Giấy vệ sinh, bệnh vô cảm và cái giá của khủng hoảng niềm tin
Số người mắc bệnh và chết vì Covid-19 là quá nhỏ để tác động đến kinh tế toàn cầu. Nhưng nỗi sợ hãi do nó gây ra lại đủ sức làm chao đảo thế giới. Đó chính là cái giá của khủng hoảng niềm tin khiến cho “bệnh” vô cảm đang lây lan nhanh hơn bệnh dịch.
Hôm nay (9/3) có lẽ là một ngày bình thường rồi đấy nhỉ? Tôi đi ra phố, ra chợ… thấy thịt lợn lại ê hề trên các phản. Gạo, mì tôm, giấy vệ sinh… chất đống nhưng không còn cảnh chen chúc người mua.
Trên mạng xã hội Facebook, ai đó vừa nói hài hước: “Các Thánh ơi, đi giải cứu thịt lợn, mì tôm và giấy vệ sinh đi nào!”. Bởi vì, sau cơn hoảng loạn tập thể khiến người Hà Nội rồng rắn xếp hàng tích trữ hàng hoá trong 2 ngày 7 và 8/3, người bán thấy lợi nhuận gấp 2 gấp 3 bèn mổ cấp tốc những con lợn lẽ ra chưa đến ngày tận số, nhập gạo, mì tôm và giấy vệ sinh đầy cửa hàng…, thì dân tình lại thờ ơ không mua nữa.
Vì sao người dân không mua nữa?
Là vì họ đã kịp mua cả đống trong hai ngày trước rồi.
Nghĩ lại mà đến khiếp. 22h ngày 6/3, Hà Nội họp khẩn trong đêm để công bố ca bệnh Covid-19 đầu tiên là bệnh nhân số 17 mang tên Nguyễn Hồng Nh. (ở 125 phố Trúc Bạch, Ba Đình), sau khi cô này đi du lịch Anh, Ý, Pháp và khai báo y tế gian dối để nhập cảnh vào Việt Nam.
Lập tức 23h ngày 6/3, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi sáng đèn trở lại để đón những vị khách đi dép lê, quần áo ngủ từ chung cư lao xuống vơ vét hàng hoá như sắp đến ngày tận thế. 5h sáng 7/3 đã có người cần mẫn đi chợ đầu mối và 8h sáng cùng ngày thì hiện tượng những phản thịt lợn chỉ còn trơ xương, những giá kệ siêu thị trống hoác trở nên phổ biến ở khắp nơi.
Cơn hoảng loạn khát lương thực thực phẩm “ảo” này diễn ra vào đúng dịp quốc tế phụ nữ 8/3. Thế là thay vì khoe hoa hồng, nhẫn kim cương, phụ nữ đồng loạt khoe mì tôm và giấy vệ sinh trên mạng xã hội để thể hiện độ rick-kid rất đúng trend của mình.
Hôm nay họ không mua nữa còn vì lý do: Ngày 8/3, Chính phủ đã trấn an rằng, hiện nay, các hệ thống siêu thị có đủ nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân nên người dân không cần tích trữ.
Theo đó, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch đã được dự trù tăng 30-40%. Chính phủ cũng đã chi 25.000 tỷ đồng vào công tác đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hoá trong giai đoạn dịch bệnh.
Nhờ đó mà người dân bừng tỉnh.
Cá nhân tôi không hiểu nổi vì sao người ta phải tích trữ gạo khi mà Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Thái Lan)?
Vì sao phải tích trữ giấy vệ sinh? Giấy vệ sinh thì liên quan gì đến dịch bệnh? Thử làm phép tính: Một bịch giấy vệ sinh thông thường có 12 cuộn, nếu mỗi người dùng một cuộn thì cũng phải cả tuần mới hết. Thế thì tích trữ hàng chục bịch giấy vệ sinh để mà trải dài đến tận cung trăng à?
Hồi đầu tháng 3/2020, Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) phát đi khuyến cáo mọi thứ nên có trong “Bộ dụng cụ khẩn cấp” trong trường hợp bị cách ly 14 ngày tại nhà, trong đó có cả giấy vệ sinh.
Thế là, thay vì đọc kỹ rằng khuyến cáo này chỉ dành cho những người bị cách ly 14 ngày thì người dân ở nhiều nước đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh và hàng hoá theo danh sách khuyến cáo.
Đến nỗi mà, theo nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong một đoạn hội thoại với các doanh nhân bị rò rỉ, Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing được cho là đã lên tiếng mỉa mai hành vi hoảng loạn mua đồ của cư dân đảo quốc này, cho rằng đó giống như những con khỉ bắt chước nhau.
“Bạn muốn trữ gạo, trữ mì, tôi có thể hiểu, nhưng tại sao lại trữ giấy vệ sinh? Nếu bạn ăn hết chỗ gạo và mì bạn tích trữ, bạn đảm bảo sẽ đi ngoài,” ông Chan nói.
Nhìn rộng ra, vì sao người dân tích trữ hàng hoá khi có dịch bệnh (kể cả những thứ ngớ ngẩn như giấy vệ sinh)?
Không phải vì hậu quả thật sự của dịch bệnh, mà chính vì sự khủng hoảng niềm tin.
Điều này là phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Bởi vì, tương tự như các cuộc tấn công khủng bố và khủng hoảng tài chính, dịch bệnh tạo ra tâm lý “không chắc chắn” về tương lai trong lòng người dân. Nó lan rộng ra đến mức gây nên sự hoảng loạn “giả tạo”.
Tờ tạp chí Phố Wall của Mỹ hôm 24/2 có một bình luận khá hình ảnh về hiện tượng này: “Phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với nhiễm trùng thường đau đớn hơn so với nhiễm trùng. Điều tương tự cũng đúng với dịch bệnh và nền kinh tế”.
Thay vì bình tĩnh nhận định tình hình và hợp tác với Chính phủ, thì nhiều người dân lại chạy đi tích trữ nhu yếu phẩm, khiến cho tình hình càng thêm rối loạn.
Họ bị một thứ hiệu ứng tâm lý đám đông mà Tâm lý học gọi là “hội chứng sợ bị bỏ lỡ”, thấy người khác tích trữ thì mình cũng phải tích trữ, dù đôi khi không thật cần thiết.
Nhưng họ đã quên đi rằng, chen chúc tại cửa hàng, siêu thị… là cách chúng ta đang đặt hệ miễn dịch của mình vào tình trạng nguy hiểm. Nên nhớ, không phải tự nhiên mà Trung Quốc có số ca mắc Covid-19 tăng chóng mặt trong thời gian đầu. Một phần bởi lượng người đổ xô ra siêu thị, chạy trốn khắp nơi khỏi cách ly, tạo môi trường lây lan nhanh nhất. Sau khi tất cả ở yên trong nhà, mọi thứ bắt đầu chậm dần, thì đã quá muộn, nhiều người đã tử vong vì đám đông và tâm lý hoảng loạn đó.
Tích trữ hàng hoá nhiều hơn nhu cầu sử dụng thực tế cũng chính là bạn đang góp phần gây lãng phí, thể hiện bản chất ích kỉ, vô cảm của con người khi tước đoạt cơ hội được sử dụng hàng hoá của người khác. Trong hoạn nạn, điều này có thể coi là thất đức. Khi bạn đổ bỏ đồ ăn thừa, hãy nghĩ đến những người đang nhịn đói.
Chúng ta biết rằng, nếu chỉ dựa trên các tác động sức khỏe, virus corona không phải là vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Tính đến 8h sáng ngày 9/3, virus này khiến 109.650 người mắc bệnh (riêngTrung Quốc: 80.699 ca), nhưng đã có tới gần 60% được xuất viện (59.866 ca), chỉ có 3.801 người tử vong (Trung Quốc: 3.087 ca). Con số này là quá nhỏ so với mức dân số thế giới hiện tại là 7,76 tỷ người và dân số Trung Quốc là 1,43 tỷ người.
Chúng ta cũng nhớ rằng, dịch bệnh SARS những năm 2002-2003 khiến hơn 8.000 người mắc bệnh nhưng có tới 774 người chết (tỷ lệ tử vong/mắc bệnh là gần 10%). Dịch Covid-19 hiện nay theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có tỷ lệ tử vong là 3,4%.
Trong khi đó, 17 năm qua, trình độ y tế của Việt Nam và thế giới đã phát triển rất đáng kể. Việt Nam đã dập dịch SARS năm 2003 rất tốt, thế thì không lý do gì lại thiếu niềm tin vào năng lực chống dịch Covid-19 của Chính phủ và ngành Y tế Việt Nam hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà quyết định của một cá nhân có thể ảnh hưởng đến sinh mệnh của cả cộng đồng. Sự gian dối trong khai báo y tế của bệnh nhân số 17 hay hành vi khạc nhổ nơi công cộng, đầu cơ “thổi giá” khẩu trang hay là đổ xô đi mua gom hàng hoá… đều đáng trách như nhau.
Việc chúng ta cần làm bây giờ là ngồi yên tại chỗ, làm tốt việc của mình, tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế, không di chuyển, không mua gom hàng hoá. Tin tưởng và tin tưởng. Việc còn lại đã có Chính phủ lo.
Chỉ thế thôi đã là hợp tác tốt lắm rồi. Chứ chạy nháo nhào ôm thùng mì tôm hay bịch giấy vệ sinh cũng không chắc tránh được bệnh Covid-19, mà bệnh vô cảm thì đã về đến cửa nhà…
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Minh Minh