+
Aa
-
like
comment

Con đường “giữ lửa” nhân lực ngành y

Khánh Đăng - 19/11/2022 17:16

Từ đầu năm 2021 đến nay, theo thống kê từ Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Đây là một con số kỷ lục và rất đáng quan ngại đối với một ngành, một lĩnh vực cực kỳ cần thiết trong thời điểm đại dịch vừa qua. Để cứu vãn tình hình và thúc đẩy tăng trưởng bền vững ở mọi ngành, mọi nghề, Chính phủ và các bộ ban ngành có liên quan đã và đang rất nỗ lực trong việc giữ chân nhân viên, cán bộ ngành y. Và gần đây nhất, Quốc hội Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15.

Những khó khăn, áp lực đã khiến nhiều cán bộ ngành y bỏ việc.

Nghị quyết 69/2022/QH15 vừa được thông qua đã được nhiều chuyên gia đánh giá là một bước đột phá quan trọng trong quá trình thay đổi tư duy Việt Nam về chế độ tài chính, ngân sách. Những thay đổi này tuy chậm nhưng lại cho thấy sự chuẩn bị kĩ lưỡng, thận trọng trước các yêu cầu ngày càng cao của xu thế hội nhập.

Trong đó, những điểm nổi bật nhất mà chúng ta không thể không nhắc đến của nghị quyết lần này là: Chính thức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 310.000 đồng/tháng) và tăng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp với cán bộ, công nhân viên ngành y tế. Với việc tăng lương cơ sở, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức mà còn tăng mức đóng bảo hiểm y tế, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội… được tăng lên một tỷ lệ mới, cao hơn, thực chất hơn. Vấn đề khó khăn, thách thức nhất của ngành y trong hai năm qua – khủng hoảng, thất thoát lao động – đã được giải quyết một cách trực tiếp.

Là một trong những nỗ lực đáng ghi nhận liên quan đến việc cải thiện mức sống của người lao động, cụ thể ở đây là người lao động trong lĩnh vực y tế, Nghị quyết 69 đã cho thấy sự cầu thị, lắng nghe của các cấp cơ quan có thẩm quyền đến quyền lợi và nguyện vọng thiết thực của nhân dân.

Trước thực trạng cán bộ y tế bỏ ngành, bỏ nghề ngày một lớn và trước những đòi hỏi không thể chính đáng hơn của lực lượng y tế, Chính phủ đã thực sự vào cuộc. Điều đó cho thấy: Không ai bị bỏ rơi hay bị lãng quên, miễn là họ có đóng góp cho quốc gia, dân tộc này thì bằng mọi cách, Chính phủ ta sẽ luôn bảo vệ họ. Ngành y – một lĩnh vực rất quan trọng trong sự phát triển ổn định và bền vững của Việt Nam (bên cạnh sư phạm), luôn cần những hỗ trợ, giúp đỡ kiểu như thế. Hai năm đại dịch đã đặt cả hệ thống chính trị Việt Nam vào một cuộc thử lửa chưa từng có, ngành y tế là nơi đầu tuyến gánh chịu những hệ lụy của khủng hoảng, vì thế, chăm lo cho sự phục hồi và dự phóng những bất trắc cho ngành y cũng là cách để Việt Nam đề phòng những rủi ro có thể có trong tương lai.

Khi những bất cập, khó khăn của ngành y vẫn còn đó, NQ69 là một nguồn động lực cần thiết để cán bộ ngành y “giữ lửa” trong bối cảnh đại dịch vừa đi qua. Quá trình từ kiến nghị, tranh luận và đưa nghị quyết vào đời sống là bước đầu tiên và cũng là bước đi quan trọng nhất để Chính phủ và Quốc hội tiếp tục có thêm điều kiện thực tiễn để nghiên cứu và điều chỉnh chính sách cho các giai đoạn tiếp theo. Không chỉ ngành y, sắp tới, chúng ta có quyền hy vọng rằng những cải cách ấy sẽ đến với các ngành như sư phạm, tòa án, công an…

Khánh Đăng

Bài mới
Đọc nhiều