. Từ hàng ngàn năm nay, chúng ta chưa bao giờ được yên vì ông láng giềng này. Tôi đã có lần nói, nói một cách đắn đo, cân nhắc, chứ không phải nói bừa, nói ẩu rằng, cái bi kịch lớn nhất của chúng ta là phải ở bên cạnh một ông hàng xóm rất xấu tính mà không biết dọn đi đâu mà sống được” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Theo nhận định của các chuyên gia quan hệ quốc tế thì ngày nay vẫn còn có việc khẳng định sức mạnh bằng “họng súng”. Chỉ có điều các quốc gia này cố che giấu sự xâm lược của họ trong “vỏ bọc” hợp pháp và lời lẽ hòa bình. Trung Quốc đã hoàn thiện nghệ thuật đó. Nước này giỏi tạo ra các bản đồ, tài liệu và các dấu vết củng cố các yêu sách của họ. Chỉ có một mặt trận quốc tế thống nhất mới có thể cản trở chủ nghĩa bành trướng leo thang của Trung Quốc.

Vấn đề ở chỗ, Trung Quốc thường “mềm nắn, rắn buông”. Vậy chúng ta cần phải rắn. Khôn khéo, mềm mỏng nhưng rắn. Nếu cần chúng ta cũng sẽ phải làm như Philippine, kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Rồi nhân thể đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bằng con đường hòa bình. Nếu kiện là Trung Quốc sẽ thua, dứt khoát thua. Vì Trung Quốc chẳng có cơ sở pháp lý nào để tranh giành với ta về vùng biển của ta.

Dường như ai cũng thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và biển đảo. Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng liêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.

Chính vì vậy mới nói, một khi mỗi người Việt Nam đều quan tâm đến Biển Đông thì Biển Đông không bao giờ mất được. Nói cách khác, giữ được Biển Đông rất khó, nhưng không phải chúng ta không làm được. Vì vũ khí quan trọng nhất là sự quan tâm của quần chúng nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều