+
Aa
-
like
comment

“Giới siêu giàu” Mỹ đút túi hàng tỷ USD nhờ tăng giá dầu

Huy Hoàng - 21/03/2022 10:15

Hôm 8/3, đương kim Tổng Thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng năng lượng từ Nga. Ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng rằng: “Dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ… Chúng tôi sẽ không tham gia hỗ trợ cho chiến sự của ông Putin.”

Tổng Thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng năng lượng từ Nga.

Động thái trên ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Anh, quốc gia cũng tuyên bố sẽ loại bỏ việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh, cho biết chính phủ sẽ thực hiện một “quá trình có trật tự” trong việc dừng nhập khẩu dầu của Nga.

Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Vương quốc Anh.

Còn Châu Âu, họ cũng cho biết sẽ lên kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt đến từ Nga. Tuyên bố của Mỹ, Anh rồi đến EU, khiến giá dầu thế giới “hoảng loạn” như một con ngựa bất kham, giá dầu Brent có lúc vọt lên đến 140 USD/thùng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, giữa tâm chấn bão giá đó, nước Mỹ lại thu về hàng tỷ USD. Lý do là vì thực chất, giá dầu tăng không phải do Mỹ thiếu dầu, mà chỉ là “cơn bão giá ảo” từ thị trường.

Hôm 8/3, nhiều tờ báo quốc tế đã tìm thấy một văn bản hướng dẫn của Bộ Tài Chính Mỹ, được đăng tải cùng ngày với tuyên bố cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Nhà Trắng. Bảng hướng dẫn nói rằng: “Để hạn chế tác động của lệnh trừng phạt, thì văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài OAFC thuộc Bộ Tài Chính Mỹ sẽ cấp giấy phép chung liên quan đến Nga để các công ty kinh doanh dầu và các ngân hàng Mỹ vẫn có thể tiếp tục các hợp đồng mua bán năng lượng từ Nga được ký trước đó, cho đến tháng 6 năm nay. Hạn chót là 12h00 ngày 22/6/2022.”

Theo nội dung trong bảng hướng dẫn trên, mà lệnh cấm vận từ Nhà Trắng phải được hiểu là: Các công ty doanh nghiệp Mỹ vẫn có thể mua dầu từ Nga, nhưng phải mua theo hợp đồng đã ký trước ngày 8/3. Chỉ có những hợp đồng ký sau ngày 8/3 mới không được chấp nhận.

Hướng dẫn của OFAC về lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Điều đó nói lên rằng Mỹ – vốn đang nhập khẩu hơn 90.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga – không hề ngưng nhập khẩu dầu của Nga ngay lập tức. Việc nhập khẩu vẫn được phép giao dịch bình thường miễn là nó nằm trong các hợp đồng đã ký trước ngày 8/3. Nó cũng có nghĩa Mỹ hiện nay không hề thiếu dầu. Như vậy, giá xăng dầu tăng mạnh ở  Mỹ tuần qua không đến từ nguyên nhân chênh lệch cung cầu, mà chỉ là do tâm lý hoảng loạn của thị trường dầu mỏ.

Nếu truyền thông Mỹ trực tiếp đăng tin về bảng hướng dẫn trên, chắc chắn sẽ ngăn được một cú sốc giá dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên nó lại bị giới truyền thông “vô tình” lãng quên và hầu như chẳng hề được nhắc tới. Cuối cùng, bên hưởng lợi nhất trong đợt bão giá không ai khác chính là những ông chủ đang kinh doanh xăng dầu trên đất Mỹ. Và bởi thị trường Mỹ không thiếu dầu, số dầu đang sẵn có đó đáng lẽ ra phải được bán với giá bình ổn như thường ngày thì nay, nhờ các lệnh cấm vận đẩy giá dầu lên cao, chúng lại được bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Tính tới ngày 18/3, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ vẫn neo ở mức 4,29 USD/gallon. Dù đã giảm so với mức đỉnh của tuần trước nhưng giá xăng vẫn ở mức rất cao, hơn cả mức giá kỷ lục vào tháng 7/2008 là 4,11 USD/gallon. Giá xăng tăng đã làm nhiều ngành nghề tại Mỹ điêu đứng, trung bình với một người dân Mỹ, họ sẽ phải tốn gần 60 USD cho mình bình đầy xăng. Cách đây một tháng, con số này chỉ là 38 USD.

Giá xăng dầu tại Mỹ đã tăng gấp 2-3 lần.

Trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, giá dầu thô chỉ khoảng 50 USD/thùng, không vượt nổi ngưỡng 70 USD, giá xăng tại Mỹ cũng theo đó mà chỉ ở mức 2,77 USD/gallon.

Còn giờ đây, giá dầu tăng 2-3 lần đã khiến người dân Mỹ chật vật trong bão giá, chi phí sinh hoạt leo thang và túi tiền thì cạn dần. Số tiền đó đang chảy ào ạt về túi của những công ty kinh doanh dầu tại Mỹ.

“Trời mưa thì cũng có kẻ khóc, người cười”, chiến sự Ukraine nổ ra là một cơ hội quý giá để làm đầy túi tiền cho một bộ phận siêu giàu tại Mỹ.

Exxonmobil: “Nam châm hút tiền” giữa bão giá

Thời điểm cuối năm ngoái, khi lực lượng của Nga chỉ mới đến gần biên giới với Ukraine, giá dầu thế giới đã bắt đầu leo thang, chạm mốc 85 USD/thùng. Trong quý III/2021, ExxonMobil, công ty dầu mỏ lớn nhất của Mỹ, đã nhanh chóng thu về hàng tỷ USD, với mức lãi ròng 6,8 tỷ USD, bù vào khoản lỗ 680 triệu USD do kinh doanh thất bát của năm 2020. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, doanh thu của ExxonMobil trong quý III/2021 đã tăng đến 60% so với cùng kỳ năm trước, thu về mức chênh lệch so với năm 2020 gần 73,8 tỷ USD.

Trong quý III/2021, Tập đoàn ExxonMobil đã nhanh chóng thu về hàng tỷ USD.

Tập đoàn ExxonMobil là tập đoàn năng lượng lớn nhất ở Mỹ hiện nay, bán ra hàng triệu thùng mỗi ngày. Họ là “hậu duệ” kế thừa những di sản từ công ty Standard Oil của “ông hoàng dầu mỏ” trứ danh John D. Rockefeller. Và khi giá dầu tăng đến mức báo động, thì túi tiền của ExxonMobil cũng liên tục được phình to…

Một giàn khoan của ExxonMobil.

Không chỉ thu lợi từ trong nước, ExxonMobil còn là tập đoàn lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Rosneft của Nga) và có nhiều nhà máy lọc dầu nhất trên thế giới (37 nhà máy trên 21 quốc gia) với tổng sản lượng khoảng 5,3 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, ExxonMobil chính là công ty điều hành mỏ “Cá voi xanh” ở Việt Nam.

Cũng vì là đa quốc gia, nên lệnh cấm vận từ Nhà Trắng không chỉ giúp ExxonMobil thu lợi từ trong nước. Nhờ có hàng chục nhà máy lọc dầu tại nhiều quốc gia, khi giá dầu tăng do biến động thế giới, ExxonMobil đã dễ dàng bán ra số dầu mình có với giá cắt cổ, thu lợi hàng tỷ USD.

Đơn cử là tại Anh, năm 2019, ExxonMobil đã chi hơn 1 tỷ USD để đầu tư hạ tầng, tăng công suất cho nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Fawley. Cơ sở hạ tầng mới tại Fawley cho phép ExxonMobil sản xuất thêm 38.000 thùng dầu diesel/ngày. Trước đó, nhà máy này đã sản xuất được gần 270.000 thùng/ngày và đủ cung cấp cho 1/6 số lượng xe hơi tại Anh. Nhà máy Fawley được đặt ở vị trí chiến lược để tiếp cận các mạng lưới cung ứng ở miền Nam nước Anh và các thị trường xuất khẩu khác ở châu Âu và xung quanh Đại Tây Dương.

Nhà máy lọc dầu tại Fawley (Anh) của ExxonMobil.

Con tàu bí ẩn

Ít lâu sau lệnh cấm vận dầu của Nhà Trắng, ông Grant Shapps, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Vương quốc Anh, cũng đã phát đi lệnh cấm với tất cả các tàu chở dầu và khí đốt của Nga cập cảng tại các cảng ở Anh. Các công nhân bốc xếp tại một cảng ở cửa sông Thames thậm chí đã từ chối dỡ hàng trên một con tàu dầu của Nga.

Tuy nhiên, trong ngày 14/3, một siêu tàu chở dầu “bí ẩn” của Nga không biết bằng cách nào lại cập cảng Southampton thành công để tiếp nhiên liệu cho nhà máy lọc dầu ExxonMobil ở Fawley. Theo dữ liệu hàng hải của Greenpeace, con tàu Seatribute đã rời cảng Novorossiysk của Nga ở Biển Đen lúc 01h27 ngày 23/2 và cập bến Southampton vào chiều 11/3.

Siêu tàu dầu Seatribute của Nga cập cảng Southampton ngày 14/3.

Greenpeace nói, kể từ khi căng thẳng ở Ukraine nổ ra, họ đã sử dụng dữ liệu vận chuyển để dõi theo hành trình của “các siêu tàu chở nhiên liệu hóa thạch” rời Nga. Và theo thông tin mới nhất mà Greenpeace công bố, kể từ ngày 24/2 – ngày bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine – một số tàu chở dầu chở dầu Nga đang trên đường đến nước Anh đã chuyển hướng do lo ngại bị cấm vận, nhưng vẫn còn rất nhiều con tàu khác vẫn bám biển đi thẳng đến Anh.

ExxonMobil sau đó đã phủ nhận đó là dầu của Nga. Họ cho biết số dầu đến từ Kazakhstan và được vận chuyển qua đường ống dẫn dầu Caspi. ExxonMobil nhấn mạnh: “Đường ống Caspi là nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Kazakhstan và không bị trừng phạt vào thời điểm này”.

Đường ống Caspi vận chuyển phần lớn lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan. Tuy nhiên, để nó đến được Biển Đen, đường ống buộc phải đi qua miền nam nước Nga và thực tế là một phần đường ống cũng do Nga sở hữu. Đáng chú ý, 10% lượng dầu đi qua đường ống Caspi đến từ các mỏ dầu thuộc sở hữu của Nga, được trộn lẫn với phần dầu thô của Kazakhstan.

Một đoạn đường ống dẫn dầu Caspi.

Như vậy, lệnh cấm của Anh cũng có lỗ hổng là không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa mà chỉ chăm chăm áp dụng với các tàu thuộc sở hữu của Nga hoặc mang cờ Nga. Bằng chứng là lệnh cấm vận đã không chạm đến được 10% lượng dầu của Nga “hòa lẫn” trong con tàu được cho là chở dầu của Kazakhstan.

Luồn lách cấm vận

Các “ông hoàng dầu mỏ” như ExxonMobil như vậy đã rất thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cho mình, luồn lách để tránh các lệnh cấm vận. Giá xăng tăng tại nhiều nước vì thế cũng không phải do chêch lệch cung cầu, bởi các ông chủ dầu mỏ vẫn đang xoay sở đầy đủ nguồn cung. Tuy nhiên, giá mỗi lít xăng bán ra cho người tiêu dùng vẫn đều đặn “phá kỷ lục” hết lần này đến lần khác.

Xét về mặt kinh tế – xã hội, các lệnh cấm vận chỉ đang khiến giá dầu tăng phi mã và rút cạn ví của người dân các nước. Chỉ có túi tiền của một bộ phận duy nhất được lấp đầy, đó là giới siêu giàu nước Mỹ.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều